Khi DN có vướng mắc “cầu cứu” cơ quan Thuế giải đáp nhưng nhiều khi vẫn mỏi mòn chờ đợi. Việc hoàn thuế còn phức tạp và chậm... Đây là những khó khăn của không ít DN đang gặp phải.
DN cần sự đồng hành trọn vẹn
Thời gian qua,Đểcảicáchthuếđivàothựcchấvdqg duc không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành Thuế đối với công tác cải cách hành chính, nhằm tạo thuận lợi, phục vụ nhanh yêu cầu của người nộp thuế. Trong đó, đáng chú ý là việc kéo giảm số giờ nộp thuế từ hơn 500 giờ trong năm 2014 xuống còn 171 giờ trong năm 2015. Nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong khai, nộp thuế đã được tích cực triển khai. Tuy vậy, điểm qua một số Hội nghị đối thoại với DN tại địa bàn lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thời gian qua cho thấy, trung bình mỗi kỳ đối thoại cũng tiếp nhận trên dưới 150 câu hỏi của DN liên quan đến những vướng mắc trong việc chấp hành các chính sách thuế.
Cách đây không lâu, đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam đã “tố khổ” với lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội về sự chậm trễ trong việc trả lời công văn giải đáp vướng mắc cho DN. Trong khi đó, không nhận được công văn trả lời, DN kê khai theo cách hiểu của mình, sau này phát hiện sai sẽ bị truy thu rồi phạt. Nếu chờ kết quả trả lời, DN kê khai chậm cũng bị phạt.
“Công việc liên quan đến thuế ngày càng nhiều và phức tạp, nếu DN không hiểu sẽ rất khó đáp ứng được. Thực tế, cán bộ ngành Thuế mong muốn DN không vi phạm về thuế, còn DN cũng muốn thực hiện vấn đề này nhanh, công bằng và rõ ràng. Điều mà các DN có vốn đầu tư nước ngoài quan tâm hàng đầu là việc đóng các khoản thuế đó có đúng hay không bởi họ rất sợ việc đóng thuế sai rồi bị phạt và truy thu. Số tiền đó không lớn nhưng ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và quá trình chấp hành chính sách của DN” - đại diện Canon Việt Nam giãi bày.
Kế toán trưởng Công ty hệ thống thông tin FPT - bà Ngô Thị Minh Huệ bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới chính sách thuế cần ổn định hơn, trường hợp buộc phải sửa đổi, cơ quan Thuế cần thông báo sớm và có các ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ đi kèm để DN có thời gian chuẩn bị và thích nghi. Mặt khác, để hỗ trợ DN nhiều hơn nữa, cơ quan Thuế mở rộng diện DN được sử dụng hóa đơn điện tử nhằm giảm áp lực phải lưu trữ hồ sơ, hóa đơn chứng từ. Bởi theo quy định, hóa đơn phải lưu trữ trong 10 năm, nhưng trong quãng thời gian đó, hóa đơn giấy lưu kho thường bị hỏng, gây khó khăn cho DN, trong khi nếu áp dụng hóa đơn điện tử còn giúp DN loại bỏ được hóa đơn gian lận, hóa đơn của DN “ma”.
Đại diện Công ty TNHH xây dựng Seog Woo Việt Nam, Giám đốc tài chính Ngô Thị Thu Hòa kiến nghị, hiện nay phần mềm hỗ trợ kê khai thuế và quản lý công nợ chưa có chức năng quản lý công nợ quá hạn dẫn đến DN và cơ quan Thuế phải mất nhiều thời gian đối chiếu. Do đó, ngành Thuế nên nghiên cứu hoàn thiện phần mềm ứng dụng để tạo thuận lợi cho DN cũng như công tác quản lý kê khai thuế; đồng thời xây dựng văn bản hướng dẫn chính sách thuế ngắn gọn dễ hiểu, để cộng đồng DN dễ theo dõi và thực thi.
Còn theo TS. Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thời gian qua có nhiều văn bản sửa đổi, bổ sung, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, dẫn tới có nhiều văn bản quy định về cùng một vấn đề, người nộp thuế và cán bộ thuế phải tra cứu rất phức tạp. Có một số trường hợp văn bản có liên quan chưa được rà soát, điều chỉnh đồng bộ với văn bản có sửa đổi, gây mâu thuẫn trong thực thi. Vì vậy, cần có dự án đồng bộ hóa các sửa đổi, điều chỉnh về thuế để thuận tiện trong việc tra cứu và tuân thủ. Bên cạnh đó, ngành Thuế phải tập trung cải cách bộ máy quản lý theo hướng chức năng, nhiệm vụ cá nhân phải được phân định rõ ràng, cơ chế cá nhân chịu trách nhiệm thì tiến trình cải cách mới chạy thông suốt được.
