DN phản ánh quy định mới làm ách tắc hàng hóa NK; nhưng cơ quan soạn thảo cũng có cái lý của mình, việc quy định chặt chẽ đối với hàng hóa NK chưa được thông quan do liên quan đến quy định về kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm là cần thiết. Tuy nhiên, với những trường hợp đặc thù, cơ quan Hải quan có cơ sở quản lý, DN vẫn được tạo thuận lợi.
Trở lại vấn đề cách đây gần nửa năm, cơ quan Hải quan đã lên tiếng cảnh báo đã phát hiện hàng trăm lô hàng NK qua cửa khẩu cảng Sài Gòn thuộc chủng loại hàng hóa phải kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng DN không nộp kết quả kiểm tra hoặc tự ý đưa ra thị trường tiêu thụ khi chưa có kết quả kiểm tra. Hiện tượng trên dẫn đến thực tế không tránh khỏi, đó là việc người tiêu dùng đã phải sử dụng những mặt hàng là thực phẩm, thuốc, hàng tiêu dùng… không đảm bảo chất lượng.
Lấy ví dụ một địa bàn có lưu lượng hàng hóa XNK lớn trên cả nước như TP. HCM. Sau khi thống kế tình hình chấp hành pháp luật của DN được phép đưa hàng NK về bảo quản, Cục Hải quan TP.HCM cho biết, trong số gần 600 DN đang bị đưa vào danh sách vi phạm không nộp kết quả kiểm tra chất lượng cho cơ quan Hải quan, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là hàng tiêu dùng, thực phẩm….
Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng, trong 44 vụ NK hàng hóa cơ quan Hải quan phát hiện vi phạm, thì có đến 20 vụ vi phạm do hàng hóa DN NK không đạt chất lượng và không phù hợp với tiêu chuẩn, kĩ thuật. Trong đó, có 2 vụ DN NK hàng không đạt chất lượng nhưng đã tự ý đưa hàng ra thị trường tiêu thụ ngay sau khi hàng hóa được tạm giải tỏa, mang về bảo quản.
Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Ngô Minh Hải cho rằng, một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng DN tự ý đưa hàng NK ra tiêu thụ khi chưa có kết quả kiểm tra chuyên ngành, hoặc tẩu tán hàng hóa để trốn tránh phải kiểm tra chuyên ngành, không nộp cho cơ quan Hải quan giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành theo đúng quy định một phần là do chưa có quy định cụ thể. Đó là quy định cơ quan chức năng nào có trách nhiệm theo dõi, giám sát hàng hóa NK sau khi làm thủ tục hải quan được đưa về địa điểm kiểm tra nằm ngoài khu vực kiểm soát hải quan để bảo quản chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành.
Cơ quan quản lý chuyên ngành thì cho phép DN được mang hàng về nơi kiểm tra, nhưng lại chưa có quy định cơ quan chức năng theo dõi, giám sát hàng hóa trong suốt quá trình từ lúc được mang vào nội địa, tại nơi kiểm tra, đưa ra khỏi nơi kiểm tra. Đến khi lô hàng có kết luận kiểm tra không đạt yêu cầu NK thì không còn hàng hóa để xử lý.
Chính vì vậy, theo ông Ngô Minh Hải cần có quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm phải theo dõi, giám sát hàng hóa trong quá trình đưa hàng về bảo quản chờ kiểm tra, hoặc chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành.
Khi Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 194/2010/TT-BTC, tức Thông tư 128/2013/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 1-11, Ban soạn thảo chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý hải quan đã xảy ra tình trạng trốn thuế hoặc dễ dẫn đến lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó có quy định kiểm tra, giám sát hàng hóa phải có giấy phép chuyên ngành.
Theo đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã bổ sung quy định hàng hóa NK chỉ được đưa về bảo quản tại các địa điểm nếu đáp ứng các điều kiện giám sát hải quan. Quy định này nhằm đảm bảo hàng hóa phải chịu sự giám sát hải quan từ khi hàng đến cửa khẩu đến khi thông quan. Tránh tình trạng hàng hóa sau khi đưa về bảo quản, DN tự ý đưa vào tiêu thụ trước khi có kết quả kiểm tra hoặc DN không chịu nộp kết quả kiểm tra hoặc kết quả kiểm tra không đạt điêu kiện NK, nhưng DN đã đưa hàng đi tiêu thụ dẫn đến không thể xử lý được và ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy nhiên, do chưa có sự phối hợp chặt chẽ và nhanh chóng của các cơ quan quản lý chuyên ngành, nên khi quy định được ban hành đã gây ra những khó khăn cho DN. Đặc biệt là với những loại hàng hóa buộc phải trải qua nhiều quy trình kiểm tra để có được kết quả kiểm tra chuyên ngành, hàng hóa phải bảo quản trong điều kiện đặc biệt, hàng cồng kềnh như: mặt hàng ô tô, vắc xin, thức ăn chăn nuôi…
Trước mắt để tạo thuận lợi cho DN, Bộ Tài chính đã cho phép một số nhóm hàng đặc thù được đưa về địa điểm kiểm tra chuyên ngành hoặc kho, bãi của DN để kiểm tra chuyên ngành và bảo quản chờ kết quả kiểm tra nếu đáp ứng điều kiện giám sát hải quan như: Hàng phải bảo quản đặc biệt (vắc xin, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế); Hàng rời, cồng kềnh (thức ăn chăn nuôi, phân bón, muối); Hàng là nguyên liệu phục vụ sản xuất; máy móc thiết bị, máy chuyên dùng; Nhóm hàng khác (nếu có), do Tổng cục Hải quan hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành đề nghị.
Tuy nhiên, với hàng tiêu dùng NK (trừ ô tô và xe gắn máy), DN vẫn thực hiện thủ tục đưa hàng về bảo quan theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27 Thông tư 128.
Bên cạnh đó, dự kiến ngày 12-11, Tổng cục Hải quan sẽ làm việc với một số bộ, ngành gồm: Công an, Quốc phòng, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ để thống nhất các biện pháp phối hợp giám sát, quản lý hàng hóa NK đưa về bảo quản chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành.
Châu Anh