Trong dự thảo, Chính phủ đề xuất cấm sử dụng xe công được tổ chức biếu, tặng không đúng tiêu chuẩn. Xin ông giải thích thêm về nội dung này?
Qua các buổi thảo luận, xin ý kiến, nội dung mà ĐBQH lo ngại việc DN tặng xe "sang" cho các cơ quan, đơn vị và các cơ quan, đơn vị này sử dụng không đúng tiêu chuẩn, định mức thời gian qua. Do vậy, trong dự thảo Luật, chúng tôi đề nghị cấm các cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản biếu, tặng không đúng tiêu chuẩn, định mức. Các điều kiện cụ thể, thủ tục, trường hợp nào được nhận, trường hợp nào không thì thực hiện theo quy định về Luật Tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng. Với vai Luật Quản lý, sử dụng TSC thì chỉ cấm việc nhận và sử dụng không đúng tiêu chuẩn, định mức.
Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính sẽ công bố công khai những thông tin này.
Vừa qua các báo có phản ánh việc cơ quan nhận xe sang Lexus để làm xe phòng, chống bão lụt. Với dự thảo Luật, các loại xe như thế có được nhận biếu, tặng không? Nếu có được nhận tiêu chuẩn, định mức với các xe đó như thế nào?
Các tiêu chuẩn, định mức về xe ô tô đang được quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo đó, xe ô tô công được chia thành 3 loại: xe phục vụ chức danh, xe phục vụ công tác chung và xe chuyên dùng.
Nhóm xe chuyên dùng lại được chia thành 2 loại. Loại thứ nhất là, xe có cấu tạo đặc biệt hoặc gắn thiết bị đặc biệt để phục vụ nhiệm vụ có tính chất chuyên ngành của các cơ quan đơn vị. Loại này không quy định mức giá tối đa và do các bộ, ngành tự quy định. Loại thứ hai là, xe phục vụ những nhiệm vụ có tính chất đặc thù như chống buôn lậu, chống lụt bão thì Thủ tướng Chính phủ quy định rõ là thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức như xe phục vụ công tác chung, nghĩa là có quy định mức giá tối đa và khi mua sắm thì phải tuân thủ mức giá này.
Về vấn đề khoán xe công, có đại biểu Quốc hội cho rằng cần đưa cơ chế, phương thức, mức khoán cụ thể vào Luật. Ông nghĩ sao về đề nghị này?
Trong quá trình xin ý kiến vào dự thảo, chúng tôi cũng có lắng nghe các ý kiến này. Tuy nhiên, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội tham gia vào dự thảo nhất trí chỉ nên quy định nguyên tắc là thực hiện khoán vào Luật còn phương thức, mức khoán, thủ tục thanh toán,... thì giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Ngoài ra, việc khoán kinh phí sử dụng xe phụ thuộc vào điều kiện KT-XH của từng thời kỳ, từng địa phương, đơn vị cụ thể và mức khoán xe lại phụ thuộc vào mức giá cả trên thị trường. Phương thức khoán kinh phí cũng là một phương thức mới, để áp dụng còn liên quan đến nhiều vấn đề khác đầu xe, lái xe,...
Do đó, dự Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết là phù hợp.
Báo cáo mà Kiểm toán Nhà nước mới công bố cho biết có một số xe công chưa hết hạn sử dụng đã được bán thanh lý. Thông tin này có chính xác không và phương án xử lý của Bộ Tài chính ra sao để khắc phục, thưa ông?
Theo quy định hiện nay và cả trong dự thảo Luật, xe công khi thanh lý phải đáp ứng 1 trong 3 điều kiện là sử dụng quá thời gian theo chế độ hoặc sử dụng quá số km hoặc chưa đủ 2 điều kiện nêu trên nhưng xe bị hỏng không thể sửa chữa, sửa chữa không hiệu quả.
Căn cứ vào báo cáo của các địa phương, Kiểm toán Nhà nước đã xác định một số trường hợp chưa đủ thời gian, chưa đủ km nhưng trong báo cáo cũng nêu rõ là chưa có thông tin về các điều kiện khác nên chưa đủ thông tin để khẳng định có sai phạm.
Thông qua nội dung báo cáo của Kiểm toán, chúng tôi đang dự kiến bổ sung quy định khi thanh lý TSC thì trong Quyết định thanh lý phải ghi rõ lý do. Khi đó, nhập vào cơ sở dữ liệu, cơ quan quản lý sẽ nắm rõ được nguyên nhân thanh lý và kiểm soát minh bạch hơn.