【thứ hạng của la galaxy】Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Cần những bước đi cụ thể, phù hợp thực tế
Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (gọi tắt là Chương trình Tổng thể) đã quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013, về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, giảm bớt kiến thức hàn lâm, không gây áp lực và chú trọng bồi dưỡng, phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Dự thảo nhận được nhiều ý kiến đánh giá là chương trình thiết kế theo hướng đổi mới, tiến bộ.
Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (gọi tắt là Chương trình Tổng thể) đã quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013, về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, giảm bớt kiến thức hàn lâm, không gây áp lực và chú trọng bồi dưỡng, phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Dự thảo nhận được nhiều ý kiến đánh giá là chương trình thiết kế theo hướng đổi mới, tiến bộ.
Tuy nhiên, tại Hội thảo Góp ý Chương trình Tổng thể do Sở GD&ÐT Cà Mau tổ chức vừa qua, cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông trong tỉnh đã thẳng thắn bày tỏ băn khoăn, lo ngại cùng những đề xuất, góp ý để Sở GD-ÐT tổng hợp gửi về Bộ làm căn cứ xây dựng chương trình hoàn thiện hơn.
Theo tinh thần của dự thảo, sau năm 2018, chương trình giáo dục sẽ không ôm đồm, trải rộng như chương trình hiện hành. Theo đó, phân định rõ các môn học bắt buộc của 3 cấp: cấp tiểu học từ 5-7 môn; THCS chỉ còn từ 6-8 môn; THPT còn 4 môn. Ngoài các môn có tính bắt buộc, tuỳ theo nguyện vọng, học sinh sẽ đăng ký học các môn học, chuyên đề tự chọn.
Tiết học ngoại khoá của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi tại phòng trưng bày của Bảo tàng tỉnh Cà Mau. |
Ý kiến đóng góp của các tổ chuyên môn Trường THPT Cà Mau cho rằng, đối với tiểu học, chỉ nên học những môn đơn giản và học 1 buổi. Ví như khối 1 chỉ học Tiếng Việt và Toán, khối 3-4 có thể thêm các môn Lịch sử, Ðịa lý vào môn bắt buộc. Bởi so với trước cải cách giáo dục, chương trình học các em nhẹ nhàng mà hiệu quả. Kế đến là THCS và THPT cũng không cần học quá nhiều môn học mà chỉ nên học những môn cần thiết.
Một số cán bộ quản lý và thầy, cô giáo Trường Tiểu học Hùng Vương (TP Cà Mau) góp ý, với số môn được quyết định bắt buộc: lớp 1, 2, 3 gồm 6 môn; lớp 4, 5 là 8 môn; và các môn tự chọn từ 2-5 môn, cho thấy đã giảm áp lực cho học sinh, các em có điều kiện được lựa chọn những môn học theo năng lực. Tuy nhiên, về cách tiếp cận môn học bắt buộc và tự chọn chưa hợp lý, dự thảo cũng chưa quy định cụ thể cho mỗi học sinh được chọn ít nhất bao nhiêu môn và nhiều nhất là bao nhiêu môn, để không bị quá tải, gây phân tán học lực. Ở môn tự chọn 3 của tiểu học (theo dự thảo có 3 lựa chọn) cũng cần có quy định các em được chọn bao nhiêu nội dung cho 1 môn học.
Bên cạnh, thầy cô tỏ ra lo ngại về thời lượng giảng dạy theo chương trình mới ở cấp tiểu học là mỗi ngày học 2 buổi, song, tình hình thực tế phần lớn các trường trên địa bàn thành phố vẫn chưa thực hiện được dạy 2 buổi/ngày. Riêng tại Trường Tiểu học Hùng Vương chỉ mới thực hiện được dạy 7 buổi/tuần để đảm bảo chương trình hiện hành. Do vậy, trường kiến nghị Bộ cần đưa ra khung thời gian để các trường lựa chọn, áp dụng phù hợp với điều kiện, cũng như giáo viên của từng trường.
“Trong việc xác định các môn học bắt buộc, cơ quan quản lý đang giành quyền quyết định học sinh phải học tốt những môn gì cho tương lai, thay vì để việc chọn đó cho học sinh và phụ huynh làm. Như vậy, chúng ta sẽ tiếp tục một nền giáo dục áp đặt thay vì tạo điều kiện cho các em phát huy các sở trường của mình và tập trung học tốt, học sâu những môn học có năng khiếu, thế mạnh, cần cho công việc tương lai. Theo chúng tôi, các môn học bắt buộc ở 2 cấp trung học không nên quá 5 môn, tổng số môn học không quá 8 môn, để dạy và học thật sâu. Bên cạnh, nên dạy cho học sinh phương pháp tự học để có thể học những thứ khác không nằm trong chương trình học”, góp ý của giáo viên Trường THPT Ðầm Dơi.
