Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại phiên họp Cấp cao ĐHĐ LHQ kỷ niệm 75 năm thành lập | |
Liên hợp quốc ra tuyên bố nhân kỷ niệm 75 năm thành lập | |
ASEAN và 6 đối tác sẽ sớm khôi phục cơ chế thương mại đa phương |
Phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ |
LHQ kỷ niệm 75 năm thành lập trong bối cảnh thế giới đang trong tình trạng hỗn loạn. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đến nay đã khiến gần 1 triệu người thiệt mạng và chưa nước nào trên thế giới có thể ngăn chặn được dịch bệnh này. Kinh tế thế giới đang trải qua đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ thời Đại suy thoái của những năm 1930. Các thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng, từ lũ lụt cho đến cháy rừng, đang diễn ra ở nhiều nước...
Trong tuyên bố nhân kỷ niệm 75 năm thành lập, LHQ khẳng định các thách thức của thế giới đều liên quan mật thiết với nhau và chỉ có thể được giải quyết thông qua hệ thống đa phương mạnh mẽ hơn nhằm hướng tới xây dựng một thế giới công bằng và bền vững hơn.
Tuyên bố nêu rõ đại dịch Covid-19, thách thức toàn cầu lớn nhất trong lịch sử LHQ, không chỉ gây nên sự chết chóc mà còn khiến cả thế giới rơi vào suy thoái kinh tế, gia tăng tình trạng đói nghèo, bất an và không có ai không bị ảnh hưởng. Nhưng chính đại dịch cũng nhắc nhở tất cả nhân loại rằng mọi người đều kết nối với nhau, có tác động tương hỗ tới nhau và vì vậy, cần đoàn kết để vượt qua đại dịch và xây dựng năng lực đối phó với nhiều thách thức hơn nữa trong tương lai.
Tuyên bố khẳng định sự cần thiết của chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh nhân loại đang vươn tới một thế giới bình đẳng hơn và phát triển bền vững hơn. Thế giới cần học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cũng như thông tin nhằm giảm thiểu rủi ro và khiến các hệ thống xã hội thích nghi tốt hơn với những thách thức, bất trắc. Mặt khác, cần nhanh chóng phát triển và sản xuất các loại vaccine mới, thuốc men và trang thiết bị y tế cần thiết, cũng như đảm bảo mọi người dân trên thế giới đều có quyền tiếp cận những loại thuốc và trang thiết bị này.
Bên cạnh đó, tuyên bố của LHQ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công nghệ kỹ thuật số bởi đây là yếu tố thiết yếu để có thể đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030 mà LHQ đã đề ra.
Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng bày tỏ lấy làm tiếc không có đủ giải pháp đa phương cho những thách thức toàn cầu. Ông khẳng định các nước cần hợp tác với nhau và thế giới cần có hệ thống đa phương mà ở đó, LHQ cùng các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức khu vực và tổ chức thương mại hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với nhau. Ông nhấn mạnh thế giới cần có hệ thống đa phương bao trùm, không chỉ dựa trên xã hội dân sự, các doanh nghiệp, chính phủ mà cả giới trẻ trên toàn cầu.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Xã hội LHQ (ECOSOC) Munir Akram cho biết thế giới đang đứng trước thách thức 3 trong 1 gồm khôi phục từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững và ngăn ngừa thảm họa khí hậu, đòi hỏi sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ.
Theo ông Munir Akram, đại dịch Covid-19 đã phơi bày thực tế bất bình đẳng giữa và ngay trong các quốc gia, và những nước nghèo nhất càng phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, những quốc gia giàu có hơn đã huy động được 11.000 tỷ USD, trong khi các nước đang phát triển vẫn đang chật vật tìm kiếm thậm chí một phần rất nhỏ các nguồn lực mà họ cần. Do đó, để giải quyết những thách thức nêu trên đòi hỏi quyết tâm và hành động tập thể. Ông Akram cũng lưu ý cần phải đảm bảo vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, một khi được phát triển thành công, sẽ được cung cấp cho tất cả mọi người dân ở mọi nơi với giá cả phải chăng, không có sự phân biệt đối xử. Điều này đòi hỏi sự hợp tác quốc tế ở cấp độ "chưa từng có", và sự hợp tác như vậy chỉ có thể được thúc đẩy bên trong LHQ, cũng như các cơ quan của tổ chức này.