Tỷ lệ khoảng 98% người sau cai nghiện ma túy tái nghiện hầu như ai nghe đều cảm thấy giật mình. Bởi thời gian qua,ảnlngườisaucainghiệkết quả bóng đá ả rập xê út ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở và địa phương đều vào cuộc triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, tránh xa ma túy. Vậy nguyên nhân do đâu?
Phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống ma túy, chung tay quản lý người sau cai nghiện.
Đến nhà anh T., ở khu vực 3, phường Ngã Bảy, vào một buổi chiều nhưng anh còn tất bật sửa xe cho khách. Ngơi tay một lát, anh kể, cách đây hơn 10 năm đã sử dụng ma túy. Được sự động viên, an ủi của gia đình, người thân nên anh cai nghiện tại nhà, nhưng cai chẳng được bao lâu thì… tái nghiện. Lúc này, anh mới chịu đi cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội và quản lý sau cai nghiện thành phố Cần Thơ.
Ở đây, được sự quan tâm của cán bộ nên việc cai nghiện của anh rất tiến bộ. “Lúc nhận tin sắp được về với gia đình tôi mừng lắm. Hai năm ở trung tâm tôi luôn đếm lùi thời gian, mong sớm về làm lại cuộc đời, nhưng cuộc đời chẳng như mình mong muốn. Lúc về lại cộng đồng, ai cũng tránh né, thậm chí không ít người sợ tôi lôi kéo con cháu họ vào con đường nghiện ngập nên có cách cư xử rất dè chừng”, anh T. thở dài nhớ lại.
Thật tâm anh T. rất muốn gần gũi và chia sẻ với mọi người những khúc mắc trong lòng, nhưng sự ghẻ lạnh, kỳ thị như gáo nước lạnh dội vào mặt anh. Khi anh đến thăm nhà bà con họ thậm chí không muốn tiếp chuyện; anh làm gì, đi đâu cũng bị mọi người dòm ngó, bàn tán… Dù rất buồn nhưng anh T. chỉ giữ trong lòng. Anh nghĩ, nếu bản thân có công việc ổn định, làm ăn chính đáng thì mọi người sẽ dần thay đổi thái độ, cách suy nghĩ về mình. “Thời điểm đó, tôi rất sợ rảnh rỗi nên lao vào tìm việc, cứ muốn mình bận bịu để khỏi suy nghĩ lung tung, phiền lòng, nhưng lúc nộp hồ sơ xin việc, nghe kể về quá khứ người ta liền từ chối”, anh T. tâm sự.
Đó là một trong những trường hợp người tái nghiện trên địa bàn tỉnh phải chịu sự kỳ thị, né tránh từ người thân, xã hội, dẫn đến họ không tin tưởng, bất hợp tác và tái nghiện. Người sau cai nghiện vốn thường mang tâm lý buồn bã, chán nản, nếu không có sự giúp đỡ, động viên, chăm sóc, yêu thương của người thân giúp họ vượt qua những cơn khủng hoảng tâm lý họ sẽ dễ buông trôi, bất cần và nhanh chóng trở lại với con đường… nghiện.
Bên cạnh đó, việc người sau cai nghiện trở về thiếu công ăn việc làm, bí bách, túng quẫn về kinh tế, nguy hiểm hơn là trong trạng thái “nhàn cư vi bất thiện” sẽ rất dễ quay lại với ma túy. Theo bà Trần Thị Sáng, Chủ nhiệm CLB Hỗ trợ tư vấn tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy, ở phường Ngã Bảy, thời gian qua, dù Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện vay vốn để sản xuất, sớm có công việc ổn định, nhưng đến nay phường chưa có người sau cai nghiện nào được vay vốn nên nhiều người cảm thấy chán, không muốn hợp tác với CLB.
Ngoài ra, nhiều địa phương, đoàn thể cấp xã chưa thật sự vào cuộc hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ những người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Một khi người nghiện không được quản lý chặt chẽ sẽ dễ bị đối tượng xấu tác động, lôi kéo vào con đường phạm pháp, ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự địa phương.
Một thực tế nữa hiện nay là công tác cai nghiện tại cộng đồng khó triển khai. Bởi cơ sở vật chất, đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ làm công tác cai nghiện ở các địa phương chưa đáp ứng; công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy còn nhiều hạn chế. “Nhiều người không thể cai nghiện 1 lần là thành công, mà phải 2 đến 3 lần. Nguyên nhân chính dẫn đến tái nghiện, xét cho cùng vẫn là do người nghiện không tự chủ, thiếu quyết tâm giải thoát bản thân. Nhưng phải thừa nhận những lý do khác như sự kỳ thị của những người xung quanh, thái độ thờ ơ, lãnh đạm của gia đình, thất nghiệp và nguy hiểm nhất là sự kết nối của bạn nghiện đã khiến những người đi cai nghiện về vốn đang trong tâm lý chưa ổn định sẽ mau trở lại con đường cũ”, ông Võ Văn Tư, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, cho biết.
Hiện nay, tình hình tội phạm ma túy hiện nay trên địa bàn tỉnh khá phức tạp, không chỉ xuất hiện tại thành phố, thị trấn mà ở vùng nông thôn sâu có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, những năm qua, đối tượng liên quan đến ma túy đang trẻ hóa, xuất hiện cả trong học đường.
Theo ông Lê Phong, Trưởng Công an xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, thời gian đầu, người sau cai nghiện ma túy rất cần sự cảm thông của người thân và cộng đồng. Đây là thời gian người cai nghiện có nguy cơ tái nghiện cao nếu gặp phải sự kỳ thị, xa lánh. Do đó, Đội hoạt động tình nguyện xã Tân Long đã tư vấn, giới thiệu và hỗ trợ họ đến các dịch vụ giảm tác hại để được chăm sóc sức khỏe, tâm lý. Từ đó, những người sau cai nghiện có cái nhìn lạc quan hơn, không còn sợ gia đình và xã hội kỳ thị. Bên cạnh đó là những việc làm thường xuyên như tuyên truyền, vận động, quản lý người sau cai nghiện hoàn lương, có việc làm, qua đó giúp người sau cai nghiện dần ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần thành lập nhiều mô hình quản lý người sau cai nghiện phù hợp với tình hình đơn vị để quản lý sâu sát, từ đó sẽ là cầu nối để người sau cai nghiện trở về gia đình. Việc ra đời các mô hình sẽ giúp người sau cai nghiện ma túy có được điểm sinh hoạt, là nơi bày tỏ nguyện vọng trong quá trình làm lại cuộc đời. Qua đây, cán bộ quản lý ở địa phương, người thân nắm bắt được suy nghĩ, tâm tư của họ để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Theo ông Võ Văn Tư, các ngành chức năng cũng cần xem xét tạo điều kiện cho người sau cai nghiện vay vốn để đầu tư sản xuất, tạo công ăn việc làm; đặc biệt, lực lượng chức năng cần có biện pháp răn đe, xử lý mạnh các đối tượng sử dụng ma túy. Chính quyền địa phương, các ban, ngành chức năng nên tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nhân rộng mô hình cai nghiện; tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng để giúp họ tránh xa ma túy một cách hiệu quả.
Bài, ảnh: NHẬT TÂN