Nhiều hoạt động thiết thực
Năm 2013 là năm thứ 3 Bộ Tài chính tổ chức Ngày Pháp luật tài chính và năm đầu tiên triển khai Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. Hầu hết các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đều nghiêm túc triển khai các hoạt động. Quá trình triển khai Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam có sự kế thừa, phát huy những kinh nghiệm trong triển khai Ngày Pháp luật Tài chính nên đã đạt được kết quả tốt. Trong quá trình này, các đơn vị đều chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác này.
Về công tác tuyên truyền, toàn ngành Tài chính liên tục tổ chức phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành cho CBCC và cá nhân, DN. Một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Cục Quản lý công sản, Cục Quản lý giá) còn tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về pháp luật để cập nhật kiến thức pháp luật cho CBCC của đơn vị. Các bài viết phổ biến về mục đích ý nghĩa, các nội dung, yêu cầu thực hiện trong “Ngày Pháp luật tài chính” và “Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam” cũng như các hoạt động của ngành Tài chính đều được thường xuyên đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, Báo Hải quan, Báo Pháp luật, Tạp chí Thuế…
Một hình thức tuyên truyền cũng đem lại hiệu quả cao là các cuộc hội nghị đối thoại DN do Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Năm 2013, nội dung chính được đối thoại là về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 500 DN phía Bắc; tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của hơn 600 DN khu vực phía Nam để giải đáp những vướng mắc của DN trong quá trình thực hiện văn bản QPPL thuế, hải quan.
Tại địa phương, các đơn vị Thuế, Hải quan đều triển khai thực hiện tốt việc cung cấp thông tin pháp luật và hỗ trợ cho người dân và DN thực hiện tốt các quy định của pháp luật và thủ tục hành chính thông qua nhiều hình thức sáng tạo như: cập nhật văn bản QPPL, tổ chức chuyên mục hỏi-đáp trên trang điện tử; thiết lập đường dây nóng, lập sổ theo dõi việc tư vấn, hỗ trợ thông tin; phát động thi đua hưởng ứng, tham gia Ngày Pháp luật; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thực thi pháp luật; tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật thuế...
Trong thời gian triển khai “Ngày Pháp luật tài chính” và “Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam”, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã rà soát các đề án, văn bản QPPL để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, bảo đảm hoàn thành Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội và Chính phủ. Cụ thể là: trình Quốc hội thông qua dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); trình Quốc hội cho ý kiến Luật Hải quan (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 7 Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính...
Đồng thời, ngành Tài chính cũng đã hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản QPPL quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh chậm tiến độ để kịp thời khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản, trong đó, có văn bản QPPL quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, pháp lệnh được QH khóa XIII thông qua.
Đẩy nhanh hoàn thiện văn bản QPPL
Năm 2014, với khẩu hiệu "CBCCVC ngành Tài chính tích cực hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, tổ chức thi hành văn bản QPPL tài chính”, Ngày Pháp luật tài chính được triển khai mạnh mẽ hướng tới mục đích đẩy mạnh các hoạt động soạn thảo và tổ chức thi hành văn bản QPPL tài chính; tạo chuyển biến về chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và tạo đồng thuận của người dân và DN đang thực hiện văn bản QPPL tài chính.
Để đạt được mục tiêu, ngay từ đầu năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 120/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tài chính năm 2014 và Quyết định số 615/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho DN năm 2014. Ngày 13-8-2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng ký Quyết định số 1982/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam và Ngày Pháp luật tài chính năm 2014 với những nội dung triển khai thực hiện hết sức cụ thể.
Trong đó, việc quan trọng nhất mà toàn Ngành cần tập trung triển khai là rà soát các chương trình xây dựng văn bản QPPL để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ soạn thảo văn bản QPPL thuộc chương trình năm 2014, đặc biệt là hoàn thiện trình Quốc hội các dự án Luật đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
Cụ thể: Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2014); Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2014); soạn thảo, trình ký ban hành các văn bản QPPL quy định chi tiết thi hành Luật Hải quan đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực từ ngày 1-1-2015.
Công tác tuyên truyền, phổ biến cần đầy đủ, đồng bộ các văn bản QPPL mới được Quốc hội thông qua liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, kinh tế cũng như các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực tài chính mới ban hành như Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Luật Hải quan; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập DN...
Việc hỗ trợ pháp lý cho DN kịp thời thông tin pháp luật và đối thoại giải đáp chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng văn bản QPPL cho DN, người nộp thuế, người khai hải quan. Các đơn vị tổ chức kênh tiếp nhận ý kiến phản hồi từ phía người dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế và DN về các hoạt động nghiệp vụ để có biện pháp phát huy hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật liên quan.
Đồng thời, mỗi đơn vị cần bố trí CBCC nắm vững pháp luật để trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân và DN thực hiện các thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm triển khai của đơn vị. Từ những kiến nghị, vướng mắc thu nhận được, toàn Ngành tổ chức rà soát, nghiên cứu đề xuất đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế, hải quan bảo đảm giảm thời gian thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân và DN.
Tất cả những nội dung, hình thức triển khai xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tài chính sẽ được tổng kết, đánh giá thi hành để nắm bắt kịp thời các phản ánh, kiến nghị và đề xuất hoàn thiện các văn bản QPPL đồng thời làm cơ sở đề xuất các giải pháp thực thi hiệu quả văn bản QPPL trong những năm sau.