Hệ thống hành chính của Việt Nam không có quy định nào cho phép một phòng có 11 biên chế nhưng có tới 7 lãnh đạo,thừakq afc bổ nhiệm như vậy là sai nguyên tắc.
Vừa qua, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên kết luận về việc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh này bổ nhiệm thừa 23 cán bộ lãnh đạo. Việc bổ nhiệm ở Sở này được cho là tràn lan và bất hợp lý như: Phòng Kế hoạch tài chính biên chế 11 người nhưng có tới 7 lãnh đạo; Phòng Quản lý xây dựng công trình biên chế có 4 người thì có tới 3 lãnh đạo... Cả 5 phòng, ban chuyên môn của Sở đều có số lượng lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên hoặc vượt quá số cán bộ lãnh đạo theo đề án.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra thông tin Sở NN&PTNT Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 cán bộ và báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 31/3.
Bổ nhiệm cán bộ sai nguyên tắc
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Vũ Ngọc Quyết (Bí thư Chi bộ 8, phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) cũng thẳng thắn đề nghị làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể các cán bộ đã để xảy ra sự việc này.
Trụ sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên. (Ảnh: KT)
Theo ông, chuyện một phòng có 11 biên chế nhưng có tới 7 lãnh đạo, hệ thống hành chính của Việt Nam không có quy định nào cho phép như vậy. Bổ nhiệm thừa cán bộ như vậy là sai nguyên tắc, trái với các quy định.
Tình trạng đó kéo theo nhiều hệ lụy và bất cập, lãnh đạo mà không có người thực hiện thì công việc sẽ ách tắc; nhiều người chỉ đạo mà không có người giải quyết công việc cụ thể, chi phí hành chính tăng lên và gây bức xúc trong cán bộ, nhân dân.
“Để xảy ra bất bình thường trong công tác cán bộ thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước cán bộ, công chức cơ quan. Việc này phải uốn nắn kịp thời, tránh tình trạng lãng phí, sử dụng cán bộ không đúng mục đích. Cần phải dân chủ, minh bạch, công khai trong công tác cán bộ, không vì con ông cháu cha mà bổ nhiệm tràn lan như vậy”, ông Vũ Ngọc Quyết nêu ý kiến.
Ông Quyết nhận định, hiện tượng bổ nhiệm tràn lan cán bộ quản lý nhiều hơn nhân viên có thể không phải cá biệt ở Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên hay Sở LĐ-TB&XH Hải Dương, do đó, cơ quan chức năng cần siết lại tổ chức bộ máy chính quyền, xử lý nghiêm trách nhiệm người vi phạm kể cả khi đã về hưu hay chuyển công tác khác.
Do vậy, khi có chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra thông tin báo chí phản ánh và báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 31/3, vị Bí thư Chi bộ cho rằng, đây là chỉ đạo rất kịp thời, nhất là trong lúc Đảng ta đang tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII thì đây cũng là điều dư luận đang mong muốn có câu trả lời.
Tính bức thiết của kiểm soát quyền lực
Mấy ngày gần đây, qua theo dõi tin tức trên các báo phản ánh chuyện một số Sở, ngành có nhiều chức danh lãnh đạo hơn nhân viên, ông Trần Công Dân – trung tá quân đội về hưu (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, việc này thể hiện những điểm bất hợp lý và gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
“Nếu những trường hợp bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn, bổ nhiệm theo “ưu đãi”, con ông cháu cha thì đề nghị tổ chức đảng phải kiên quyết loại trừ”, ông Dân bày tỏ.
Ông Trần Công Dân.
Theo vị trung tá quân đội, quy trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay tương đối chặt chẽ vì công tác cán bộ thực hiện theo chủ trương của Đảng, các kế hoạch, Chỉ thị, Nghị quyết của chính quyền, có lộ trình tiêu chuẩn, điều kiện rõ ràng.
Tuy nhiên, tình trạng bổ nhiệm, đề bạt cán bộ tràn lan, tình trạng “con ông cháu cha” ở một số cơ quan, địa phương thời gian qua, như Kết luận Thanh tra của Bộ Nội vụ vừa qua cho thấy, từ năm 2011 - 2014, Bộ trưởng Bộ Công thương khi đó là ông Vũ Huy Hoàng đã bổ nhiệm sai nhiều trường hợp làm lãnh đạo quản lý, trong đó có Trịnh Xuân Thanh, hay câu chuyện trong 46 người biên chế của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương, chỉ có 2 người là chuyên viên, 44 người đều có chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên…cho thấy tính bức thiết của quản lý cán bộ và kiểm soát quyền lực.
Đó là hệ quả của một bộ phận cán bộ nắm các chức vụ, quyền hạn trong bộ máy lãnh đạo, quản lý ở các cấp không giữ được phẩm chất, bản lĩnh và ý chí cần thiết dẫn đến lợi dụng chức, quyền để trục lợi, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống cùng những tiêu cực khác.
“Chống tham nhũng kinh tế đã khó, chống tham nhũng quyền lực càng khó hơn. Nhưng kiên quyết phải chống bằng được vì trong tham nhũng quyền lực có công tác cán bộ”, ông Trần Công Dân kiến nghị.
Để hạn chế tình trạng bổ nhiệm cán bộ tràn lan, ông Vũ Ngọc Quyết ((Bí thư Chi bộ 8, phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết cần phải gắn trách nhiệm người đứng đầu, người bổ nhiệm một cách rõ ràng hơn. Tiếp đó, cần công khai việc bổ nhiệm cán bộ, công chức để người dân biết, giám sát. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ để phát hiện, xử lý các trường hợp bổ nhiệm không đúng quy định, kiên quyết thu hồi ngay quyết định bổ nhiệm sai; tuyệt đối không bao che, dung túng cho hành vi vi phạm.
Nhấn mạnh giải pháp kiểm tra, giám sát để tăng cường chỉnh đốn Đảng, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, với công tác cán bộ, giải pháp này càng phải được chú trọng.
Vì vậy, các cấp ủy cũng như các cơ quan chức năng cần phải lấy việc đó làm trọng tâm số 1, luôn luôn kiểm tra công tác cán bộ, tư cách, hoạt động của cán bộ cũng như những diễn biến trong đời sống của cán bộ. Đồng thời phát huy cao độ trách nhiệm của từng cấp ủy viên, kiên quyết đấu tranh chống nhóm lợi ích, bênh vực người nhà, người thân khi làm quy trình bổ nhiệm cán bộ, vì mục tiêu chung là tìm người có tâm, có tầm đủ sức đảm đương công việc được giao.
“Cần phát huy tinh thần đấu tranh nội bộ, dân chủ nội bộ; biểu dương những người đã đứng lên đấu tranh với tiêu cực và biến những việc làm đó thành bình thường thì mới làm cho bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh”, ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh./.
Theo Kim Anh/VOV.VN