Cơ sở vật chất, cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên có thể đáp ứng yêu cầu học tập, đánh giá theo chuẩn mới của chương trình tổng thể hay không? Ðây là câu hỏi mà tất cả thầy, cô và lãnh đạo các trường học trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Kế đến là giải pháp về tổ chức dạy học môn tích hợp, các môn học, chuyên đề tự chọn. Nhiều câu hỏi được các thầy, cô trong quá trình nghiên cứu dự thảo đặt ra là: Khi học sinh đổi môn tự chọn, phải học hết các học phần còn lại, việc tổ chức dạy và học này như thế nào? Học sinh có đáp ứng kịp chương trình hay không? Giáo viên năm sau có chịu trách nhiệm kiến thức của học sinh này không? Vì theo dự thảo, các em có quyền thay đổi các môn tự chọn và chuyên đề nhưng không ghi rõ thay đổi ở thời điểm nào.
Tiếp nữa, chương trình mới đưa ra vấn đề dạy tích hợp ở các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, vậy liệu đội ngũ giáo viên hiện tại đảm trách được yêu cầu đó không? Ðồng ý với quan điểm của Bộ là sẽ đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên nhưng hiệu quả có đạt được theo yêu cầu không? Do vậy nguồn nhân lực cũng là một vấn đề cần phải có những giải pháp cụ thể.
Ý kiến đóng góp của 41 trường học và các phòng giáo dục huyện, thành phố, với 6 bài tham luận và các thảo luận của bàn luận các vấn đề về việc đưa ngoại ngữ vào giảng dạy tiểu học khi các em đang ở lứa tuổi rèn luyện ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt mà phải học thêm ngôn ngữ nước ngoài. Kể cả việc đưa tiếng dân tộc vào dạy sẽ không khả thi, vì có nhiều thứ tiếng rất ít người dùng, trong khi dự thảo chưa khẳng định tiếng dân tộc nào để đưa vào giảng dạy.
Ðối với lớp 4, 5 nên đưa nội dung Tin học bắt buộc để các em làm quen sớm hơn, tạo tiền đề để các em mở rộng kiến thức, tự tìm tòi để học hỏi; nếu đưa nội dung tin học sang THCS sẽ chậm. Các ý kiến góp ý đã chỉ ra nhiều bất cập khi áp dụng việc đưa hoạt động trải nghiệm, sáng tạo vào chương trình tổng thể. Ðây cũng là điểm mới, song đòi hỏi phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên, bởi lực lượng chuyên về lĩnh vực này ở các trường gần như không có.
Theo Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, 3 môn cốt lõi bắt buộc các học sinh phải học xuyên suốt 3 cấp là: Toán, Văn và Giáo dục công dân. 1 năm học kéo dài 35 tuần. Trong đó có 32 tuần theo quy định chung của cả nước và 3 tuần dành cho nội dung giáo dục địa phương. Thời khoá biểu của từng cấp phải đảm bảo: Cấp tiểu học: 2 buổi/ngày, buổi sáng không quá 4 tiết và buổi chiều không quá 3 tiết, mỗi tiết học trung bình 35 phút. Cấp THCS, THPT: 1 buổi/ ngày, không quá 5 tiết học, mỗi tuần học không quá 28 tiết, mỗi tiết học kéo dài 45 phút. |
“Sỉ số lớp cần giảm đối với THCS, THPT chỉ nên khoảng 30 em/lớp, do đó, trước khi thực hiện chương trình cần trang bị về số phòng học” là một trong các ý kiến đóng góp vào dự thảo của Phòng GD&ÐT huyện Năm Căn.
Dự thảo chương trình giáo dục mới này sẽ khắc phục được những điểm yếu và thiếu của chương trình cũ, tuy nhiên, muốn thay đổi cần phải chuẩn bị lâu dài, về giáo viên, về cơ sở vật chất đến năm 2018 để phục vụ cho việc áp dụng chương trình SGK. Ðây sẽ là bước ngoặt thay đổi lớn của cả 1 hệ thống giáo dục, vì thế, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục Cà Mau kiến nghị Bộ nên lường hết những khó khăn, bất cập từ nhiều hướng, để tránh tình trạng ban hành dự thảo gặp phải phản ứng gay gắt như một số chủ trương trước đây./.
Bài và ảnh: Băng Thanh