Thu hẹp hoạt động
Thông tư 226 quy định, CTCK phải có nguồn bổ sung nếu tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 180%. Nếu tỷ lệ này dao động từ 120 đến 150% trong 3 tháng liên tiếp, CTCK sẽ rơi vào diện bị kiểm soát. Nếu dưới 120% hoặc không khắc phục trong vòng 12 tháng sẽ đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. |
Công ty Chứng khoán SME (SME) cũng vừa công bố thông tin bất thường về việc tạm dừng hoạt động môi giới, đóng cửa chi nhánh TP.HCM và ngừng hoạt động lưu ký chứng khoán. Cụ thể, SME tạm dừng nghiệp vụ môi giới chứng khoán từ 1-3-2012 đến hết 31-8-2012. SME cũng đã nhận được quyết định của UBCKNN về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán.
Không chỉ có hai trường hợp CTCK kể trên phải thu hẹp nghiệp vụ chứng khoán mà còn có một số CTCK khác như: Gia Anh, Đông Đương, Hà Nội và Trường Sơn đã xin rút nghiệp vụ môi giới. Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCKNN cho biết, định hướng của UBCKNN trong quá trình tái cấu trúc các CTCK cũng là khuyến khích các CTCK tự nguyện từ bỏ những nghiệp vụ mà đối với họ không có hiệu quả kinh tế.
Giải pháp mạnh
Theo số liệu tự khai của các CTCK, hiện có 12 công ty không đáp ứng được điều kiện của Thông tư số 226/2010/TT-BTC ngày 31-12-2010 của Bộ Tài chính quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Các công ty này đang đứng trước nguy cơ bị kiểm soát đặc biệt kể từ 1-4-2012. Theo ông Phạm Hồng Sơn, 12 công ty này có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 180%. Theo quy định tại Thông tư 226, mức vốn này nằm dưới ngưỡng cho phép, thậm chí có công ty còn có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 120%, mức vốn khiến công ty có thể bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Theo các chuyên gia chứng khoán, thực tế các CTCK vẫn còn thời gian để cải thiện tình trạng vì Thông tư 226 chỉ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4-2012 và sau 6 tháng, các DN vi phạm các tỷ lệ an toàn mới bị xử lý. Tuy nhiên, trong công cuộc tái cấu trúc thị trường chứng khoán, các CTCK cũng nên tự rà soát lại hoạt động của mình để tái cấu trúc công ty gọn nhẹ, hiệu quả hơn. Đại diện UBCKNN cũng cho biết, Ủy ban vẫn yêu cầu các công ty báo cáo thường xuyên thực trạng vốn khả dụng của mình.
Các bước tiếp theo trong lộ trình tái cấu trúc CTCK cũng đã được UBCKNN hé lộ. Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, các CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro từ 120 đến 150% và có lỗ lũy kế từ 30 đến 50% vốn điều lệ sẽ bị đặt vào tình trạng kiểm soát và phải áp dụng các biện pháp khắc phục như tăng vốn điều lệ, cơ cấu lại danh mục đầu tư, giảm chi phí hoạt động và thực hiện hợp nhất, sáp nhập.
Đối với các CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 120% và có lỗ lũy kế từ trên 50% vốn điều lệ, UBCKNN sẽ yêu cầu công ty soát xét tình hình tài chính, đầu tư, công nợ. UBCKNN sẽ chỉ đạo các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán rút bớt nghiệp vụ môi giới của các công ty này nhằm bảo vệ khách hàng. Và nếu công ty nào không khắc phục được tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt trong thời hạn quy định sẽ bị UBCKNN đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy phép hoạt động.
UBCKNN cũng cho biết, trong năm 2012, cơ quan này sẽ thanh tra, kiểm tra trên 20 CTCK, đồng thời làm việc trực tiếp với hội đồng quản trị tất cả CTCK thua lỗ nhiều và có tỷ lệ an toàn tài chính thấp nhằm giúp các công ty trong việc tái cấu trúc cũng như xử lý nghiêm vi phạm tạo môi trường hoạt động lành mạnh trong CTCK.
Song Trân