Theo thông tin từ người dân U Minh Hạ, mật ong đang bước vào chính vụ, nhưng sản lượng mật năm nay giảm khá nhiều. Chất lượng mật một số khu vực cũng giảm sút, phần vì ảnh hưởng từ nắng nóng, phần khác bà con “đổ lỗi” cho việc trồng keo lai. Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh Lê Ngọc Diễm nhìn nhận: “Năm nay trữ lượng ong giảm gần phân nửa so với những năm trước. Thời gian gần đây, tràm khai thác rất nhiều và được trồng lại bằng cây keo lai, mà bông keo lai lại cho ra loại mật có mùi vị, màu sắc không bằng bông tràm”.
Có hơn 10 kinh nghiệm trong việc gác kèo ong, ông Hồ Văn Khải, Ấp 14, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, kể: “Thông thường vụ ong bắt đầu từ tháng 9, gác kèo xong, tháng 10 ong về, đến cuối tháng 10 là có thể cắt cử đầu tiên. Nhưng năm nay, ong về muộn hơn so với những năm trước, đến tháng Giêng mới về”.
Thất Thu
Với diện tích 5 ha đất rừng nhận khoán và mướn thêm vài héc-ta bên cạnh, ông Khải gác trên 60-70 kèo, trung bình mỗi kèo thu về đến vài chục lít mật. Năm rồi gia đình ông thu được khoảng 135 lít mật, tổng thu 30 triệu đồng. Giở cuốn sổ ghi chép cẩn thận của mình, ông Khải trầm tư: “Năm nay mật ít hơn năm rồi, đến giờ đã chính vụ nhưng mới chỉ thu hoạch được ngần này (55 lít mật), so với thời điểm này năm trước là đã được trên 70 lít rồi. Cử rồi (đầu tháng Giêng) bị đứt bông, ong không có bông ăn nên cắt bỏ đi 7 ổ”.
Môi trường thích hợp cho ong mật là mật bông tràm và cây bụi thấp. Việc trồng cây ngoại lai như keo lai chắc chắn có ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển đến sinh vật bản địa dưới tán rừng. |
Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, khẳng định: “Sản lượng mật năm nay cũng bình thường, chỉ có giá đắt hơn năm rồi, năm nào cũng giảm, không chỉ năm nay. Riêng keo lai, công ty đã trồng trên dưới 3.500 ha”.
Khi hỏi về keo lai có ảnh hưởng đến sản lượng mật hay không, ông Hiếu đáp: “Chắc là có ảnh hưởng nhưng mình không nghiên cứu được. Tại vì nó lớn rất nhanh, 1 năm là chiều cao 4-5 m, tán phủ kín, ong không xuống làm tổ được. Hơn nữa, việc trồng keo lai hầu hết kê liếp nên cụm sậy, bụi không còn bao nhiêu, mà đây là những nơi thích hợp cho ong đóng”.
Cần quy hoạch phù hợp
Sản lượng mật có bị ảnh hưởng hay không chưa ai đánh giá nhưng chất lượng mật đã được rất nhiều bà con lâm phần rừng tràm nhìn nhận. Ông Khải so sánh: “Mật ong được lấy vùng có trồng keo lai nhiều thường có vị bị nhẫn, màu nâu sẫm, mau chuyển màu hơn. Còn mật ong trồng trong khu vực rừng tràm có màu vàng đẹp, vị ngọt thanh. Mật của các khu vực đó giá bán cũng thấp hơn và nhiều khách chê". Đó không chỉ là nhìn nhận của riêng ông mà đa số người dân dưới tán rừng đều đồng tình như vậy.
Với tổng diện tích rừng toàn tỉnh khoảng 43.000 ha, hiện đã có trên 7.000 ha trồng keo lai, theo quy hoạch đến năm 2020 sẽ có trên 10.000 ha được trồng thay thế cho cây tràm. Ông Lê Văn Hải, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, nhìn nhận: “Dự kiến sẽ có 1/4 diện tích đất rừng quy hoạch trồng keo lai. Mặc dù trồng keo lai rút ngắn chu kỳ sản xuất nhưng tính ra chi phí kê liếp, cây giống khoảng 30 triệu đồng/ha. Sau 5 năm thu được từ 160-170 triệu đồng, so với cây tràm thì lợi nhuận cũng không hơn bao nhiêu. Mà cây tràm lại tiêu thụ nội địa rất tốt, còn keo lai đầu ra hiện cũng chưa ổn định lắm”./.
Ông Phan Tấn Thanh, Phó giám đốc sở KH&CN: Chưa ghi nhận sự tác động của cây keo lai đến mật ong Xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương cũng như ý kiến của người dân, UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH&CN tiến hành đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh do Trường Đại học Cần Thơ thực hiện: “Đánh giá ảnh hưởng của việc trồng keo lai đến chất lượng mật ong và nguồn lợi cá đồng trên địa bàn tỉnh Cà Mau” và được tiến hành từ tháng 1/2015 kéo dài đến tháng 12/2016. Kết quả bước đầu, về chất lượng mật ong, chưa ghi nhận sự khác biệt gì lớn. Tuy nhiên, về mặt cảm quan của nhóm nghiên cứu thì mật ong của rừng tràm có màu vàng bắt mắt hơn, mật ong khu vực trồng keo lai màu vàng đậm hơn. Vị ngọt của mật ong rừng tràm ngọt thanh và thơm hơn rừng keo lai. Đó là những kết quả bước đầu. Theo đánh giá thì việc trồng keo lai không tác động lớn đến chất lượng mật ong. Còn về sản lượng có giảm so với trước đây, song cũng không phải nguyên nhân do trồng keo lai mà do khai thác rừng nhiều, mất nơi cư trú của ong hoặc khai thác không theo kỹ thuật. Chưa thể khẳng định việc trồng keo lai sẽ ảnh hưởng đến sản lượng mật ong. Về cá đồng thì ít nhiều ảnh hưởng, bởi trong quá trình trồng keo lai phải lên liếp, tác động đến tầng sinh phèn. Đặc biệt, vào mùa khô, sắt, độ chua tăng lên, môi trường sống của cá không thích hợp. Sau khi phân tích một số chỉ tiêu mẫu nước thấy không có khác biệt gì so với môi trường nước trong khu vực rừng tràm. Đó là kết quả bước đầu, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục theo dõi, khi kết thúc đề tài sẽ có đánh giá chính xác và những đề xuất cụ thể. Hồng Nhung lược ghi |
Bài và ảnh: Hồng Nhung