Những môn thi bóng chuyền, đi cà kheo, đẩy gậy... các VĐV đuổi bám điểm nhau rất sát, tạo nên sự hấp dẫn, kịch tính, lôi cuốn người xem
Đoàn kết, thân thiện, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Trong đêm khai mạc (29-3), mặc dù trời mưa nặng hạt nhưng khán giả tới dự rất đông, thưởng thức “bữa tiệc âm nhạc” đầy màu sắc của các diễn viên, nghệ nhân không chuyên. Màu sắc của 13 dân tộc anh em quện vào nhau qua những bộ trang phục rực rỡ của dân tộc mình cùng tiếng trống, chiêng âm vang rộn rã và điệu múa sinh hoạt cộng đồng vui nhộn. Trong khuôn khổ liên hoan, du khách có dịp được tham quan, tìm hiểu phong tục, tập quán, nét sinh hoạt thường ngày của đồng bào các DTTS đang sinh sống trên địa bàn huyện và thưởng thức những món ăn truyền thống do chính người dân làm.
Liên hoan diễn ra trong 3 ngày từ 29 đến 31-3. Không chỉ biểu diễn nghệ thuật, các đội còn thi đấu thể thao, thi trại đẹp, các trò chơi dân gian và đêm hội văn hóa. Nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc được mô tả trong kiến trúc trại. Từ các nguyên, vật liệu như cây rừng, tre, nứa, lồ ô, tranh... đến những vật dụng như gùi, các loại nhạc cụ, đồ dùng sinh hoạt... đã lột tả sinh hoạt văn hóa trong cuộc sống thường ngày của đồng bào.
Ông Điểu Vem, Trưởng ấp 8B, xã Lộc Hòa chia sẻ: “Thanh niên giờ ít biết đánh cồng chiêng, dựng nêu, thiếu nữ không biết dệt váy truyền thống của dân tộc mình để mặc trong các dịp lễ, tết... đó là điều đáng buồn. Liên hoan là dịp để truyền cho con cháu tình yêu văn hóa dân tộc và học hỏi thêm nhiều nét văn hóa của các dân tộc khác. Thế hệ trẻ nếu không biết gìn giữ, sau này con cháu sẽ không còn nhớ về cội nguồn dân tộc”.
Liên hoan với các hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn gắn liền với đời sống, lao động và tập quán của người dân. Các đội bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ đã cống hiến cho người xem những màn thi đấu kịch tính, tạo không khí phấn khởi, thi đua giữa các dân tộc anh em trên địa bàn. Theo đánh giá của ban tổ chức, liên hoan có số lượng VĐV tham gia đông, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Huyện Lộc Ninh có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống (19% số dân toàn huyện), trong đó 80% đồng bào S’tiêng và Khơme. Để có những tiết mục biểu diễn đẹp mắt, trước đó vài tháng, các nghệ nhân không chuyên đã gác lại công việc ngày mùa để cùng tập luyện. Họ đều là những diễn viên, VĐV nông dân, nhưng khi biểu diễn lại “cháy hết mình”.
Các thiếu nữ dân tộc S’tiêng uyển chuyển trong điệu múa mừng lúa mới