Đối với Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước, trong đó có Agribank, chuyển đổi số chính là cơ hội để đẩy mạnh phát triển, bắt kịp xu hướng thời đại.
Xu thế tất yếu
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung về chuyển đổi số. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ quan điểm “chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi về nhận thức”; “nhận thức đóng vai trò quyết định và người dân là trung tâm của chuyển đổi số”. Như vậy, chuyển đổi số vừa là cơ hội, nhưng cũng vừa là thách thức nếu như chưa nhận thức đúng, đầy đủ.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề chuyển đổi số và xây dựng chiến lược chuyển đổi số tại Agribank, Đảng ủy, Hội đồng thành viên, người đứng đầu các đơn vị Agribank xác định việc chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức, từ đó dần đưa chuyển đổi số hiện diện trong quản trị điều hành và mọi hoạt động của Agribank thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), từng bước xây dựng môi trường làm việc trực tuyến; chú trọng phát triển cung cấp sản phẩm dịch vụ trực tuyến phục vụ khách hàng, đối tác, góp phần tạo điều kiện, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch thanh toán...
Để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, Agribank đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai trong toàn hệ thống các nghị quyết, kết luận, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ về thực hiện chuyển đổi số, trong đó tăng cường truyền thông nội bộ trên cơ sở bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số; động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên, người lao động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ cũng như trong cuộc sống, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Agribank và ngành Ngân hàng.
Tập trung phát triển hướng tới ngân hàng số
Trong những năm qua, Agribank đã tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án chiến lược về CNTT giai đoạn 2016 - 2020, ưu tiên đầu tư các dự án công nghệ nhằm tăng cường hệ thống máy chủ và cơ sở hạ tầng CNTT, nâng cấp hạ tầng các trung tâm dữ liệu, hệ thống mạng, tăng cường an ninh bảo mật, đảm bảo cho các hệ thống CNTT luôn hoạt động ổn định, an toàn; phát triển các hệ thống ứng dụng phục vụ yêu cầu quản trị điều hành và phát triển dịch vụ sản phẩm mới, kênh phân phối mới...
Với định hướng phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng CNTT, Agribank đã tập trung phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ ứng dụng giải pháp công nghệ 4.0, triển khai các công việc ban đầu để phát triển ngân hàng số, thực hiện chuyển đổi số. Trong năm 2020, Agribank phát triển, hoàn thiện thêm gần 30 sản phẩm, dịch vụ tiện ích mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ (SPDV) Agribank với hơn 220 SPDV đáp ứng nhu cầu khách hàng; khai thác kênh phân phối truyền thống, mở rộng tiện ích trên kênh hiện đại.
Agribank đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán qua mã QR; giải pháp chấp nhận thanh toán linh hoạt trên thiết bị di động..., mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng. Agribank cũng hợp tác với doanh nghiệp Fintech để triển khai ứng dụng thanh toán di động, ví điện tử, cổng thanh toán…, qua đó cho phép khách hàng dễ dàng thực hiện giao dịch thanh toán hàng ngày (trả tiền taxi, điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí, chuyển tiền,..) từ điện thoại, máy tính có kết nối Intetnet mà không cần đến phòng giao dịch ngân hàng; tạo thuận lợi cho khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ tài chính.
Để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt hoạt động, nhiệm vụ đặt ra với Agribank là xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, mô hình tổ chức…; xây dựng và triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển CNTT giai đoạn 2021 - 2025, trong đó ưu tiên xây dựng và triển khai các dự án giảm tải cho hệ thống Core banking, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đổi mới hệ thống Core banking khi có điều kiện; tăng cường phát triển các phần mềm, ứng dụng gắn với công tác quản trị, điều hành và hoạt động kinh doanh của Agribank hướng tới cung ứng dịch vụ ngân hàng tự động theo hướng số hóa, đa kênh, nâng cao chất lượng dịch vụ, yêu cầu quản trị rủi ro theo Basel II…
Trong thời gian tới, Agribank mở rộng quan hệ hợp tác với các ngân hàng, tổ chức tài chính có kinh nghiệm, năng lực về quản lý, giám sát hoạt động công nghệ tài chính và ngân hàng số; tăng cường hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo uy tín về công nghệ tài chính và ngân hàng số, những xu hướng mới cũng như công tác dự báo về công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi mặt hoạt động gắn với cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, nhân lực trong xử lý công việc; áp dụng hệ thống CNTT để quản lý và đánh giá hiệu quả lao động đối với từng vị trí công việc, từng người lao động.
Hướng tới ngân hàng số vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Agribank, nhất là khi nguồn nhân lực có chất lượng được xem là nhân tố quyết định thành công trong chuyển đổi số ngân hàng thì vai trò của cán bộ, đảng viên, người lao động Agribank trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Agribank nói riêng và ngành ngân hàng nói chung diễn ra nhanh, an toàn và bền vững càng có ý nghĩa quan trọng. Là lực lượng tiên quyết hướng tới nền kinh tế số trong tương lai, hơn hết cán bộ, đảng viên, người lao động Agribank cần đáp ứng các yêu cầu kiến thức, kỹ năng về công nghệ, tài chính và ngoại ngữ để sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số.
Ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với đổi mới mô hình tổ chức Giai đoạn 2020 - 2025, Agribank tiếp tục xây dựng ngân hàng hiện đại và hội nhập, ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với đổi mới mô hình tổ chức hướng tới ngân hàng số; chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần; phấn đấu đứng trong Top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á về quy mô tài sản; hoạt động an toàn, hiệu quả; giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn… |
Nhật Minh – Tuấn Nguyễn