【mallorca vs】Năm học “đặc biệt” của ngành Giáo dục
Năm học 2019-2020 ngành Giáo dục đối diện với nhiều khó khăn. |
Năm học “đặc biệt”
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2019- 2020 là một năm học “đặc biệt”, đầy khó khăn, thách thức đối với ngành Giáo dục khi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Đây cũng là năm học Bộ GD&ĐT phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần và thời điểm kết thúc năm học chậm gần 2 tháng so với những năm học trước.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, với sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sinh viên, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2019 - 2020, trong đó có nhiều kết quả tích cực.
Bộ trưởng GD&ĐT cũng cho rằng dù là năm học “đặc biệt” song hoạt động giáo dục bị ngưng trệ, không bị “đứt gãy” như một số nước đã gặp phải.
Theo đó, trong hoàn cảnh khó khăn chung, các phương pháp, hình thức giáo dục mới được các thầy cô, các nhà trường sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Giáo dục.
Các trường đại học đã tích cực nghiên cứu và nhanh chóng đưa ra nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch. Điều này không chỉ thể hiện sự nỗ lực mà còn cho thấy khả năng “chống chịu”, thích ứng và trách nhiệm xã hội của ngành Giáo dục trước những biến động lớn, mang tính toàn cầu.
Bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được, vị tư lệnh ngành Giáo dục cũng thừa nhận hiện ngành còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục trong thời gian tới, như tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở nhiều địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; chất lượng đội ngũ không đồng đều, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới, chưa có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm chất và danh dự nhà giáo;
Cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu, xuống cấp; còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống chưa được chú trọng đúng mức.
"Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước về giáo dục còn bất cập, việc quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo chưa tốt, còn gây bức xúc trong nhân dân; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành phục vụ kinh tế số", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thừa nhận.
Thiếu sách giáo khoa, ép mua sách tham khảo
Tại Hội nghị, những vấn đề đầu năm học mới liên quan đến sách giáo khoa, tài liệu tham khảo cũng được nhiều đại biểu đặt ra.
Với tình trạng thiếu cục bộ sách giáo khoa và “ép” mua tài liệu tham khảo, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, năm học này tuyệt đại đa số học sinh đã có đủ sách giáo khoa trước khi bước vào năm học mới. Chỉ xảy ra tình trạng thiếu cục bộ đối với sách giáo khoa lớp 6 ở một số nơi trong tuần đầu năm học mới.
Lý giải về tình trạng này, theo ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT, do năm học tới sẽ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 2 và lớp 6, vì vậy, một số đại lý phát hành sách đã thận trọng trong việc nhập sách giáo khoa lớp 6 để tránh bị tồn kho không bán được dẫn đến tình trạng thiếu sách giáo khoa.
“Ngay khi nhận được phản ánh về tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam bổ sung sách giáo khoa cho những địa phương bị thiếu cục bộ, khắc phục kịp thời, không để ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh”, ông Nam cho biết thêm.
Về thông tin một số trường "ép" học sinh mua sách tham khảo, theo ông Nam, Bộ GD&ĐT đã có quy định tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc; nếu cơ sở giáo dục nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
"Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng từng bước độc lập với dạy học để hạn chế việc giáo viên sử dụng sách tham khảo đưa vào đề kiểm tra. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo', ông Nam nói.
Thi tốt nghiệp THPT sẽ giữ ổn định
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025, theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2020. Bộ GD&ĐT tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ và chú trọng xây dựng ngân hàng câu hỏi.
Nhìn lại 6 năm đổi mới kỳ thi THPT (2015-2020), đại diện Bộ GD&ĐT đánh giá, việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tốt nghiệp THPT đã khắc phục rõ rệt tình trạng học tủ, học lệch, luyện thi tràn lan diễn ra trong nhiều năm, thực hiện đúng phương châm “học gì thi nấy”.
Công tác tổ chức thi gọn nhẹ hơn, thí sinh không phải lên các thành phố lớn dự thi nhiều đợt, thay vào đó chỉ phải dự thi một lần, ngay tại địa phương, giúp giảm áp lực, giảm tốn kém cho gia đình, học sinh và xã hội.
Từ kết quả này, kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025 được xác định cơ bản sẽ được giữ ổn định như năm 2020. Bộ GD&ĐT tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi đảm bảo chất lượng, phong phú, phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Cùng đó, theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ xác định phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021-2025 cũng cơ bản giữ ổn định như năm 2020, trong đó tăng cường tính tự chủ, tự trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học. Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.