【trận đấu torino】Thấp thỏm vùng ngọt

Báo Cà Mau(CMO) Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Thanh Triều cho biết: “Theo dự báo, mùa khô năm nay, tình trạng khô hạn, sạt lở, xâm nhập mặn có thể sẽ ít gay gắt hơn năm 2020. Không vì thế mà lơ là, chủ quan, chúng tôi đã lên phương án để ứng phó, nhất là sớm hoàn thiện các công trình đê biển, đường giao thông kết hợp thuỷ lợi đã bị sạt lở từ mùa khô vừa qua”.

Là trục lưu thông chính, nhưng kênh Trùm Thuật A, xã Khánh Hải lại không có băng chuyển tải nông sản như các con kênh còn lại trong vùng, nên giá lúa nơi đây thường thấp hơn so với các nơi khác. (Ảnh chụp tại kênh Trảng Cò, cặp kênh Trùm Thuật A).

Chủ động phòng tránh

Huyện Trần Văn Thời là địa phương chiếm nhiều diện tích trong vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Quốc Tuấn cho biết, rút kinh nghiệm từ mùa hạn mặn năm trước, nhiều bà con nông dân đã có ý thức hơn trong việc sên vét kênh mương để tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Ðặc biệt, với sự chỉ đạo kỳ quyết của các cấp chính quyền và ngành chuyên môn, vụ lúa đông xuân năm nay bà con nông dân huyện trúng đậm cả về năng suất và giá cả. Theo thống kê, năng suất ước đạt 5,39 tấn/ha, giá lúa đang dao động từ 6.500-7.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.

Ông Tuấn cho biết thêm, lịch thời vụ đông xuân năm nay, trên địa bàn huyện chia ra 3-4 đợt xuống giống theo từng khu vực nên không xảy ra tình trạng thiếu nước như nhiều năm trước. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai thi công nạo vét nhiều công trình thuỷ lợi, đang triển khai thi công 4 đập thép và 5 trạm bơm di động để khép kín các ô thuỷ lợi nhỏ khoảng 200-300 ha/ô. Qua thực tế ô thuỷ lợi ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Ðông sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu rất hiệu quả, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.

Ðể bảo vệ sản xuất vùng ngọt, Sở NN&PTNT xây dựng phương án phòng chống hạn mặn, đồng thời đưa ra một số biện pháp tăng cường giám sát hạn mặn, xây dựng khung thời vụ sản xuất trong điều kiện hạn, mặn trên tất cả các loại cây trồng, vật nuôi. Ðặc biệt, đối với cây lúa, dễ bị thiệt hại ở giai đoạn lúa trổ, chín và đối với rau màu, cây ăn trái, hướng dẫn người dân theo dõi chặt chẽ và có kế hoạch trữ nước ngọt trong mương vườn để tưới nhằm giảm thiệt hại do hạn mặn.

Nguy cơ xâm nhập mặn

Do nằm sát biển, vùng ngọt hoá của tỉnh Cà Mau đang đứng trước nguy cơ bị xâm nhập mặn. Sự việc rò rỉ nước mặn trực tiếp qua cống thuỷ lợi mới đây càng làm cho sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời Duy Quốc Tuấn nhận định, hiện nay mực nước trong vùng ngọt còn rất nhiều, đủ sức phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân; tuy nhiên, về lâu dài, vấn đề có đủ nước ngọt phục vụ cho toàn mùa khô thì chưa dám khẳng định. Bởi nguy cơ xâm nhập mặn vào vùng ngọt qua cống Trùm Thuật A vẫn có thể xảy ra, do con đập tạm ngăn mặn bên trong cống đã xuống cấp. Ðặc biệt, vào những tháng cuối năm, thuỷ triều ngoài biển thường dâng cao, trong khi nước trong nội đồng lại rút nhanh nên nhiễm mặn là điều khó tránh.

Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt dọc tuyến đê Sông Ðốc trên địa bàn huyện Trần Văn Thời được thiết kế theo công nghệ cống vùng thuỷ triều thấp, không có chân khai hai đầu, nên khi nước mặn bên ngoài lên cao, chênh lệch mực nước, gây áp lực làm xói lở phần dưới đáy cống. Vị trí xói lở ngày càng khoét rộng hơn phía dưới bản đáy cống gây nên tình trạng mặn xâm nhập vào vùng ngọt.

Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, người dân ấp Trùm Thuật A (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Sau 1 năm, sự cố xói lở bản đáy cống Trùm Thuật A vẫn chưa được khắc phục. Trong khi đó, con đập tạm bên trong quá nhỏ so với áp lực lớn về sự chênh lệch mực nước bên trong và bên ngoài vùng ngọt. Nguy cơ vỡ đập có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Ông Kiệt nhớ lại sự cố vào năm ngoái, khoảng 22 giờ ngày 14/1/2020, nước mặn từ sông Ông Ðốc chảy luồn qua đáy cống Trùm Thuật, tiến vào nhiều con kênh vùng nước ngọt của xã Khánh Hải. Cá vùng nước ngọt bị sốc nước mặn, nổi đầu hàng loạt. Người dân phát hiện nên hè nhau đi vớt cá đồng dưới kênh, mỗi người bán cả triệu đồng, ước có hàng chục tấn cá. “Từ đó đến nay, sản xuất nông nghiệp của người dân luôn gặp khó khăn do không xổ được phèn, mặn. Bình thường hàng năm, diện tích lúa hè thu của người dân xã Khánh Hải khi xuống giống đều phát triển tốt, tuy nhiên, năm nay hàng trăm héc-ta lúa đã bị thiệt hại, nhiều diện tích chết trắng”, ông Kiệt nói.

Ông Kiệt lo lắng, nếu chậm triển khai khắc phục sự cố xói lở đáy bảng cống Trùm Thuật ngày nào thì ngày nấy còn tình trạng con đập tạm gây cản trở lưu thông hàng hoá, nông sản trong vùng mất giá so với khu vực khác, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Thực tế cho thấy, hệ thống cống của vùng ngọt dù được đầu tư khá nhiều nhưng lại chưa có quy trình vận hành cụ thể, nước mặn vào ra thường xuyên, kể cả trong mùa mưa nên không đảm bảo tháo úng, xổ phèn, ngăn mặn, giữ ngọt vào mùa khô. Trong khi đó, hệ thống đê bao trong vùng hiện nay hầu như không có, chỉ có các tuyến lộ chính đóng vai trò là bờ bao. Tuy nhiên, hệ thống bờ bao trên các sông trục hiện nay đã không còn đủ cao, vào mùa mưa thường bị tràn và ngập úng trong thời gian dài./.

 

Trung Ðỉnh