>> Khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII
Chiều 24/6, trong khuôn khổ Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề: “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham dự sự kiện này.
Phát biểu tại đại hội, Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp giữa Chính phủ với công đoàn Việt Nam. Những năm qua, thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), các cấp công đoàn Việt Nam đã có nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động với các nội dung hoạt động thiết thực, hiệu quả, khẳng định sự đồng hành với Chính phủ và chính quyền các cấp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chia sẻ thông tin khái quát về năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước, Thủ tướng cho rằng nói đến năng lực cạnh tranh quốc gia là tổng hợp các yếu tố: thể chế, chính sách, năng lực vận hành nền kinh tế và các nhân tố quyết định mức độ hiệu quả, năng suất trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, mang lại sự thịnh vượng bền vững cho quốc gia.
Trong khi đó, phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
Từ những điều này, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, đi thẳng vào chủ đề, nêu rõ các giải pháp, gợi mở cho Chính phủ những ý tưởng, sáng kiến, cách làm để cả nước cùng nỗ lực, chung tay nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.
Tại đại hội, nhiều vấn đề “nóng” liên quan trực tiếp đến đời sống, phúc lợi của người lao động, cũng như làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được các đại biểu đề xuất với Thủ tướng. Trong đó, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề nhà ở cho người lao động.
Nói đến vấn đề nhà ở cho công nhân, đại biểu Nguyễn Văn Thắng – Công đoàn Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai thừa nhận, vấn đề nhà ở cho người nghèo, người có công đã được giải quyết rất tốt, song nhà ở công nhân vẫn còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, nhiều tỉnh, đặc biệt tại các thành phố lớn còn khó khăn trong bố trí quỹ đất để xây dựng các thiết chế công đoàn.
Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nhà ở cho công nhân lao động hiện nay còn nhiều khó khăn, trong khi vấn đề giải quyết nhu cầu về nhà ở của người có công, người nghèo đã được thực hiện rất tốt theo Hiến pháp và Luật Nhà ở. Cụ thể, đến nay đã cơ bản giải quyết xong vấn đề nhà ở cho người nghèo. Riêng nhà ở cho người có công, đến năm 2018, tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ là quyết tâm hoàn thành.
Tuy nhiên, đối với vấn đề nhà ở cho công nhân, ông Lợi cho rằng, dù trong đề án của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở của công nhân đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được 50.000 ngôi nhà cho công nhân lao động, song đến nay mới đạt hơn 10%.
Từ thực tế này, ông Lợi đề xuất Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội có gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng như trước đây để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân. Theo ông Lợi, giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động chính là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Giải đáp những băn khoăn của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương tiếp tục hỗ trợ quỹ đất đai để xây dựng các thiết chế công đoàn. Theo Thủ tướng, dù để hỗ trợ được gói 30 nghìn tỷ đồng như đề xuất của các đại biểu là khó có thể huy động được, song Thủ tướng cho biết, sẽ đề nghị vấn đề này lên Quốc hội, có thể dành một phần trong nguồn vốn đầu tư công để hỗ trợ việc xây nhà ở cho công nhân lao động. Mặc dù vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, để giải quyết được vấn đề này thì điều quan trọng là cần huy động nhiều nguồn lực trong xã hội./.
Mai Đan