Xuất khẩu sầu riêng 9 tháng năm 2024 thu về 2,5 tỷ USD. Ảnh: Nguyên Phương |
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản tháng 9/2024 đạt 5,85 tỷ USD, tăng 31% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng, nên kim ngạch XK tăng, đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%.
Nông lâm thủy sản xuất siêu hơn 13 tỷ USDTheo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 46,28 tỷ USD, nhập khẩu 32,42 tỷ USD, xuất siêu 13,86 tỷ USD, tăng 71,2%. |
Đặc biệt, kim ngạch XK các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước. Nổi lên trong các mặt hàng nông sản XK 9 tháng đầu năm là XK gỗ và lâm sản đạt hơn 12,4 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Tiếp theo là rau quả, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, XK rau quả của Việt Nam tiếp tục xác lập con số kỷ lục trong 9 tháng qua khi đã vượt mốc 5,6 tỷ USD, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước. XK rau quả 9 tháng năm 2024 đã bằng kim ngạch của cả năm 2023 và sẽ tăng mạnh trong quý cuối của năm nay. Dự báo XK rau quả nhiều khả năng vượt mốc 6 tỷ USD.
Một mặt hàng nông sản đạt giá trị “khủng” khác, đó là cà phê. Trong 9 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,1 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch hơn 4 tỷ USD. Dù giảm số lượng nhưng trị giá kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 9 tháng lại tăng 30%.
Cùng với đó là mặt hàng gạo XK đạt 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng XK đã vượt 7 triệu tấn, tăng 9,2%... Với các đơn hàng đã ký, dự tính trong quý IV/2024, cần đến hơn 2 triệu tấn gạo cho xuất khẩu, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu dự tính lên hơn 9 triệu tấn.
Phân tích về thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết thêm, Hoa Kỳ vươn lên dẫn đầu với kim ngạch đạt 9,72 tỷ USD, chiếm 21% thị phần trong tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam; đứng thứ hai là Trung Quốc với kim ngạch đạt 9,26 tỷ USD, chiếm 20%; Nhật Bản là thị trường lớn đứng thứ ba với hơn 3 tỷ USD, chiếm thị phần 6,6%. So với cùng kỳ năm 2023, giá trị XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang ba thị trường này đều tăng từ 10-20%.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, việc phê duyệt và triển khai các đề án thúc đẩy XK nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu... từ cuối năm 2023, kết hợp triển khai các giải pháp mở cửa thị trường, tìm kiếm, ký kết các đơn hàng mới trong năm 2024 đã mang lại kết quả tích cực, tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản tăng 21%, duy trì xuất siêu trung bình mỗi tháng trên 1,5 tỷ USD.
Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận, ngành NN&PTNT đang nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2024 mà Chính phủ đã giao nhưng những thách thức vẫn còn hiện hữu trong những tháng cuối năm, khi mưa bão, thiên tai đã gây thiệt hại, nguồn nguyên liệu sụt giảm, và giá cước vận tải biển tiếp tục tăng cao.
Mặc dù là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng việc quy hoạch sản xuất, dự báo thị trường với ngành nông sản vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều sản phẩm tăng trưởng nóng, chưa có quy định ràng buộc sản xuất, chỉ dừng lại ở khuyến cáo, khuyến nghị… Điều này đặt ra yêu cầu phải tìm giải pháp để giữ vững sức tăng trưởng như đã đạt được.
Bộ NN&PTNT cũng nhận định, XK nông, lâm, thủy sản nếu giữ được đà tăng trưởng như 3 quý đầu năm 2024, có thể kỳ vọng đạt mốc 55 tỷ USD vào cuối năm nay.
Ông Phùng Đức Tiến lý giải, thời điểm tháng 11 và 12 của quý IV sẽ là thời điểm ngành Nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng do nhu cầu thị trường cao hơn. Nếu như quý I và quý II năm nay, các lô nông sản lưu kho ít nhất 1-2 tháng, thì bước vào đầu quý IV, các sản phẩm chỉ lưu 1-3 tuần sẽ được xuất kho. Điều này cho thấy thị trường XK đang khá khởi sắc vào các tháng cuối năm. Hơn nữa, quý 4 là thời điểm có nhiều lễ hội, do đó các nước sẽ tăng cường nhập khẩu nông sản từ Việt Nam. Việc chủ động nguyên liệu, tăng cường chế biến sâu và chinh phục được nhiều thị trường… sẽ giúp ngành nông sản nước ta tiếp tục xác lập các con số kỷ lục về XK.
Để thúc đẩy XK trong những tháng cuối năm, ông Phùng Đức Tiến cho hay, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tận dụng các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam để đẩy mạnh XK hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng XK mới; phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm XK tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ cũng quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, mở cửa các thị trường mới cho nông sản Việt (các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Châu Phi...), ngay cả đối với các thị trường khó tính; phối hợp đẩy mạnh đàm phán để đa dạng hóa hàng nông sản được XK chính ngạch sang nhiều thị trường
Cũng theo Bộ NN&PTNT, nhằm phục vụ cho XK, các địa phương đã thiết lập và cấp 7.639 mã số vùng trồng tại 56 tỉnh và 1.557 mã số cơ sở đóng gói được phép XK sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Điều này cũng góp phần định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam./.