Dù chưa có thông tin đầy đủ từ Khoa Du lịch (thuộc Đại học Huế) nhưng với số lượng đào tạo chiếm ưu thế khi mỗi năm có khoảng 2.000 sinh viên các hệ trung cấp,soi keo anh vs y cao đẳng, đại học về du lịch ra trường của cả 7 cơ sở đào tạo trên địa bàn, điều này ngay lập tức được hiểu rằng, Thừa Thiên Huế đã dư thừa nguồn nhân lực này.
Nhưng đó mới chỉ là cái nhìn trực quan. Trong quá trình hoạt động cũng như tham gia nhiều diễn đàn khác nhau, chúng tôi vẫn thường nghe những điều mà du khách, đơn vị thuê dịch vụ hoặc những đơn vị hay có mối quan hệ với khách hàng, hãng lữ hành… phàn nàn về chất lượng dịch vụ ở các khách sạn có gắn sao, thậm chí là nhiều sao. Những điều làm cho du khách không hài lòng thường ở trình độ ngoại ngữ, khả năng ứng xử và giao tiếp, cung cách phục vụ… Điều này xem ra còn tệ hơn trong các nhà hàng. Nhân viên ở đây thường chậm và khá lúng túng, nhất là trong các bữa tiệc đông người. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng đã nhiều lần cảnh báo khi chia sẻ về những điều nói trên từ du khách có chuẩn cao, nhất là khách đến từ các nước châu Âu, đồng thời khuyến nghị về những giải pháp cần thiết để chấn chỉnh và thay đổi, nếu không sẽ mất đi một nguồn khách truyền thống, đem lại doanh thu cao cũng như nhiều giá trị gia tăng khác.
Câu hỏi được đặt ra là vì sao lại có tình trạng này? Số lượt khách trong năm 2017 đạt gần 3.780 ngàn và tăng 16% so với năm trước. Số khách lưu trú cũng đạt xấp xỉ 50% nhưng ngày khách lưu trú gần như vẫn dậm chân tại chỗ ở mức 1,8 ngày/khách, thậm chí còn thấp hơn một chút (0,04) so với năm 2016. Con số này cho thấy thực trạng quá tải ngược khi tỉnh có gần 600 cơ sở lưu trú với trên 10.000 buồng phòng. Giảm giá dịch vụ, cạnh tranh thiếu lành mạnh là một cách làm đang diễn ra hiện nay. Đương nhiên là để có doanh thu và tồn tại, người ta phải giảm giá nhân công, điều chỉnh lại giá của một số dịch vụ khác và chấp nhận nguồn nhân lực chất lượng kém hơn vào phục vụ.
Hoạt động du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã tạo ra gần 34.000 việc làm, trong đó khoảng 1/3 là lao động trực tiếp nhưng theo đánh giá cách đây 3 năm tại một diễn đàn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chất lượng lao động ở lĩnh vực này chưa đồng đều. Đáng buồn hơn là có khoảng 18% lao động chưa có bằng cấp, 20% lao động mới chỉ được đào tạo ngắn hạn và cho đến nay, những điều này vẫn chưa có nhiều cải thiện.
Khó này kéo theo khó kia và đây là những lý do hiển nhiên khi chỉ có 10% sinh viên tốt nghiệp của Trường cao đẳng nghề Du lịch tìm được việc và ở lại làm việc tại Thừa Thiên Huế. Nếu nhìn trên phương diện vĩ mô và trong sự kết hợp đa chiều từ nhiều lĩnh vực và yếu tố khác nhau, chúng ta cũng có thể hiểu được nguyên nhân của sự chậm trễ và khó trở thành lĩnh vực có nhiều đóng góp vào GRDP của kinh tế tỉnh nhà trong những năm qua.
Có lẽ khi khơi thông được (một trong) những nút cổ chai này và chuyển hóa thành công các con số một cách có ý nghĩa hơn, du lịch dịch vụ trên địa bàn mới thật sự có chuyển động tốt.
HOÀNG MAI