Hãy biết cách chi tiêu để giữ gìn hạnh phúc Ảnh minh họa
Thử thách của hạnh phúc
Quản lý tài chính là một kỹ năng cốt lõi để có thể xây dựng một gia đình bền vững, ấm êm, giàu sang. Một gia đình giàu sang bền vững không phụ thuộc vào việc vợ, chồng nhà ấy kiếm được bộn tiền, mà ở cách quản lý đồng tiền kiếm được. Tiền chính là phép thử xem vợ chồng bạn có xứng được hưởng hạnh phúc gia đình hay không.
Hồi mới kết hôn, vợ chồng tôi đưa ra một quy tắc lỏng lẻo thế này: tiền lương của tôi được gần 5 triệu đồng, tiền lương của chồng tôi được gần 2 triệu đồng, chúng tôi sẽ để hết tiền lương vào một cái hộp sắt trong một ngăn trên cùng của tủ quần áo khi được lĩnh lương, sau đó, vợ và chồng cần chi tiêu gì thì cứ lấy tiền ở hộp ra. Tôi cứ nghĩ đơn giản, rằng vợ chồng tôi yêu thương nhau như thế, thì khi tiêu tiền, ắt phải có trách nhiệm với chính mình và với người kia. Nào ngờ, trong vòng 5 tháng đầu tiên, tôi thấy tiền trong hộp cứ hết veo ngày một nhanh hơn, mà bản thân tôi thì không chi tiêu gì lớn ngoài việc đi chợ mua thức ăn mỗi ngày. Tôi gặng hỏi thì anh nói, anh có bỏ tiền lương vào hộp, nhưng sau đó vì hay phải gặp bạn bè và tổ chức đi đá bóng mỗi chiều, sau trận bóng là trận bia, nay người này chi tiền, mai người kia chi tiền, anh cũng chỉ lấy tiền trong hộp ra để chi tiền bia chiêu đãi anh em thôi. Thấy cách giải thích của anh vô lý quá, tôi yêu cầu anh không được đi uống bia sau trận đá bóng. Tất nhiên anh không nghe tôi. Tôi bèn trừng phạt bằng cách không bỏ tiền lương của tôi vào hộp sắt nữa. Tôi giữ riêng tiền lương để chi tiêu vào thực phẩm cho cả gia đình và các nhu cầu bình thường khác, vẫn còn lại một khoản dư chừng 2 triệu đồng mỗi tháng để phòng khi có việc đột xuất hoặc người nhà ốm đau và dành dụm tích lũy để sửa nhà sau này. Chồng tôi cũng không bỏ lương của anh vào hộp sắt nữa, cũng không góp một phần để chi tiêu trong gia đình, mà chỉ dùng vào bia. Đó cũng là một lý do cơ bản khiến chúng tôi phải chia tay nhau.
Còn chuyện lục đục của vợ chồng Hàn, Tuyết cũng xoay quanh vấn đề tiền nong. Thu nhập tháng của Hàn, một chuyên viên phòng thị trường của công ty mỹ phẩm được chừng 15 triệu đồng, thu nhập của Tuyết - vợ anh được 10 triệu đồng. Hàn đưa Tuyết mỗi tháng 10 triệu đồng để cô chi tiêu và tích lũy. Hai vợ chồng thống nhất sẽ chỉ chi tiêu tối đa 16 triệu đồng cho gia đình gồm 4 người mỗi tháng, còn phải để gửi tiết kiệm 5 triệu đồng. Tuy nhiên, Tuyết luôn miệng nằn nì chồng đưa thêm tiền. Thấy cô bạn có một bộ trang sức đắt tiền, Tuyết cũng thèm khát, đòi chồng vay tiền mua cho cô bằng được. Lúc đầu Hàn không chịu bởi giá gần 200 triệu đồng. Nhưng Tuyết nằng nặc đòi, hứa cả đời này chỉ dùng bộ trang sức đó thôi. Hàn vẫn không chịu thì Tuyết cấm vận anh, không cho anh động vào người cô. Cả tháng chịu đựng vợ mặt nặng mày nhẹ, Hàn đành thoái lui, vay thêm tiền để mua tặng vợ bộ trang sức bằng cả năm lương, thưởng của anh. Nhưng bộ trang sức cũng chỉ làm Tuyết hài lòng được nửa tháng, sau đó cô tiếp tục vòi chồng mua túi xịn, kính hàng hiệu… Hàn không chịu, Tuyết lại ra đòn “cấm vận”. Lần này, Hàn chẳng thoái lui, vợ cấm vận thì anh ra phòng khách ngủ. Tiền lương anh đưa về nhà ít dần đi. Tuyết tìm mọi cách tra hỏi, rình rập, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy anh có “bồ”. Vậy tiền lương anh giấu ở đâu? Như vậy, là Hàn đã không còn tin vợ, không coi vợ ra gì. Tuyết gào khóc, ra đòn dữ hơn, cô đưa đơn li dị, nào ngờ Hàn ký ngay lập tức.
