Giải phóng mặt bằng đang là điểm nghẽn làm chậm quá trình giải ngân. Ảnh tư liệu |
Mỗi nơi mỗi khó khăn
Năm 2024, tỉnh Khánh Hòa được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) hơn 8.269 tỷ đồng. Đến hết ngày 30/6, tỉnh đã phân bổ chi tiết vốn cho các dự án được trên 7.133 tỷ đồng, còn lại hơn 1.135 tỷ đồng chưa phân bổ.
Nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức bình quânTrong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Hiện có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước. |
Đến hết tháng 6 vừa qua, toàn tỉnh giải ngân được gần 1.603 tỷ đồng, đạt gần 20% kế hoạch vốn được giao.
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Khánh Hòa, dù tỉnh đã có nhiều cố gắng ngay từ những tháng đầu năm trong thực hiện các giải pháp nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa cao. Nguyên nhân có rất nhiều như về thủ tục đầu tư (lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán…), nhưng nguyên nhân chính là nguồn vốn trái phiếu chính quyền địa phương không phát hành được, nên thiếu nguồn để đầu tư cho các dự án dùng ngân sách địa phương.
Tỉnh Quảng Ninh hiện cũng đang có tỷ lệ giải ngân rất thấp khi mới đạt 23% kế hoạch vốn được giao năm 2024, thấp hơn 3,7% so với cùng kỳ năm 2023. Rất nhiều chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp như: Hạ Long (12,5%); Cẩm Phả (2,9%); Móng Cái (16,6%); Hải Hà (16%)…
Ngoài các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân chậm của địa phương là do tính đặc thù của ĐTC, vướng mắc trong hoàn thiện thủ tục đầu tư và trong triển khai thực hiện dự án, nguyên nhân chủ yếu địa phương đang gặp phải là khó khăn về nguồn thu ngân sách địa phương đảm bảo cho chi đầu tư phát triển.
Còn tại tỉnh Quảng Nam, mặc dù cho đến hết tháng 6 vừa qua, tỉnh đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn được giao đạt 93%, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn đang chậm. Nguyên nhân chủ yếu được tỉnh chỉ ra, đó là việc không giải phóng được mặt bằng do xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn do lịch sử quản lý đất đai để lại; đơn giá bồi thường nhà ở, kiến trúc, cây trồng, vật nuôi tại một số khu vực, vị trí chưa sát với thực tế. Đặc biệt, tại một số vị trí, người dân yêu cầu mức bồi thường quá cao so với mặt bằng chung; một số địa bàn trọng điểm không đủ cán bộ địa chính… Do đó, địa phương không có quỹ đất sạch để bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Nhiều giải pháp “tiêu tiền”
Theo quy luật của việc giải ngân vốn ĐTC, những tháng cuối năm sẽ là thời điểm “vàng” để các bộ, ngành, địa phương tăng tốc, bứt phá về đích khi các dự án khởi công mới đã hoàn tất cả thủ tục, đủ điều kiện triển khai đầu tư xây dựng. Đặc biệt, các tỉnh phía Bắc chuẩn bị bước vào mùa hanh khô, rất thuận lợi cho việc xây dựng.
Tranh thủ thời điểm vàng này, tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo các cấp, ngành phải quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn ĐTC, nhất là các công trình, dự án trọng điểm được xác định phải hoàn thành trong giai đoạn 2020 – 2025. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ các dự án; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án; chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn kịp thời.
Mục tiêu của tỉnh Lạng Sơn đặt ra ngay từ đầu năm là giải ngân được 100% kế hoạch vốn được giao khi kết thúc năm ngân sách. Tuy nhiên, trong khi 6 tháng đầu năm, địa phương mới giải ngân được 1/3 số vốn được giao, 2/3 số vốn còn lại dồn vào 6 tháng cuối năm. Đây là áp lực rất lớn đối với tỉnh Lạng Sơn.
Cố gắng hoàn thành mục tiêu đặt ra, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã yêu cầu các chủ đầu tư tập trung đôn đốc các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, có khối lượng để thanh toán, nâng cao tỷ lệ giải ngân.
Đối với các dự án chuyển tiếp và các công trình sử dụng vốn chuyển nguồn từ năm 2023 sang năm 2024, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các chủ đầu tư, cơ quan quản lý dự án cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hoàn thành các dự án, giải ngân hết vốn được giao trước ngày 31/12/2024. Đối với các dự án chuyển tiếp, cần tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch bàn giao cho các chủ đầu tư, nhà thầu. Với các dự án khởi công mới cần phải quyết tâm, đẩy nhanh tiến độ, tổ chức đấu thầu, khởi công dự án để đảm bảo tiến độ đề ra.
Trước thực trạng nguồn vốn cần phải sử dụng còn lớn, trong khi công tác giải phóng mặt bằng vẫn đang là điểm nghẽn làm cho quá trình “tiêu tiền” của địa phương bị chậm, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu đơn vị. Đồng thời yêu cầu các đơn vị trực tiếp triển khai kế hoạch ĐTC phải chủ động rà soát, thông tin kịp thời, chính xác về khó khăn, vướng mắc để các cơ quan quản lý có chính sách, giải pháp nhanh, mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam đang quyết liệt yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện và chủ đầu tư tập trung nguồn lực để giải phóng mặt bằng; ưu tiên phân bổ đủ vốn để triển khai hoàn thành trước công tác giải phóng mặt bằng của các dự án, nhất là các dự án trọng điểm…
Đôn đốc thu hồi vốn tạm ứng, nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư côngTính đến hết ngày 31/1/2024, số tạm ứng quá hạn vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành, địa phương còn tương đối lớn, khoảng 7.454 tỷ đồng (trong đó: các bộ, cơ quan trung ương khoảng 1.279 tỷ đồng, các địa phương khoảng 6.175 tỷ đồng), đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Để chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả của nguồn vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện đúng các quy định hiện hành về việc tạm ứng vốn. Mức vốn tạm ứng, thời điểm tạm ứng, mức thu hồi tạm ứng từng lần, thời điểm thu hồi tạm ứng từng lần theo đúng quy định phải được ghi cụ thể trong hợp đồng và phải phù hợp với tiến độ đầu tư dự án, tiến độ thực hiện hợp đồng và khối lượng thực hiện theo từng năm. Mức vốn tạm ứng và số lần tạm ứng được phân định cụ thể theo từng năm phù hợp với tiến độ thực hiện hợp đồng trong năm tương ứng (nếu có). Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính có trách nhiệm định kỳ (6 tháng và hàng năm) đôn đốc các bộ, ngành, địa phương có biện pháp thu hồi vốn tạm ứng quá hạn đối với dự án do các bộ, ngành, địa phương quản lý theo quy định. Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra số vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích; kiểm tra số dư tạm ứng để đảm bảo thu hồi hết số vốn đã tạm ứng theo quy định tại khoản 6 Điều 10 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công./. |