Lạm phát ở Nhật Bản tăng mạnh nhất trong hơn 7 năm qua. |
Theo đó, CPI lõi tại Nhật Bản tháng 7 vừa qua tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,2% so với tháng 6 và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2014.
Nhật Bản đang phải vật lộn với tình trạng giá cả hàng hóa tăng cao do nước này phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu dầu mỏ, than và khí tự nhiên hóa lỏng. Xu hướng này khiến Nhật Bản ghi nhận mức thâm hụt thương mại tháng thứ 12 liên tiếp trong tháng 7 do chi phí nhập khẩu tăng.
Tại cuộc họp trước đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã nâng dự báo lạm phát cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023 từ mức 1,9% lên 2,3%. BoJ cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng của năm nay xuống 2,4% từ mức 2,9% đưa ra trước đó, cảnh báo về áp lực từ đại dịch và giá hàng hóa tăng mạnh.
BoJ hiện vẫn giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức - 0,1%. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng quyết định tiếp tục chương trình mua vào tài sản để duy trì lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục giữ lãi suất đi vay ở mức “hiện tại hoặc thấp hơn” nếu lạm phát vẫn cao hơn mức mục tiêu mà Ngân hàng đề ra.
Tuy nhiên, so với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới, lạm phát ở Nhật Bản vẫn khá thấp. Vì vậy, giới phân tích dự báo BoJ có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản.
Từ đầu tháng 3 năm nay, đồng Yen đã bắt đầu mất giá mạnh so với đồng USD. Tuy nhiên, đà mất giá của đồng Yen đã nhanh hơn sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 20 năm vào tháng 5 vừa qua, đồng thời cho biết cơ quan này “sẵn sàng” tăng thêm lãi suất trong nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát.
Theo các nhà kinh tế, đồng Yen yếu sẽ giúp tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu. Tuy vậy, việc này cũng sẽ khiến chi phí nhập khẩu cao hơn, làm tăng giá năng lượng và một số mặt hàng nhập khẩu.
Trước đó, trong một tuyên bố, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bày tỏ ủng hộ chính sách siêu nới lỏng của BoJ, cho rằng các cơ quan quản lý tiền tệ nên duy trì lập trường thích ứng hiện tại để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19./.