Các chuyên gia quốc tế tham quan nhà máy Duy Tân, một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tái chế. |
Đây là một trong nhiều hoạt động của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPPIN), một sáng kiến của Cơ quan Khoa học Quốc gia Australia (CSIRO) với mục tiêu thúc đẩy các giải pháp sáng tạo nhằm giảm thiểu vấn nạn rác thải nhựa trong khu vực.
Chương trình này là một hợp phần quan trọng của Liên minh Sáng kiến giảm thiểu nhựa khu vực Mekong của Australia với sự kiện nổi bật trong năm là Ngày trình diễn và giới thiệu các giải pháp đổi mới sáng tạo giảm thiểu rác thải nhựa (Demo Day).
Tại sự kiện, các giải pháp bền vững đã được giới thiệu nhằm thay đổi cách thức sản xuất, sử dụng và tái chế nhựa. Trong số đó, có các hệ thống trao đổi quà tặng thân thiện với môi trường và phương pháp biến bã cà phê thành vật liệu nhựa với mức phát thải carbon âm - một cách tiếp cận mới mẻ, hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích to lớn cho môi trường.
Demo Day là dấu ấn cho 13 tuần huấn luyện chuyên sâu, nằm trong khuôn khổ chương trình Tăng tốc IPPIN. Chương trình này không chỉ hướng đến phát triển doanh nghiệp mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các giải pháp bền vững nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.
Các doanh nghiệp tham gia đã trải qua quá trình đào tạo chuyên sâu, giúp họ có đủ kiến thức và công cụ để phát triển các sáng kiến sáng tạo. Những sáng kiến này không chỉ giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh tại Việt Nam.
Tổng lãnh sự Australia tại TPHCM Sarah Hooper cho biết, thông qua Quan hệ đối tác Mekong - Australia và những sáng kiến như IPPIN, cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm ra giải pháp bền vững cho vấn đề rác thải nhựa. Điều này không chỉ đảm bảo một môi trường sống sạch hơn mà còn giúp xây dựng nền kinh tế ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai.
Theo bà Kim Wimbush, tham tán của CSIRO tại Việt Nam, các sáng kiến bền vững tại Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, nhất là sau giai đoạn đại dịch Covid-19. Để hỗ trợ điều này, CSIRO đảm bảo rằng các dự án IPPIN được xây dựng trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ.
Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Giảm thiểu Nhựa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là minh chứng cho cam kết lâu dài của CSIRO và cộng đồng quốc tế trong việc loại bỏ rác thải nhựa, thay đổi tư duy về cách giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế nhựa.