【ket qua vo dich ha lan】Mới chỉ hơn một nửa cơ sở mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc
Ngày 13/4 tại Hà Nội, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLBH) Bộ Tài chính phối hợp với Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an tổ chức hội nghị phổ biến nội dung Nghị định số 23/2018/NĐ-CP (NĐ 23) ngày 23/2/2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm (BH) cháy, nổ bắt buộc.
NĐ 23 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4, sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ trong triển khai BHCNBB.
Mới chỉ có 56% cơ sở mua BHCNBB
Phát biểu tại hội nghị, Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ nhấn mạnh, thời gian gần đây tình hình cháy nổ diễn biến hết sức phức tạp. Trong số 77.892 cơ sở thuộc diện phải mua BHCNBB theo quy định, mới chỉ có 43.693 cơ sở đã mua BHCNBB chiếm tỷ lệ 56%; 44% cơ sở còn lại chưa mua BHCNBB. Việc ban hành NĐ 23 sẽ tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, minh bạch, thống nhất trong việc triển khai BHCNBB, đồng thời nâng cao nhận thức về việc tham gia BHCNBB…
Đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) cũng cho biết, việc triển khai BHCNBB thời gian gần đây gặp một số khó khăn như: Nhận thức của các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và cá nhân trong việc tham gia BHCNBB chưa cao. DNBH cũng gặp khó khăn trong quá trình vận động, thuyết phục khách hàng tham gia BHCNBB. Bên cạnh đó, số lượng cơ sở tham gia BHCNBB còn hạn chế, đặc biệt là các cơ sở sản xuất nhỏ...
Phó Cục trưởng Cục QLBH Nguyễn Quang Huyền nhấn mạnh, khi rủi ro cháy, nổ xảy ra, không phải cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cũng có điều kiện, năng lực tài chính để khắc phục thiệt hại, khôi phục hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường. Do đó, để khắc phục thiệt hại về tài chính, nhanh chóng khôi phục đầu tư, sản xuất, kinh doanh thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nguy hiểm về cháy, nổ phải mua BHCNBB là hết sức cần thiết.
“Việc Chính phủ ban hành NĐ 23 thay thế Nghị định số 130/2006/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP trong thời điểm hiện nay là vô cùng quan trọng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhằm mở rộng diện tham gia BHCNBB; có thêm nguồn lực góp nhần bảo đảm công tác PCCC được tốt hơn. Đồng thời, NĐ 23 cũng góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng ngừa rủi ro, tuân thủ các quy định PCCC; đẩy nhanh công tác giám định bồi thường, từ đó tạo điều kiện để các DNBH bồi thường nhanh chóng kịp thời, đầy đủ...”, ông Huyền nhấn mạnh.
Kinh phí đóng góp cho hoạt động PCCC là 1% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc
Tại hội nghị, đại diện Cục QLBH cũng phổ biến những quy định về BHCNBB tại NĐ 23. Theo đó, đối tượng phải mua BHCNBB là các cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến BHCNBB...
NĐ 23 cũng quy định đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền BH của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí BH được xác định bằng số tiền BH tối thiểu nhân với tỷ lệ phí BH quy định tại nghị định.
Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền BH của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân thì DNBH và bên mua BH thỏa thuận mức phí theo quy định pháp luật và trên cơ sở được DN nhận tái BH chấp thuận.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ cũng cần lưu ý về các trường hợp DNBH có quyền từ chối bán BHCNBB được quy định tại NĐ 23, như: Cơ sở chưa được nghiệm thu về PCCC theo quy định pháp luật; cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC hoặc biên bản kiểm tra đã quá 1 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua BHCNBB; cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về PCCC.
Khoản 5, Điều 3 NĐ 23 cũng nêu rõ, khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân không thuộc đối tượng phải mua BHCNBB theo quy định tại nghị định mua BHCNBB trên cơ sở thỏa thuận với DNBH và phù hợp với quy định pháp luật.
NĐ 23 cũng quy định cụ thể về kinh phí đóng góp cho hoạt động PCCC, với mức kinh phí đóng góp là 1% tổng doanh thu phí BH gốc BHCNBB của DNBH (trước đây mức đóng góp là 5%).
Đặc biệt, để phù hợp với Luật PCCC, NĐ 23 cũng quy định chế độ quản lý, sử dụng kinh phí đóng góp từ BHCNBB cho hoạt động PCCC, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích.
Giải đáp nhiều kiến nghị của DNBH
Cũng tại hội nghị, đại diện Cục QLBH đã giải đáp nhiều nội dung liên quan đến NĐ 23. Đại diện các DNBH hỏi: Ngoài các trường hợp loại trừ trách nhiệm BH quy định tại khoản 2, Điều 6 của NĐ 23, DNBH có được phép áp dụng thêm các trường hợp loại trừ trách nhiệm BH hoặc các cam kết liên quan khác trên cơ sở thỏa thuận với bên mua BH và được bên mua BH chấp nhận?
Trả lời câu hỏi này, đại diện cơ quan quản lý cho biết, NĐ 23 đã quy định rõ đối tượng, phạm vi BH và điều khoản loại trừ trách nhiệm BH tương ứng với mức phí BH và mức khấu trừ. Nghị định không quy định DNBH được thỏa thuận bổ sung điều khoản loại trừ trách nhiệm BH.
Trả lời câu hỏi về những hợp đồng BH giao kết trước ngày 15/4/2018 nhưng có thời hạn BH bắt đầu đúng hoặc sau ngày 15/4/2018 thì áp dụng quy định nào(?), đại diện Cục QLBH cho biết, Điều 16 NĐ 23 quy định, hợp đồng BH đã giao kết trước ngày 15/4/2018 thì thực hiện theo pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng BH.
Liên quan đến câu hỏi về thời gian cơ quan PCCC sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở có nguy cơ về cháy, nổ, đại diện Cục Cảnh sát PCCC cho biết, cơ quan này có trách nhiệm kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ hàng quý đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt bảo đảm an toàn về PCCC; 6 tháng hoặc một năm đối với các đối tượng còn lại và kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn về PCCC hoặc vi phạm quy định an toàn về PCCC và khi có yêu cầu bảo vệ đặc biệt.
Ngoài ra, nhiều vấn đề liên quan đến hủy bỏ hợp đồng BH, loại trừ BH… cũng được cơ quan quản lý giải đáp kịp thời, nhằm thực hiện thống nhất và đầy đủ các quy định tại NĐ 23, góp phần triển khai BHCNBB hiệu quả./.
Hồng Chi