Dưới đây là 10 sự kiện tiêu biểu đã được 133 phóng viên đại diện cho 116 cơ quan báo chí bầu chọn tại buổi họp báo tuần trước.
1. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI (Nghị quyết 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa,ựkiệnvănhóathểthaovàdulịchtiêubiểunănhận định trận burnley con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Trên cơ sở kế thừa những quan điểm, chủ trương, nội dung và giải pháp của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), tổng kết lý luận và thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong những năm qua, nhất là từ việc chỉ ra những thành tựu, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người, Đảng ta đã đổi mới trong tư duy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới. Trong đó, Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh, Văn hóa phải được đặt ngang hàng với Kinh tế, Chính trị, Xã hội.
2. Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Thế giới.
Tại kỳ họp lần thứ 38, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức đưa quần thể danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình) vào Danh mục Di sản Thế giới. Đặc biệt, quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản Thế giới với các tiêu chí: Tiêu chí về văn hóa, tiêu chí về vẻ đẹp thẩm mỹ và tiêu chí về địa chất - địa mạo, trở thành Di sản Thế giới hỗn hợp giữa văn hóa và thiên nhiên đầu tiên ở Việt Nam trong tổng số 31 Di sản Thế giới hỗn hợp trên toàn cầu.
3. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Dân ca Ví, Giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh, và là phương tiện nghệ thuật để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng. Việc dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình âm nhạc đặc biệt này, đồng thời sẽ giúp cộng đồng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, truyền dạy, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập và tham gia trình diễn, nhằm bảo tồn và phát huy di sản.
4. Sự hưởng ứng mạnh mẽ của dư luận và xã hội đối với chủ trương của Bộ VHTTDL trong việc khuyến cáo, ngăn chặn và loại bỏ các hiện vật ngoại lai không phù hợp tại các di tích lịch sử văn hóa, công sở, nơi công cộng.... trong cả nước.
Nhiều địa phương trong cả nước hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương này bằng việc tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý, di dời... các hiện vật không phù hợp. Các hoạt động sản xuất, mua bán, cung tiến và sử dụng đã được các đối tượng trong xã hội ý thức rõ ràng, sâu sắc hơn nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ngăn chặn sự xâm lấn của các biểu tượng, hiện vật không phù hợp. Đáng chú ý, tại các địa chỉ như làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (Ninh Bình), làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng)... trước đây chủ yếu sản xuất, chế tác và kinh doanh các mặt hàng sư tử, tỳ hưu... dáng dấp ngoại lai nay đã chuyển hướng sang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuần Việt. Các biểu tượng linh vật Việt theo bộ mẫu được Bộ VHTTDL ban hành đã bắt đầu được những làng nghề này đưa vào chế tác, sản xuất.
5. Sự kiện "Đại gia đình các dân tộc Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" năm 2014 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, với nhiều hoạt động hướng về biển đảo, khẳng định chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm trên từng tấc đất quê hương.
Đại gia đình các dân tộc Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là sự kiện mang ý nghĩa chính trị - thời sự sâu sắc, được dư luận đánh giá cao, góp phần tuyên truyền tới đồng bào các dân tộc và bạn bè quốc tế về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Đồng bào 32 dân tộc anh em đến từ 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng miền trong cả nước và hơn 10.000 khách tham dự sự kiện đã có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về biển đảo, biên giới.
6. Thể thao Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Châu Á lần thứ II- Asian Paragames II tại Incheon, Hàn Quốc tháng 10/2014 (xếp thứ 10/43 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự).
Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đạt được thành tích xuất sắc tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ II – Asian Paragames II tại Incheon, Hàn Quốc tháng 10/2014. Tham gia Đại hội với 6/23 môn nhưng với nỗ lực quyết tâm cao, các vận động viên thể thao người khuyết tật Việt Nam đã thi đấu xuất sắc giành 9 huy chương vàng, 7 huy chương bạc và 13 huy chương đồng, phá kỷ lục thế giới và châu Á ở các môn Cử tạ và Bơi lội, xếp hạng 10/43 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Đại hội.
