Hôm gặp anh tại cơ quan Báo Cà Mau, anh cho biết, đang bàn giao một số công việc để nghỉ hưu. Mười lần như một, gặp nhau là anh pha trà, hai anh em vừa nhâm nhi vừa bàn chuyện nghệ thuật. Nhưng lần này anh không bàn chuyện đó nữa, cũng không còn sôi nổi mà anh toàn nhắc về Đoàn Văn công giải phóng. Như một bộ phim quay chậm ngược thời gian. Trong những câu chuyện ấy, anh thường nhắc về người mẹ của mình.
Từ sau khi nghỉ hưu, anh Phạm Thành Công dành trọn thời gian cho gia đình và chăm sóc mẹ. Ảnh: HOÀNG VŨ |
Anh cho biết, từ nhỏ anh đã được mẹ hát ru bằng những lời ca quê hương ngọt ngào và khi vừa bập bẹ, mẹ đã dạy hát, nên khi lớn lên một chút là anh đã mơ một ngày nào đó được đứng trên sân khấu để hát như mẹ mình. Nhưng mẹ anh không muốn điều đó mà muốn anh học chữ trước nên gởi anh cho ngoại ở Đầm Dơi để đi học.
Anh bồi hồi nhớ lại: Đó là thời gian buồn nhất của anh. Bởi mẹ bận đi diễn suốt, lâu lâu mới về thăm một lần. Rồi anh nói với vẻ đầy tự hào: Hồi đó con nít ở xóm cỡ anh chỉ mặc quần bà ba thôi, riêng anh được mặc quần tây. Vì mẹ biết anh rất thích quần tây nên trong lúc đi diễn, thấy đứa nào trạc tuổi anh là mẹ mượn đo ni rồi may sẵn cái quần tây. Lần nào lấy đồ ra diễn, mẹ cũng lấy cái quần đó ra khoe với đồng nghiệp: "Thằng Công nó lớn chừng này rồi nè, mai mốt đem về cho nó mặc đi học". Vậy là mỗi lần mẹ về, anh đều có cái quần tây mới mặc đi học.
Đạo diễn Nguyễn Ánh Điện cùng anh Phạm Thành Công (phải), diễn viên Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp trong chuyến lưu diễn ở ĐBSCL năm 1978. Ảnh: HOÀNG VŨ |
Nhưng rồi giọng anh chùng xuống: Vui bao nhiêu thì ngày mẹ trở lại đoàn anh buồn bấy nhiêu. Anh nói, lần nào cũng đứng nhìn cho đến khi dáng mẹ khuất hẳn vào rừng đước mới trở về với gương mặt lã chã nước mắt. Rồi buồn thêm mấy ngày nữa mới nguôi ngoai. Sau này, khi học hết lớp ba trường làng, anh được mẹ cho lên Trường Ninh Bình học tiếp, xong rồi mẹ mới cho vào Đoàn Văn công với mẹ.
Tôi còn nhớ, có lần tôi được mời dự họp mặt Đoàn Văn công giải phóng ngay tại nhà anh. Hôm ấy rất cảm động, các nghệ sĩ ai cũng vui như ngày hội; tay bắt mặt mừng, rồi nhắc nhau nghe những vui buồn trong thời kháng chiến và hiện tại. Ai cũng xúc động không cầm được nước mắt. Đặc biệt, hôm đó anh em văn nghệ sĩ có dịp diễn lại những vở tuồng mà ngày xưa biểu diễn. Hồi đó ai vai nào thì bây giờ diễn lại đúng vai đó nên ai cũng hồi hộp xen lẫn xúc động. Thật bất ngờ, trong lúc đang diễn ngon lành, bỗng có tiếng thùng thiếc đánh vang dội từ xa, lập tức sân khấu tắt đèn tối thui. Tôi còn đang ngớ người thì đèn đã sáng trở lại. Và anh từ đằng xa xách cái thùng thiếc về, gương mặt có vẻ hài lòng lắm.
Thấy tôi vẫn còn ngơ ngác, anh cho biết, hồi xưa, khi mới bước vào đoàn, anh phải học thêm nhiều thứ. Ngoài thời gian học, anh còn được phân công một công việc hết sức đặc biệt, đó là canh máy bay địch mỗi khi đoàn diễn. Mỗi lần đoàn hát phục vụ cho lãnh đạo Tỉnh uỷ trong hội trường là anh xách võng với cái thùng thiếc đi tuốt ngoài rừng (cách khoảng vài trăm mét) mắc võng trên chang đước nằm canh. Khi nào nghe tiếng máy bay thì đánh thùng thiếc lên báo động cho bên trong hội trường tắt đèn. Nên hôm nay anh cũng làm lại công việc đó. Anh bảo, lúc nãy vừa cầm cái thùng thiếc chuẩn bị đem ra điểm canh đã bùi ngùi. Còn lúc tiếng thùng thiếc vang lên thì rơi nước mắt lúc nào không hay.
