VHO - Tỉnh Sóc Trăng đã và đang tổ chức nhiều lớp truyền dạy di sản văn hóa truyền thống cho đồng bào,ócTrăngpháthuygiátrịvănhóatruyềnthốkết quả nurnberg từ đó, lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận…
Đầu tháng 11, Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng phối hợp UBND xã Phú Tân, huyện Châu Thành tổ chức tập huấn truyền dạy nghệ thuật múa Rom Vong, trình diễn trang phục truyền thống, nghề quết cốm dẹp của đồng bào dân tộc Khmer. Hoạt động nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 1036/KH-SVHTTDL của Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng về việc thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” năm 2024.
Lớp truyền dạy tập trung hướng dẫn, thực hành nghệ thuật trình diễn múa Rom Vong, trình diễn trang phục dân tộc Khmer phục vụ khách du lịch, hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện, đạo cụ, dụng cụ thực hành; truyền dạy và hướng dẫn thao tác, kỹ thuật quết cốm dẹp, hỗ trợ nguyên liệu, thực phẩm, vật dụng để thực hành quết cốm dẹp.
Ông Sơn Pô, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Khmer và hình thành những sản phẩm hấp dẫn phục vụ phát triển du lịch, Sở tổ chức các lớp truyền dạy nhằm đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp cho anh, chị người dân tộc Khmer hiểu thêm kiến thức cơ bản về loại hình di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc mình. Thông qua công tác truyền dạy nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, phục vụ phát triển du lịch, tạo cơ hội việc làm ổn định cho người dân địa phương”.
Trước đó, vào giữa tháng 10, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành các lớp truyền dạy Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm” cho 80 học viên, là các nhạc công, diễn viên đang sinh hoạt tại các CLB văn hóa văn nghệ, các chùa Khmer trong tỉnh.
Cũng trong tháng 10, tại Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia chùa Mahatup (chùa Dơi), Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng phối hợp UBND TP Sóc Trăng và Ban quản trị chùa Mahatup, phát động triển khai mô hình xanh - sạch - đẹp tại điểm du lịch thuộc Di tích chùa Mahatup. Hoạt động góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển du lịch tỉnh và tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách khi đến Sóc Trăng.
Bà Dương Thị Ngọc Diễm, Phó Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng chia sẻ, hoạt động nhằm thực hiện Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh Sóc Trăng về phê duyệt Đề án tổng thể phát du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 “có 80% các khu, điểm du lịch đạt môi trường tự nhiên xanh - sạch - đẹp; 100% khu, điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt chuẩn”.
Đối với việc triển khai Dự án 6, từ năm 2022 đến nay, ngành VHTTDL Sóc Trăng đã tổ chức 5 cuộc khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc. Tổ chức bảo tồn 5 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc; hỗ trợ nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận…
Bên cạnh đó, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc; chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện hỗ trợ tủ sách, trang thiết bị văn hóa, thể thao cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổng kinh phí thực hiện từ năm 2022 đến nay trên 24 tỉ đồng.