Nước Mỹ lại một lần nữa rúng động vì một vụ thảm sát tại trường học. Ngày 2-4 (giờ Mỹ),t trgiải armenia một tay súng đã xông vào một trường đại học Thiên Chúa giáo gần thành phố San Francisco, bắn loạn xạ và giết chết bảy người.
Sự bàng hoàng trên khuôn mặt giảng viên và sinh viên Trường đại học Oikos |
AFP mô tả cuộc tắm máu đã xảy ra ở Trường đại học Oikos tại thành phố Oakland, bang California. Ngoài bảy người chết còn có ba người bị thương nặng. Đây là vụ xả súng đẫm máu nhất tại trường học Mỹ trong vòng năm năm qua, kể từ cuộc thảm sát ở Trường Virginia Tech hồi tháng 4-2007 do hung thủ gốc Hàn Quốc Seung Hui Cho gây ra, làm 32 người mất mạng.
Cảnh sát cho biết nghi can là một người đàn ông Mỹ gốc Hàn Quốc, 43 tuổi, tên One Goh, có tên Hàn Quốc là Ko Won Il, chưa hề có tiền án. Hắn đã đầu hàng cảnh sát ở một tiệm tạp hóa cách hiện trường vụ án vài kilômet.
“Tao sẽ giết hết chúng mày”
Nạn nhân 19 tuổi Devinder Kaur, bị bắn một phát đạn vào tay, kể: One Goh là một sinh viên của trường nhưng đã nghỉ học từ bốn tháng trước. Đại học Oikos là một trường nhỏ, chỉ có một tòa nhà. Sáng 2-4, chỉ có hai lớp học. One Goh đã xông vào một lớp học và rút súng. “Trông hắn như điên dại. Hắn gào lên: “Xếp hàng vào, tao sẽ giết hết chúng mày”. Tất cả chúng tôi nghĩ là hắn đùa” - cô Kaur hãi hùng kể.
Các nhân chứng khác cho biết Goh đã gí súng sát ngực một người trong lớp và bóp cò. Sau đó hắn bắn loạn xạ khắp lớp học. Buổi sáng hôm đó có 35 sinh viên ở trong hoặc gần tòa nhà. Tổng cộng 10 người dính đạn, năm người chết ngay tại chỗ, hai chết trong bệnh viện. Reuters dẫn lời Tashi Wangchuk cho biết vợ anh là Dechen Yangzom lúc đó đang ở lớp học thứ hai đã nghe tiếng súng vang lên chát chúa. “Theo bản năng cô ấy chạy ra khóa cửa phòng học, tắt đèn. Gã đó đến và đập cửa ầm ầm, nã vài phát đạn vào cửa rồi bỏ đi” - Wangchuck cho biết.
Nhân chứng Angie Johnson, 52 tuổi, cho báo San Francisco Chronicle biết bà đã nhìn thấy một phụ nữ trẻ vừa chạy khỏi tòa nhà vừa khóc, cánh tay đầm đìa máu, miệng lắp bắp: “Tôi bị bắn, tôi bị bắn”. Bà mô tả nạn nhân nữ này “có một vết thủng to bằng đồng xu trên cánh tay, máu tuôn ra không ngừng”. Truyền hình địa phương cũng chiếu cảnh các sinh viên và giảng viên trong trường hoảng loạn tháo chạy trong khi cảnh sát đặc nhiệm ập vào trường.
Cảnh sát cho biết sau khi xả súng, One Goh lái xe của một nạn nhân đến siêu thị Safeway ở thành phố Alameda cạnh thành phố Oakland. Cảnh sát Alameda lập tức có mặt và One Goh đã buông súng đầu hàng. Nhân chứng Lisa Resler, lúc đó có mặt ở siêu thị Safeway, mô tả người đàn ông trẻ này “trông rất lờ đờ”, không có phản ứng gì khi bị cảnh sát còng tay.
Cảnh sát Oakland vẫn chưa thẩm vấn nghi can và chưa xác định được động cơ gây án. Chính quyền Oakland xác nhận nhiều khả năng One Goh hành động một mình. Trước đây One Goh theo học ngành điều dưỡng ở Trường đại học Oikos do một mục sư gốc Hàn Quốc sáng lập vào năm 2004 để đào tạo y tế, nghiên cứu tôn giáo, âm nhạc.
Tâm lý “sát thủ trường học”
“Dường như trong một thập niên qua, chúng ta đã dần quen chứng kiến các vụ thảm sát kiểu như thế này - Oakland Tribune dẫn lời thị trưởng Oakland Jean Quan than thở - Đây là một bi kịch khủng khiếp”.
Theo thống kê trên trang Wikipedia, từ năm 2010 đến nay, ở Mỹ đã xảy ra tới 75 vụ xả súng tại trường học, làm gần 140 người thiệt mạng. Từ đầu năm 2012 đến nay đã có sáu vụ, làm 15 người mất mạng. Một số bang tại Mỹ đã xem xét dự luật cho phép giảng viên và sinh viên được mang súng vào khuôn viên trường đại học để tự bảo vệ. Khoảng 25 trường đại học trên khắp nước Mỹ cho sinh viên và giảng viên mang súng vào trường. Ở Mỹ có hẳn một hiệp hội mang tên Sinh viên ủng hộ mang súng vào trường (SCC) với hơn 44.000 thành viên trên Facebook.
Theo báo cáo Sát thủ trường học của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) (http://www.fbi.gov/stats-services/publications/school-shooter), giới truyền thông Mỹ thường đưa thông tin vội vàng và thiếu chính xác về các vụ thảm sát ở trường học. Do đó, truyền thông và dư luận có những quan niệm thiếu chính xác về các sát thủ này, ví dụ như họ có tâm lý giống nhau, luôn cô độc, giết người một cách bộc phát và động cơ chủ yếu là báo thù...
Thế nhưng, theo các chuyên gia tâm lý tội phạm FBI, trên thực tế sát thủ trường học có thể đến từ các gia đình khá giả, đàng hoàng hay nghèo nàn, cha mẹ ly hôn. Một số sống cô độc, nhưng có những sát thủ lại có rất nhiều bạn bè gần gũi. Nhiều sát thủ muốn hòa nhập vào xã hội nhưng bất thành.
FBI cho biết các sát thủ trường học cũng có một số đặc điểm chung như dễ bị tổn thương, trầm cảm, tự yêu mình quá mức, tự cô lập, thiếu khả năng thấu cảm, thiếu tự tin, quan hệ xấu với gia đình... Đa số sát thủ trường học bị ám ảnh bởi súng đạn và bạo lực, lên kế hoạch giết người một cách tỉ mỉ nhưng thường tiết lộ một vài đầu mối của kế hoạch đó cho người khác trước khi thực hiện.
(Theo TTO)