Câu chuyện tôi và anh cứ rỉ rả hết buổi sáng. Anh kể, sau những ngày phấn đấu học tập và canh máy bay, đúng một năm sau, anh may mắn có được vai diễn đầu tiên. Đó là vai Nguyễn Văn Hài trong vở “Tiếng hát U Minh”. Anh đóng cùng Nghệ sĩ Việt Tiên. Đây cũng là vai diễn được các nghệ sĩ trong đoàn khen diễn xuất thần.
Anh cho biết thêm, buổi ra mắt đầu tiên là diễn ngay xứ của Nguyễn Văn Hài mà anh đâu có hay. Khi vãn tuồng, lúc anh đang ngồi tẩy trang thì có người nhà Nguyễn Văn Hài lại ôm anh khóc quá trời. Bà nói anh diễn hay quá, giống y chang Nguyễn Văn Hài... Chỉ có vậy thôi mà mấy đêm liền anh không ngủ được.
Sau khi thành công vai diễn Nguyễn Văn Hài, anh bắt đầu được đoàn tin tưởng và giao cho nhiều thể loại khác nhau như múa, ca nhạc cảnh, đánh đàn Mandolin, đóng cải lương… Ở lĩnh vực nào anh cũng làm tròn trách nhiệm và luôn được lãnh đạo đoàn khen ngợi.
Anh nói đi diễn cực thì có cực thiệt nhưng vui lắm, các diễn viên di chuyển bằng xuồng. Mỗi xuồng có 3 người, 2 nam 1 nữ thay phiên nhau chèo. Đến nơi thì chia nhau ở nhờ nhà dân nên cũng ít có dịp ở bên mẹ. Sân khấu làm rất đơn sơ, đèn sân khấu thì dùng đèn măng-xông, mỗi khi chuyển cảnh, muốn có ánh sáng khác thì lấy giấy kiếng bọc lại. Vậy mà điểm nào bà con cũng đến rất đông, dù trước đó không có thông báo gì hết. Có nhiều người cách hàng chục cây số vẫn tới coi. Lúc đó anh với Nghệ sĩ Việt Tiên là nhỏ nhất trong đoàn nên được mấy cô, chú cưng chiều lắm, công việc nào khó các chú gánh hết phần.
Hôm gặp NSƯT Huỳnh Hảnh, tôi hỏi thăm về anh. Ông cho biết, anh là một diễn viên trẻ của đoàn bấy giờ. Anh diễn không nhiều nhưng diễn vai nào cũng để lại ấn tượng cho người xem. Trong đó, vai bác sĩ trong vở tuồng “Gia đình Tám Đất” là xuất sắc nhất.
Còn Nghệ sĩ Bảo Anh thì nói, rất thích cách diễn của anh ở chỗ: diễn như không diễn, mặt cứ tỉnh queo như không có chuyện gì xảy ra. Mặc dù anh không đi đến cuối con đường mình đã chọn, nhưng những nhân vật mà anh đã diễn sẽ mãi mãi còn trong lòng anh em cũng như khán giả.
Khi được hỏi, sau khi về hưu anh có kế hoạch gì không? Anh cho biết, hiện tại mẹ anh bệnh rất nhiều nên trước mắt anh dành hết thời gian chăm sóc mẹ. Bởi hồi đó nói là đi chung đoàn với mẹ nhưng do công việc di chuyển liên tục nên cũng ít khi được ở chung với mẹ. Rồi sau này đi làm, công việc cũng bận rộn suốt ngày, ít có thời gian chăm sóc mẹ. Bây giờ phải tranh thủ ở nhà nhiều cho mẹ vui…
Nói đến đây giọng anh lại ngậm ngùi: “Đời tôi như có hai người mẹ, bởi ngoài mẹ ruột ra, tôi còn người nữa mà lúc nào trong thâm tâm tôi cũng coi như mẹ mình, đó là cô Hai Ngàn. Cô đã dạy tôi học từ những chữ cái đầu tiên và xem tôi như con ruột. Nhà cô gần nhà ngoại. Biết được hoàn cảnh mẹ đi phục vụ vùng giải phóng, lâu lâu mới về thăm một lần, nên cô thương và dạy tôi học không lấy tiền học phí hay bất cứ vật chất gì. Nhờ vậy mà sau này tôi mới có cơ hội đi học tiếp ở Trường Ninh Bình và được như ngày hôm nay”.
Anh định nói gì thêm, nhưng khi nhìn đồng hồ chỉ 11 giờ, anh liền từ giã về để lo buổi trưa cho mẹ. Tôi hiểu, lúc này đối với anh mẹ là tất cả./.
Anh Phạm Thành Công là diễn viên của Đoàn Văn công giải phóng. Anh có nhiều vai diễn mà tới nay vẫn được đồng nghiệp nhắc mỗi khi gặp lại và được biết đến như một diễn viên đa năng. Sau ngày giải phóng, anh làm việc ở nhiều nơi: cán bộ Nhà Văn hoá trung tâm tỉnh; Phó Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp; Phó chánh Văn phòng Hội Văn học - Nghệ thuật, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính Báo Cà Mau. |
Khởi Huỳnh