“Trên đời có 4 cái ngu: làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu” Không phải ngẫu nhiên mà người xưa ghép hoạt động “gác cu” vào 1 trong 4 cái ngu ở đời. Ngu ở đây có thể là do quá đam mê, bất chấp mưa nắng, bệnh tật và cả thú dữ rình rập, có thể mất mạng khi đi gác cu trong rừng rậm. Song, cái thú vị của nó là được hoà mình với thiên nhiên để thoả lòng đam mê.
Trong xã hội xô bồ ngày nay, “nghề” gác cu đang mai một dần. Nguyên nhân không phải do người ta sợ “ngu”, mà cái chính là đất sống của chim cu ngày càng thu hẹp. Nhiều loại đã trở thành đặc sản trong nhà hàng, quán nhậu...
Tiếng chim cu mồi giục giã liên tục như mời gọi. Ðâu đó phía lùm cây xa xa, tiếng cúc cu cũng đáp lại liên hồi. Chim mồi hứng chí gáy nhanh hơn, lớn hơn như khiêu khích và thách thức.
Minh hoạ: Minh Tấn |
Sau một lúc gáy trận với nhau, chú chim trời có vẻ tức giận thực sự, bay đến, tiến lại gần, rút cổ giậm chân gù gù thị uy. Chim mồi cũng không vừa, tuy ở trong lồng nhưng nó cũng sừng sộ gù lên như thách đố. Không dằn được cơn thịnh nộ, chú chim gáy bên ngoài bèn xông vào. Thế là sập bẫy…
Ðể được chiến thắng này, người gác cu phải ngồi bất động cả ngày trời, thậm chí chịu đói, muỗi, kiến cắn, trời mưa… Ðó là hôm nào hên mới được chiến lợi phẩm, còn lại thì phần lớn là đi rồi về tay không. Có lẽ như vậy mà nghề gác cu mới có tên trong danh sách "4 cái ngu”. Tuy vậy, đây là niềm đam mê bất tận, chan hoà với thiên nhiên của con người.
Ông Trần Văn Bảnh, ấp Cống Ðá, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, nay ngoài 60 tuổi nhưng đã "cống hiến" nửa cuộc đời cho nghề gác cu. Ông Bảnh ghiền tiếng cu gáy đến nỗi xa thấy nhớ, vắng thấy thương. Ông Trần Văn Bảnh tâm sự: "Hổng nuôi là buồn lắm. Con cu mồi hồi đó bị bìm bịp xé đầu là tôi bệnh cả tuần lễ luôn. Sáng đi gác chút cho thoải mái rồi mần gì cũng được hết".
Nghề gác và nuôi chim cu không phải chỉ có lòng đam mê là được, đòi hỏi phải yêu thiên nhiên, biết kỹ thuật chăm sóc, tìm hiểu đặc tính của chim. Ðây là cả một nghệ thuật. Riêng ông Bảnh, bên hiên nhà hay dưới những tán cây đều lỉnh kỉnh những lồng chim, cả cu mồi, cu rừng.
Dụng cụ để dụ chim cu rừng khi đi gác đó là chiếc lồng nhốt chim mồi, 3 phía xung quanh bọc kín bằng vải, mặt còn lại là cửa sập chim. 1 cây sào bằng nhôm 6 đoạn, lúc cần có thể nối dài ra từ 8-12 m, tuỳ theo kích cỡ của cây mà bố trí sao cho hợp lý. Trên đầu sào có gắn 1 móc sắt dùng để giật nhánh cây, tiện treo lụp chim mồi. Chim mồi phải được nuôi, rèn luyện nhiều năm mới có khả năng thu hút hay chiến đấu với chim rừng.
Nghề này không chỉ thu hút những người lớn tuổi mà hiện nay giới trẻ cũng bị thu hút. Chim cu có nguồn gốc từ thiên nhiên, được xem như thứ chim cảnh quý giá. Anh Nguyễn Quốc Chuyển, ấp Tân Ðiền A, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, là một trong những “tín đồ” mê chim cu, tâm sự: "Nhiều khi đi ra ngoài rừng, muốn yên tĩnh, treo lên nghe nó gáy. Cảm giác thú vị nhất là khi chúng gáy đấu nhau".
Người chơi chim ít khi nào ăn thịt chim. Bởi đối với họ, tiếng chim gáy hằng ngày là người bạn đồng hành. Nó còn là niềm động viên tinh thần họ trong công việc, trong cuộc sống. Tiếng chim cu gáy luôn mang nét đẹp hồn quê, làm người ta nhớ những mùa lúa trĩu hạt, những ngày làm đồng vất vả mà vui.
Ðược hoà mình với thiên nhiên bằng tiếng chim, cây cảnh… là niềm vui bất tận để giảm căng thẳng sau những giờ lao động mệt nhọc. Vậy là có nhiều người tập tành tìm đến nghề nuôi chim làm cảnh. Ðối với họ, chim có nguồn gốc từ thiên nhiên như chim cu là rất quý. Thế nhưng, công việc này cũng chỉ thích hợp với những người có điều kiện về kinh tế, có thời gian nhàn rỗi nhiều. Còn lại một lượng lớn người tuy có lòng đam mê, nhưng vì nhiều điều kiện khác nhau nên khó thoả lòng.
Ngày nay, gác cu muốn thu được “chiến lợi phẩm” không phải là chuyện dễ. Có khi phải mất hằng tuần, hằng tháng, do điều kiện tự nhiên, môi trường sống bị thay đổi. Nhưng cái đáng nói hơn là sự săn bắt, tận diệt của con người. Cái kết của những chú chim đáng thương là những món nướng, xào, luộc… trên bàn nhậu.
Ðâu rồi tiếng chim cu gáy trên những lùm tre xào xạc, những chú chim đứng vắt vẻo trên những tàu dừa đong đưa gọi nhau mỗi mùa gặt mới… Và cái thú “gác chim cu” không khéo chỉ còn là ký ức./.
Hiệp Ðoàn