Đây là chia sẻ của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong cuộc trao đổi với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam khi nhắc lại ký ức về những ngày tháng Tư lịch sử - Chiến thắng 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
* PV: Là Trung đoàn trưởng chỉ huy trong đội hình của một mũi tiến công vào Sài Gòn ngày 30/4/1975, thưa ông điều gì còn đọng lại trong ông về thời khắc lịch sử ấy?
- Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: 41 năm đã trôi qua quá nhanh! Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, khi đó tôi 28 tuổi, là Trung Đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng). Trung đoàn tôi được giao nhiệm vụ đánh mũi thọc sâu từ cánh Bắc theo trục đường 13, chiếm cầu Vĩnh Bình tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Đêm 29/4, Trung đoàn tôi dừng chân ở Búng, một địa danh cách Bắc Lái Thiêu (Bình Dương) chừng 10km. Tin báo về ở gần đó có một gia đình cơ sở cách mạng là má Sáu Ngẫu có thể giúp đỡ chúng tôi để nắm tình hình đối phương.
Đêm tối, tôi và Chính ủy Trịnh Văn Thư cùng tổ trinh sát men theo con đường nhỏ tới một căn nhà nhỏ đang le lói ánh đèn, khe khẽ gõ cửa và thầm thì: “Chúng tôi là bộ đội giải phóng đang cần giúp đỡ”. Má mở cửa, nhìn thấy chúng tôi nói nhỏ: “Hồ Chí Minh”. Tôi trả lời má “Muôn năm”. Nhận đúng ám hiệu, chúng tôi được đưa vào trong, rồi đưa tấm bản đồ tác chiến nhờ má chỉ đường. Má cũng chính là người cung cấp cho chúng tôi tình hình, rằng cách đó 5km có trại Huỳnh Văn Lương với 2.000 quân, tâm lý đang dao động, má bảo nên kêu hàng, không nên đánh. Sáng hôm sau, theo ý má, chúng tôi đã kêu gọi 2.000 quân địch ra hàng, tránh được đổ máu.
Trận đánh ác liệt nhất ở cầu Vĩnh Bình, tôi không bao giờ quên hình ảnh Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc. Khi đó anh cầm khẩu B41 chỉ huy một tổ chiến sỹ bắn cháy xe bọc thép của địch. Đến lúc bị trúng đạn, anh vẫn xách súng lao lên. Bất ngờ, xe của anh bị bắn cháy, anh xô ngã người đồng đội rồi nằm đè lên. Đến phút cuối, anh vẫn cố gắng che chở cho đồng đội.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu |
Khoảng 9h30’ sáng 30/4, Trung đoàn 27 đánh thẳng vào Bộ Tư lệnh Thiết giáp - một trong những đơn vị trọng yếu của địch. Các xạ thủ B40, B41vượt qua làn đạn, xông thẳng đội hình xe tăng địch. Quân địch bất ngờ trước lối đánh táo bạo, cảm tử của ta nên quay đầu tháo chạy. Chớp thời cơ, tôi ra lệnh cho bộ binh, xe tăng đánh chiếm Bộ Tư lệnh Thiết giáp quân Ngụy ở Gò Vấp, chiếm Gò Vấp và chiếm toàn bộ lục quân công xưởng, tiếp quản Tổng Y viện Cộng hòa. Địch chống cự rất yếu ớt rồi nhanh chóng đầu hàng. Vào khoảng 10h30’, Trung đoàn 27 đã đánh chiếm tất cả các mục tiêu ở Gò Vấp, hoàn thành nhiệm vụ.
Lá cờ quân giải phóng tung bay trên cột cờ Bộ Tư lệnh Thiết giáp của quân Ngụy. Cùng thời điểm trưa hôm đó, các đơn vị bạn đánh chiếm và cắm cờ chiến thắng lên Dinh Độc lập và nhiều nơi khác ở Sài Gòn. Cả thành phố ngập sắc cờ đỏ sao vàng, kết thúc chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
* PV: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là thành quả vĩ đại, mang nhiều ý nghĩa to lớn cũng như những bài học vô cùng giá trị. Xin ông cho biết cần vận dụng những bài học này như thế nào trong công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, gắn với bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng hiện nay?
- Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh 30/4/1975 có tầm vóc, ý nghĩa lịch sử sâu sắc, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Chúng ta phải vận dụng, phát huy sáng tạo những bài học kinh nghiệm giá trị này để phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là phải luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, dù trong bất cứ tình huống, hoàn cảnh khó khăn nào, chúng ta cũng phải kiên quyết bảo vệ, giữ vững chủ quyền trọn vẹn của Tổ quốc ta trên đất liền, trên biển đảo, trên không… Thực tế lịch sử cho thấy, thứ kẻ thù sợ nhất chính là sự đoàn kết, đoàn kết toàn dân là sức mạnh của mọi chiến thắng.
Hiện nay, hội nhập quốc tế là hiện thực khách quan làm tăng tính phụ thuộc vào nhau giữa các quốc gia. Sự hợp tác đa phương hóa, đa dạng hóa trở thành tất yếu trong việc giải quyết những vấn đề thuộc về chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Sự hợp tác ngày càng gia tăng, đi đôi với cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong khi điểm xuất phát của Việt Nam còn ở mức thấp về trình độ kinh tế và công nghệ, do đó, chúng ta vừa phải bằng nội lực của dân tộc vừa phải tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới để có bước đột phá chiến lược thuận lợi, tạo cục diện quốc tế có lợi cho nước ta trong một bối cảnh phức tạp về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
* PV: Là một chiến sỹ trong thời chiến, sau nhiều năm cống hiến cho Tổ quốc, giờ đây ông có ấp ủ dự định gì không thưa ông?
- Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Nay tôi đã gần 70 tuổi, đã về nghỉ hưu, nhưng tôi được Nga bầu làm Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên bang Nga chuyên nghiên cứu về nghệ thuật chiến tranh. Ở cương vị công tác này, tôi vẫn đang tham gia chấp bút, nghiên cứu nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước. Tôi luôn quan niệm, mình là nhà khoa học thì phải phấn đấu cho khoa học, khi còn trí tuệ và sức khỏe thì sẽ cố gắng làm tất cả những gì có thể để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của đất nước.
Ngoài ra, là một người lính từng đi qua chiến tranh, thấu hiểu sâu sắc những hậu quả chiến tranh để lại như tác hại của chất độc hóa học, chất độc da cam… nên tôi vẫn tham gia cùng nhiều dự án khác nhau thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, làm công tác nhân đạo…
Đặc biệt, tâm nguyện lớn nhất của tôi là tiếp tục hành trình đi tìm đồng đội, tiếp tục đóng góp và vận động các nhà hảo tâm để xây dựng nhiều công trình tri ân đồng đội, trợ giúp các gia đình chính sách. Bởi, hòa bình của ngày hôm nay, dựa trên xương máu của hàng vạn chiến sỹ, đồng đội kiên hùng trong cả nước.
* PV: Ông đánh giá như thế nào về thế hệ trẻ hôm nay? Liệu họ có đủ bầu nhiệt huyết và lý tưởng như thời tuổi trẻ của ông?
- Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Tôi cho rằng, thế hệ trẻ bây giờ cũng khao khát bảo vệ độc lập tự do, bảo vệ chủ quyền và vẫn luôn hừng hực khí thế đấu tranh như các thế hệ cha ông. Bây giờ, họ còn có điều kiện tiếp cận các thông tin đa chiều, hiểu rộng rãi luật pháp quốc tế, có thể phân biệt đúng sai… để đấu tranh trên các mặt trận. Vì thế, tôi đặt lòng tin vào thế hệ hôm nay.
Tôi cũng luôn hy vọng các thế hệ trẻ sau này tiếp tục rèn luyện, nung nấu tinh thần yêu nước và giữ nước, kế thừa và phát huy những truyền thống anh hùng, vẻ vang mà ông cha để lại, để góp phần vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
* PV: Xin cảm ơn Thượng tướng!
Diệu Thiện