7. Đại hội Thể dục thể thao Toàn quốc lần thứ VII năm 2014 đã tổ chức thành công với sự tham gia của 65 tỉnh, thành, ngành. Có 57 kỷ lục quốc gia và 158 kỷ lục Đại hội được phá.
Đây là sự kiện lớn nhất của thể thao nước nhà, 4 năm tổ chức một lần, ở 2 cấp. Ở Đại hội TDTT các cấp, Đại hội nhằm mục đích khuyến khích người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe. Đã có 98,5% số xã, 99,8% số huyện của 63 tỉnh, thành phố tổ chức Đại hội.
Với Đại hội TDTT toàn quốc tổ chức tại Nam Định và 9 tỉnh, thành phố khác đã có 57 kỷ lục quốc gia và 158 kỷ lục Đại hội được phá, trong đó có nhiều kỷ lục được phá ở các môn Olympic như Điền kinh, Bơi lội, Bắn súng, Cử tạ... Tham dự Đại hội TDTT toàn quốc có hơn 11.000 vận động viên, cán bộ, huấn luyện viên và trọng tài của 63 tỉnh, thành phố và 2 ngành Quân đội và Công an.
8. Vận động viên Bắn súng Hoàng Xuân Vinh xác lập kỷ lục thế giới ở nội dung 10m súng ngắn hơi với 202.8 điểm, đoạt HCV tại Cúp Bắn súng thế giới tổ chức tại Mỹ vào tháng 3/2014.
Hoàng Xuân Vinh là vận động viên đầu tiên của Thể thao Việt Nam xác lập kỷ lục Thế giới ở nội dung 10m Súng ngắn hơi với 202.8 điểm, đoạt Huy chương Vàng tại giải Cúp Bắn súng thế giới tổ chức tại Mỹ vào tháng 3/2014. Tham dự giải có khoảng 500 vận động viên đến từ 37 quốc gia trên thế giới. Kết thúc giải, vận động viên Hoàng Xuân Vinh được xếp hạng hạt giống số 1 thế giới ở nội dung này và là vận động viên đầu tiên đoạt vé chính thức tham dự Thế vận hội Olympic năm 2016 tại Brazil.
9. Tổng thu từ du lịch năm 2014 đạt 230 ngàn tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2013), cao nhất từ trước tới nay trong hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn.
Năm 2014, tổng thu từ khách du lịch đạt 230 ngàn tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2013), cao nhất từ trước tới nay. Trong năm 2014, Du lịch Việt Nam đã đón gần 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế (tăng 5,64% so với năm 2013), phục vụ 37,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 7,14% so với năm 2013).
Điều đáng nói là Du lịch Việt Nam đạt được số tổng thu trên trong bối cảnh năm 2014 có hàng loạt khó khăn xảy ra, trong đó nặng nề nhất là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đã tác động nhiều mặt đến hoạt động của du lịch, gây giảm sút đột ngột về lượng khách quốc tế. Du lịch Việt Nam đã chủ động ứng phó với tình hình, tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách để hoạt động du lịch ổn định và phát triển.
10. Việt Nam được tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn đứng thứ 6 trong số 20 điểm đến tốt nhất thế giới dựa trên độ an toàn và thân thiện của người dân dành cho khách du lịch.
Trong năm 2014, rất nhiều các trang web du lịch, tạp chí du lịch, trang du lịch của các báo nổi tiếng thế giới bình chọn, xếp hạng cao du lịch Việt Nam: Việt Nam trong top 20 quốc gia đẹp nhất thế giới (tạp chí Rough Guides), Hà Nội là điểm đến hàng đầu thế giới, xếp thứ 8 trong số 10 điểm đến được ưa chuộng nhất thế giới (TripAdvisor), vịnh Hạ Long là một trong 25 địa danh có vẻ đẹp khó tin nhất trên thế giới (Buzz Feed- Mỹ) chuyên về thông tin xã hội và tin tức giải trí; Quảng Bình đứng thứ 8/52 điểm đến lý tưởng dành cho khách du lịch năm 2014 (New York Times), Du lịch Sơn Đoòng là tour du lịch mạo hiểm đẳng cấp nhất thế giới năm 2014 và Phú Quốc là một trong 15 điểm đến tốt nhất mùa đông năm 2014 (National Geographic).../.
Hồng Quyên