Cải cách sẽ không ở những con số
Cam kết với cộng đồng DN, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, Cục Thuế Hà Nội luôn đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành cơ quan Thuế hiện đại, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả; thân thiện với các tổ chức, cá nhân, người nộp thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN nộp thuế. Do vậy, lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội luôn quán triệt tinh thần trả lời các vướng mắc của DN sớm hơn so với quy định. Tuy nhiên, có nhiều kiến nghị, vướng mắc cần phải xin ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên đã dẫn tới thời gian trả lời cho DN bị chậm. Để mỗi một sắc thuế sẽ có 1 văn bản hướng dẫn, Cục Thuế Hà Nội sẽ tổng hợp báo cáo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để xây dựng Thông tư hợp nhất để cho DN dễ dàng vận dụng chính sách”- ông Hà Minh Hải cho biết.
Mặt khác, nhằm hỗ trợ các giao dịch của người nộp thuế với cơ quan Thuế, thời gian qua ngành Thuế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hầu hết các giao dịch. Cơ quan Thuế còn tập trung vào công tác phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện các thủ tục về đăng ký, kê khai và nộp thuế. Tính đến tháng 6-2015, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63 Cục Thuế, với trên 98% số DN tham gia. Hệ thống nộp thuế điện tử đã hoàn thành triển khai mở rộng tại 63 Cục Thuế và 20 hệ thống ngân hàng thương mại với số lượng 131.314 DN (đạt tỷ lệ 30% số DN đang hoạt động); số tiền thuế đã nộp vào ngân sách qua hệ thống nộp thuế điện tử là trên 25.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cơ quan Thuế các cấp đẩy nhanh việc rà soát các thủ tục hành chính cản trở cải cách hệ thống thuế. Tính đến nay đã thực hiện rà soát, đơn giản hóa và đề xuất cắt giảm (bãi bỏ) 77/443 thủ tục hành chính (TTHC) thuế, trong đó có 12 thủ tục liên quan đến nhóm TTHC giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; 14 thủ tục quy định tại các Thông tư số 170/2011/TT-BTC, Thông tư số 52/2011/TT-BTC và Thông tư số 58/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính; 34 thủ tục liên quan đến nhóm TTHC về hóa đơn, biên lai, tem rượu và 17 TTHC thuế khác… Tổng cục Thuế đã rà soát đối với 70 quy trình, quy chế (có 60 quy trình, quy chế hiện có và 10 quy trình, quy chế đang xây dựng mới lần đầu), trong đó có 30 quy trình, quy chế liên quan trực tiếp đến người nộp thuế.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, nhằm cụ thể hóa yêu cầu của Chính phủ về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đối với công tác kiểm tra, thanh tra thuế, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục Thuế địa phương thực hiện thanh, kiểm tra DN trên cơ sở rủi ro về thuế. Theo đó, với DN không có rủi ro thì cơ quan Thuế không được kiểm tra, thanh tra về thuế (trừ những trường hợp chia tách, sáp nhập, giải thể, phá sản, cổ phần hóa,...). Các trường hợp quyết định kiểm tra trực tiếp tại trụ sở người nộp thuế thì không ra thông báo yêu cầu giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu... Hiện Tổng cục Thuế đang xây dựng và triển khai các ứng dụng kiểm tra hồ sơ khai thuế GTGT và hồ sơ khai thuế của DN để đảm bảo kiểm tra đúng và trúng, ngăn ngừa gian lận thuế.
“Việc đổi mới, nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ công chức thuế là yêu cầu cần thiết, cấp bách của việc cải cách hành chính thuế. Theo đó, phải xây dựng chế độ trách nhiệm cụ thể đối với từng vị trí công tác, xây dựng thái độ phục vụ của công chức thuế. Thực hiện nghiêm minh kỷ cương, kỷ luật của ngành Tài chính. Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cơ quan Thuế”- Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam cam kết.
Để đạt yêu cầu của Chính phủ về việc giảm số giờ nộp thuế đối với người nộp thuế xuống còn 121,5 giờ trong năm 2015, Tổng cục Thuế đang triển khai các giải pháp sửa đổi chính sách và quản lý thuế như: Trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27-2-2015 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12-2-2015 quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế GTGT, hóa đơn, thuế tài nguyên và quản lý thuế. Qua đó, việc sửa đổi các TTHC thuế đã giảm thêm 10 giờ của DN liên quan đến kê khai hoá đơn và kê khai, khấu trừ thuế GTGT. Tương tự, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư về thuế Thu nhập DN và theo tính toán sẽ giảm thêm được trên 30 giờ cho người nộp thuế. Ngoài ra, triển khai thực hiện ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) tại các cục thuế và mở rộng áp dụng nộp thuế điện tử đối với các DN trên toàn quốc sẽ góp phần giảm số giờ khai, nộp thuế. |