Trong tập 12 của Our song Vietnam - Bài hát của chúng tatrên VTV, Thanh Lam và Orange làm mới ca khúc Áo mới Cà Mautheo phong cách hiphop.
Trong phần trình diễn này, Thanh Lam mặc áo bà ba, hát dân ca Nam Bộ bằng giọng nam và trình diễn vũ đạo. Ở một số phân đoạn, nữ ca sĩ được dàn vũ công nâng lên cao, thực hiện động tác xoạc chân.
Ca sĩ Quang Linh khen ngợi lần đầu anh được chứng kiến tiết mục được dàn dựng dễ thương, bản phối mới cuốn hút.
Có khán giả khen sân khấu, bài hát mới mẻ, vui nhộn nhưng không ít người chỉ trích Thanh Lam "làm hỏng bài hát", phát âm sai tiếng miền Tây và động tác xoạc chân chưa gây được thiện cảm...
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Thanh Lam cho biết, chị đã nắm được những ý kiến trái chiều về phần biểu diễn Áo mới Cà Mau. Theo nữ ca sĩ, khen hay chê là cảm nhận của mỗi người. Về phía Thanh Lam, bản thân luôn tiếp nhận những bình luận trái chiều với sự bình tĩnh nhất.
"Chúng tôi mong muốn được đóng góp, sáng tạo, đổi mới nhưng vẫn tôn vinh những giá trị cũ. Nếu bài hát Áo mới Cà Mautrong chương trình này vẫn hát như mọi khi thì không gọi là sự kết nối giữa chúng tôi với giới trẻ.
Khi tập bài hát, chúng tôi tập luyện rất vất vả. Thậm chí, tôi và ê-kíp phải thức đến 3h sáng để tập. Chương trình cũng được ghi hình tiết mục vào lúc 3-4h sáng nên chúng tôi đã cố gắng rất nhiều...", nữ ca sĩ nói.
Lý giải về động tác xoạc chân trên sân khấu, Thanh Lam giải thích rằng, đây là tiết mục được dàn dựng công phu của đạo diễn và biên đạo múa của chương trình.
"Tiết mục được xây dựng với sự duyên dáng, dí dỏm. Khi xoạc chân trên không trung, tôi thấy mình bay trong tác phẩm, tạo cảm xúc đặc biệt", nữ diva bộc bạch.
Phóng viên Dân trícũng liên lạc với Ban tổ chức chương trình Bài hát của chúng ta để làm rõ những thông tin xung quanh phần biểu diễn của ca sĩ Thanh Lam, đại diện Ban tổ chức cho biết sẽ có những phản hồi sau.
Thanh Lam sinh năm 1969 tại Hà Nội. Ca sĩ xuất thân trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, có bố là nhạc sĩ Thuận Yến, mẹ là nghệ sĩ đàn bầu - NSƯT Thanh Hương.
Nhờ được rèn giũa trong môi trường chuyên nghiệp từ sớm nên Thanh Lam có được bản lĩnh sân khấu lớn cũng như được bộc phát đam mê nghệ thuật. Mới 12 tuổi, chị đã một mình đi dự Festival thiếu nhi ở Đức.
Năm 1985, Thanh Lam dừng việc học đàn tỳ bà, chuyển sang học khoa Thanh nhạc, hệ Trung cấp tại Nhạc viện Hà Nội. Đây là bước ngoặt quan trọng có tính chất quyết định cho con đường nghệ thuật của chị sau này.
Song song việc học, Thanh Lam cùng với ca sĩ Thái Bảo thành lập nhóm nhạc Bồ Câu Trắng đi biểu diễn khắp nơi (năm 1985-1987).
Ngoài ra, khoảng thời gian năm 1985-1991, trong vai trò là ca sĩ của Đoàn Ca múa nhạc nhẹ Trung ương, chị được đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới như: Đức, Nga, Bulgaria, Trung Quốc, Cuba, Hà Lan, Hungary, Romania…
Kể từ đó, Thanh Lam dấn thân vào con đường ca hát chuyên nghiệp và gặt hái nhiều thành công.
Nhắc đến Thanh Lam, người yêu nhạc sẽ nghĩ ngay tới nữ ca sĩ mở đường, định hướng cho nền nhạc nhẹ Việt Nam từ đầu thập niên 1990 và tiên phong cho việc đẩy lùi phong trào nhạc Hoa lời Việt.
Danh xưng "diva số 1" luôn được khán giả và bạn bè đồng nghiệp ưu ái nhắc đến khi nói về chị.
Suốt thập niên 1990, Thanh Lam "làm mưa làm gió" với loạt hit của các nhạc sĩ Dương Thụ, Thanh Tùng, Quốc Trung… Những ca khúc nổi tiếng của chị được khán giả yêu thích như: Cho em một ngày, Giọt nắng bên thềm, Đánh thức tầm xuân, Chiều xuân, Hoa cỏ mùa xuân…
Chị cũng thể hiện rất thành công các ca khúc do bố ruột - nhạc sĩ Thuận Yến - sáng tác như: Chia tay hoàng hôn, Tự sự, Em tôi… giúp sáng tác của ông đến gần hơn với người yêu nhạc.
Bài hát của chúng ta được Việt hóa từ chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc của Trung Quốc. Tại đây, các giọng ca thực lực được ghép cặp theo mô hình ca sĩ gạo cội và ca sĩ trẻ.