Sửa chữa lưới điện hạ áp nông thôn |
Trên 1.000 tỷ đồng đầu tư lưới điện nông thôn
Bắc Ninh là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để quản lý vận hành và kinh doanh bán điện trực tiếp đến các hộ dân từ năm 2004. Ngay sau tiếp nhận,ắcNinhĐiểmsángtrongđầutưlướiđiệnnôngthôbảng xep hạng y Công ty Điện lực Bắc Ninh (PC Bắc Ninh) đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng để thực hiện nhiều hạng mục công trình như: Củng cố các điểm mất an toàn lưới điện, cải tạo, nâng cấp lưới điện; thay công tơ định kỳ; đầu tư xây dựng thêm nhiều tuyến đường dây trung áp, hạ áp và gần 1.000 trạm biến áp để chống quá tải lưới điện cũng như củng cố mô hình quản lý tại các khu vực tiếp nhận. Nhờ đó, chất lượng điện năng đã kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, đồng thời góp phần cho các xã trên địa bàn tỉnh hoàn thành sớm tiêu chí số 4 về điện trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ tháng 3/2014.
Ông Nguyễn Lương Kim - Giám đốc PC Bắc Ninh - cho biết: Là một trong những địa phương phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt, với tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ 2 toàn quốc, nên nhu cầu tiêu thụ điện năng của Bắc Ninh luôn cao, chỉ sau Hà Nội trong khu vực miền Bắc. Nếu năm 2004, khi mới tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, sản lượng điện ở khu vực nông thôn Bắc Ninh mới đạt 164 triệu kWh, thì đến nay, sản lượng đã là 892 triệu kWh, gấp 5,44 lần so với năm 2004. Đồng thời tỷ lệ tổn thất điện năng ở khu vực này cũng giảm từ 28,45% (năm 2004) xuống còn 7,5% (năm 2016). “Có được kết quả đó chính là nhờ công tác quản lý tốt và thực hiện đầu tư, nâng cấp, cải tạo kịp thời lưới điện hạ áp nông thôn” - ông Nguyễn Lương Kim nhấn mạnh.
Điện “chạy đua” với phát triển kinh tế
Là một tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao, quy mô nền kinh tế đứng thứ 6 toàn quốc; thu hút đầu tư nằm trong Top đầu cả nước… nên ngành điện ở đây chịu nhiều sức ép trong việc đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện của người dân và doanh nghiệp. Chỉ riêng trong năm 2016, mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng lưới điện của tỉnh Bắc Ninh đạt hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó có một số dự án lớn như: Dự án đường dây và trạm biến áp 110kV Yên Phong 5 có tổng mức đầu tư 162 tỷ đồng; Dự án đường dây và trạm biến áp 110kV Quế Võ 4 có tổng mức đầu tư 116 tỷ đồng; Dự án trạm biến áp 220kV Bắc Ninh 3 và đấu nối có tổng mức đầu tư 394,8 tỷ đồng; Dự án các đường dây xuất tuyến sau trạm biến áp 220kV Bắc Ninh 3 có tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng; Dự án trạm biến áp 110kV Hanaka có tổng mức đầu tư 93 tỷ đồng; Dự án nâng tiết diện đường dây 110 kV mạch kép Đông Anh - Phả Lại có tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng; các dự án xây dựng, cải tạo lưới điện trung - hạ áp trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư xấp xỉ 370 tỷ đồng. Đặc biệt trong đó gần 450 tỷ đồng là kinh phí để triển khai một số dự án nhằm mục đích chống quá tải cho các địa bàn được coi là “xung yếu” nhất như: Tiên du; Thuận Thành và Gia Bình; thị xã Từ Sơn và Yên Phong; thành phố Bắc Ninh... Trong khi trước đó hàng năm, PC Bắc Ninh đều đầu tư thêm nhiều TBA 110kV các xuất tuyến đường dây trung áp và hàng trăm TBA phân phối cũng như hàng chục km đường dây hạ áp trên địa bàn tỉnh.
