Tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến hiện nay, với tỷ lệ người mắc ngày càng tăng và ngày càng trẻ hoá, đã và đang trở thành nguy cơ hàng đầu của các biến chứng về tim mạch...
Tăng huyết áp nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng, di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nhưng trên thực tế, nhận thức của người dân về căn bệnh này còn nhiều hạn chế. Ðặc biệt là ở vùng sâu, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn.
Bệnh nhân được tư vấn điều trị tăng huyết áp. |
Theo thống kê của Khoa Y tế công cộng - Trung tâm Y tế huyện U Minh, trong quý I/2016, trung tâm tiếp nhận và điều trị 3.784 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân cấp độ I là 1.304, cấp độ II là 1.750 và cấp độ III là 730. Số lượng bệnh nhân tăng huyết áp ngày càng tăng, ngày càng trẻ hoá.
Mặc dù thời gian qua ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Ông La Văn Cường, xã Khánh Hội, huyện U Minh, cho biết: “Bản thân tôi cảm thấy rất khoẻ mạnh, nên không nghĩ mình bị bệnh tăng huyết áp. Bình thường cứ thấy nhức đầu, chóng mặt thì cứ ra tiệm thuốc tây mua thuốc về uống...”.
Do là căn bệnh đặc thù không có biểu hiện hay triệu chứng rõ rệt, vì rằng việc phát hiện và phòng tránh tăng huyết áp gặp nhiều khó khăn. Bác sĩ Ðào Minh Út, Trung tâm Y tế huyện U Minh, cho biết, bệnh tăng huyết áp thường không có triệu chứng và dấu hiệu rõ ràng, có thể có các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu, hồi hộp... nên người bệnh thường chủ quan, xem như dấu hiệu của các bệnh thông thường nên không đến bác sĩ, đến khi bệnh xuất hiện các biến chứng nặng mới đi khám và điều trị.
Tuổi càng cao càng dễ bị bệnh tăng huyết áp và sẽ gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ, có thể làm cho người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí tử vong. Vì vậy, việc tuân thủ quy định điều trị và kiểm soát huyết áp ở mức ổn định là rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều người bệnh vẫn xem nhẹ việc điều trị. Bà Cao Thị Nương, 63 tuổi, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, cho biết: “Trong một lần đi khám từ thiện tại địa phương, tôi phát hiện bị bệnh tăng huyết áp. Bác sĩ khuyên nên giảm ăn mặn, hạn chế thức ăn nhiều chất béo, uống thuốc đúng quy định, nhưng do thói quen nên rất khó từ bỏ...”.
Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chủ quan, lơ là của người bệnh nên hiện nay người bệnh tăng huyết áp ngày càng tăng và gây ra nhiều biến chứng phức tạp. Bác sĩ Ðào Minh Út cho biết, hầu hết người dân đều không biết các biến chứng nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp. Trong khi đó, tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: các biến chứng tim mạch gây nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, suy tim...; các biến chứng về não như: tai biến mạch máu não, bệnh não do tăng huyết áp; các biến chứng về thận như: đái ra protein, suy thận; biến chứng về mắt, tiến triển theo các giai đoạn, thậm chí có thể dẫn đến mù loà; các biến chứng về mạch ngoại vi, trong đó đặc biệt nguy hiểm là biến chứng tách thành động mạch chủ có thể dẫn đến chết người...
Bác sĩ Ðào Minh Út cho biết thêm, ngoài điều trị theo chuyên môn, người bệnh tăng huyết áp cần điều chỉnh lối sống như: tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày; giảm cân nặng ở những bệnh nhân béo phì; bỏ thuốc lá; thực hiện chế độ ăn nhiều rau quả, ít chất béo, ăn giảm muối, hạn chế uống rượu bia. Hơn hết, việc phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp sẽ là yếu tố quan trọng có thể hạn chế tối đa những biến chứng do tăng huyết áp gây ra.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát hiện sớm và điều trị đúng theo quy định, thời gian tới, ngành y tế tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời quan tâm hơn nữa trong điều trị. Bởi, nếu phát hiện sớm và điều trị đúng quy định có thể đưa huyết áp về trị số bình thường./.
Bài và ảnh: Lê Kim