Đừng tiêu tiền cho người khác xem
Trong khi đó, vợ chồng anh Mạnh Cường đều là công nhân nhà máy dệt tại Nam Định, tổng thu nhập cả hai vợ chồng với được 11 triệu đồng. Họ có hai con đang học bậc tiểu học và trung học cơ sở. Do khi cưới, vợ chồng họ ở chung với bố mẹ anh Mạnh Cường nên không phải lo chi phí xây nhà. Bà nội hai cháu đã về hưu, lại có mảnh vườn trồng đủ mọi rau, củ, quả nên việc chi phí cho thực phẩm tốn rất ít. Vợ chồng anh Mạnh Cường tâm sự, họ chỉ phải chi tiền xăng xe đi làm, tiền quan hệ chút ít và đưa bà nội mỗi tháng 4 triệu đồng để bà đi chợ. Như vậy cả tháng, hai vợ chồng Mạnh Cường tiết kiệm được khoảng hơn 4 triệu đồng. Họ thống nhất gửi vào tiết kiệm để sau này đầu tư cho các con đi học lên cao và du lịch, dưỡng già. Vợ chồng Cường đều làm việc theo ca ở nhà máy dệt nên rất bận rộn, họ không có thời gian la cà quán xá, cũng không có thời gian bạn bè để đua đòi thời trang, hay xe cộ mới. Họ chỉ tập trung quấn quít bên nhau, tại nhà sau giờ làm việc. Cuộc sống thanh sạch, đơn giản và nhẹ nhàng đối vợ cặp vợ chồng công nhân có thu nhập chẳng lấy gì làm cao. Anh Cường chia sẻ, thực ra chúng tôi không có nhu cầu gì cao xa, nên thấy mọi thứ xung quanh mình đều có đủ rồi, không có nhu cầu mua sắm gì thêm, ăn uống cũng vừa đủ chất, không ăn nhiều quá sinh bệnh.
Nhiều cặp vợ chồng, mải mê kiếm tiền, rồi mải mê chi tiêu vô độ, mặc cho những món được mua về lãng phí, thực phẩm đầy ứ trong tủ lạnh, dùng không hết vứt đi, mấy cái máy chạy thể dục, tập cơ bụng để chật nhà, những chiếc xe đạp địa hình để chỏng chơ ở ban công cả năm mới dùng một đôi lần… Chúng khóc than cho cái sự bị lãng quên và lãng phí, ông bà chủ thì mải đi kiếm thêm tiền, sắm thêm đồ mới nên không có thời gian để mắt và dùng đến chúng.
Chúng ta đang sống cực kỳ lãng phí mà không hề để ý. Nếu biết cách tiêu tiền, thì ngay lúc này, bạn đã giàu rồi, đã hạnh phúc rồi, không cần phải hùng hục kiếm tiền ngày đêm và đợi đến vài chục năm nữa mới đủ giàu.
KIỀU BÍCH HẬU