Tuy là tỉnh không có địa hình khó khăn, phức tạp như một số tỉnh miền núi, hải đảo nhưng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, người thợ điện ở Bắc Ninh lại có những nhọc nhằn “khó nói”. Theo ông Nguyễn Đình Phương - Phó Giám đốc Kinh doanh Điện lực Từ Sơn chia sẻ, là địa phương có nhiều khu công nghiệp và làng nghề của tỉnh Bắc Ninh nên tốc độ phát triển dân cư ở Từ Sơn rất nhanh. Người lao động ở các địa phương khác về đây làm việc và thuê nhà trọ, vào lúc cao điểm nhất là khoảng thời gian từ 17 - 20 giờ hàng ngày điện sinh hoạt tại đây tăng vọt. Những người thợ điện luôn phải túc trực để kịp thời xử lý khi có tình huống quá tải ở các trạm biến áp. Trong khi đó ở những làng nghề như ở phường Châu Khê nơi có Cụm công nghiệp làng nghề thép Đa Hội, Mả Ông... với đặc thù sản xuất về đêm để tận dụng giá điện thấp, những người thợ điện ở đây thường xuyên phải túc trực ban đêm (từ 2 - 4 giờ sáng) trong một môi trường khá ô nhiễm bởi khói, bụi của các lò luyện thép và quần áo bảo hộ lao động của họ cũng “tốn” gấp 2 - 3 lần so với những người thợ điện ở địa bàn khác trong tỉnh.
Khi đem tâm sự của một cán bộ trực kỹ thuật ở PC Bắc Ninh rằng - “trực đường dây nóng báo sự cố, chúng tôi nghe than phiền mãi rồi cũng quen”; hỏi anh Nguyễn Lương Kim, được anh xác nhận: “Đúng đó, nhiều đêm có điện thoại vừa bấm nghe tôi chỉ thấy những câu chửi như không có điểm dừng của người dân vì sự cố mất điện. Thường là vào mùa hè, do nhu cầu sử dụng điện cao nên ở những nơi mà tập trung nhiều người lao động ở các khu, cụm công nghiệp thuê phòng trọ đôi khi xảy ra sự cố mất điện do nhu cầu sử dụng điện tăng vọt. Mùa hè là thời điểm gian khổ nhất của chúng tôi khi mà người thợ điện hầu như đêm nào cũng trong tình trạng sẵn sàng lên đường đến các điểm nóng”.
Hiệu quả từ các dự án đầu tư lưới điện
Thực hiện nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh Bắc Ninh, thời gian qua, PC Bắc Ninh đã liên tục đầu tư, cải tạo mạng lưới nhằm nâng công suất, chất lượng điện đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đón đầu phát triển sản xuất của hàng nghìn doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại địa bàn tỉnh, bảo đảm hoạt động hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Theo đó, sản lượng điện trong giai đoạn vừa qua tăng trưởng bình quân 18,8%/năm. Riêng năm 2016, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 4,7 tỷ kWh, tăng 16,72% so với năm 2015; tổn thất điện năng chung giảm còn 4,0%, giảm 0,42% so với năm 2015; doanh thu bán điện đạt 7.291,6 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2015. Chất lượng điện năng và dịch vụ khách hàng được nâng cao: Thời gian mất điện trung bình giảm 639 phút so với cùng kỳ; thời gian giải quyết cấp điện được rút ngắn...
Mặc dù tốc độ tăng trưởng phụ tải của tỉnh khá cao (trên 20%/năm trong giai đoạn 2010 - 2015) nhưng với việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo kịp thời lưới điện trung, hạ áp trong toàn tỉnh đã góp phần bảo đảm cung cấp điện một cách an toàn, liên tục, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điện năng cho khách hàng.
Hạ tầng kỹ thuật điện phát triển, lưới điện khu vực Bắc Ninh vận hành ổn định sẽ góp phần không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo điều kiện cho kinh tế địa phương phát triển, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. |