Trong bối cảnh hoạt động giao thương bị tác động do dịch Covid-19,ươngmạiViệkèo psg Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Xin ông cho biết, những hoạt động đó đã mang lại hiệu quả như thế nào?
Thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ DN, như: Tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang, nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho ngành dệt may và da giày. Đặc biệt, trước nhu cầu lớn về bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 và thiết bị bảo hộ, Thương vụ cũng nhanh chóng kết nối với các DN trong nước. Cụ thể, đã thực hiện kết nối Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á với đối tác Ấn Độ, chính công ty này đã ký hợp đồng độc quyền với Việt Á cung cấp bộ xét nghiệm cho thị trường Ấn Độ, Anh, một số nước châu Âu và giúp Việt Á hoàn thiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận CE của châu Âu.
Kể từ khi Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, Thương vụ đã triển khai hỗ trợ DN Việt theo hướng tận dụng cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu (XK). Mặc dù, Ấn Độ đang trong thời gian phong tỏa toàn quốc, nhưng nhờ ứng dụng của công nghệ thông tin (CNTT), khoa học kỹ thuật, Thương vụ vẫn thường xuyên trao đổi với Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD Ấn Độ về chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại (XTTM) trong và sau dịch Covid-19. Thương vụ tại Ấn Độ là một trong những thương vụ đầu tiên đăng ký và đề nghị phối hợp tổ chức Chương trình XTTM ứng dụng CNTT. Ngày 28/4 vừa qua, Hội nghị giao thương trực tuyến đầu tiên với chủ đề “XTTM Việt Nam - Ấn Độ: Cơ hội & Thách thức hậu Covid-19” do Cục XTTM (Bộ Công Thương), Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Phòng thương mại và công nghiệp PHD Ấn Độ tổ chức đã thành công tốt đẹp, nhận sự đánh giá cao của cộng đồng DN hai nước. Thời gian tới, Thương vụ sẽ tiếp tục phối hợp với các Phòng thương mại và công nghiệp, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ, Hội đồng XTTM Ấn Độ thực hiện các chương trình giao thương trực tuyến.
Những diễn biến vừa qua của dịch bệnh cho thấy, đa dạng hóa nguồn cung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh là việc làm cấp thiết, đặc biệt là ngành dệt may và da giày. Theo ông, Ấn Độ có phải là thị trường nguồn cung phù hợp cho các DN Việt?
Cả hai ngành hàng này đều là lợi thế của Ấn Độ. Hiện, tổng quy mô của ngành dệt may Ấn Độ đạt khoảng 140 tỷ USD với thị trường nội địa 100 tỷ USD và XK trị giá 40 tỷ USD sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành dệt may của Việt Nam. Trong khi đó, quy mô tổng thể của ngành dệt may Việt Nam vào khoảng 45 tỷ USD, cũng mở ra nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam nhập khẩu nguyên, phụ liệu dệt may như bông, sợi, hàng may sẵn và vải.
Với da giày, đây là ngành có mức tăng trưởng ổn định và là một trong những ngành thu ngoại tệ đáng kể cho quốc gia Nam Á này. Đặc biệt, Ấn độ có nguồn nguyên liệu thô dồi dào, nhân công lành nghề, công nghệ tiên tiến…
Việt Nam muốn đẩy mạnh hơn nữa sản xuất, XK dệt may và da giày thì Ấn Độ cũng là một thị trường hấp dẫn, bởi quốc gia này có nguồn cung vải, sợi chất lượng và nguồn cung nguyên liệu da giày ổn định. Từ đó, giúp thu hẹp khoảng cách, thậm chí nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Gian hàng giới thiệu mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam tại Ấn Độ |
Với những phân tích về thị trường Ấn Độ, ông dự đoán như thế nào về xu hướng trao đổi thương mại giữa hai nước trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh diễn biến khó lường của nền kinh tế toàn cầu hiện nay?
Thời gian qua, cơ cấu ngành trong quan hệ trao đổi thương mại hai nước đã có sự chuyển biến rõ rệt. Nếu trước đây các mặt hàng nguyên liệu phục vụ cho ngành nông nghiệp, chăn nuôi, dược phẩm và hóa chất chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị trao đổi thương mại thì nay cơ cấu ngành hàng rất đa dạng, phong phú, trải rộng từ sản phẩm nông nghiệp đến hàng cơ khí – chế tạo, máy móc, thiết bị đến các mặt hàng có giá trị cao như hàng điện tử, thiết bị điện thoại di động. Ngoài ra, các mặt hàng sử dụng nhiều lao động như nguyên, vật liệu cho ngành dệt may, da giày và hàng thủ công mỹ nghệ cũng bắt đầu được trao đổi nhiều.
Thời gian tới, Việt Nam và Ấn Độ cần tăng cường phát triển chuỗi giá trị trong các ngành hàng dệt may, da giày, thiết bị điện tử, hàng cơ khí… Để làm được điều đó, hai bên cần thiết lập cơ chế đối thoại giữa Chính phủ với Chính phủ, Chính phủ với DN và DN với DN. Đồng thời, hai nước cần sớm thành lập Hội đồng Kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ, nhằm tạo ra diễn đàn tháo gỡ khó khăn, chia sẻ quan điểm, tầm nhìn chiến lược về hợp tác phát triển, tổ chức thêm nhiều chương trình XTTM.
Khi thị trường thế giới đang bị bão hòa, hoặc bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 thì Ấn Độ là thị trường đáng quan tâm, cần đẩy mạnh hợp tác. Trong thời gian qua, Thương vụ đã hỗ trợ nhiều DN Việt Nam nghiên cứu mở văn phòng đại diện, thành lập công ty tại Ấn Độ, tuy nhiên, kết quả đạt được còn hạn chế. Để có thể nhanh chóng tiếp cận được thị trường Ấn Độ, Thương vụ khuyến nghị DN Việt Nam mạnh dạn tăng cường hiện diện bằng việc khẩn trương thành lập công ty hoặc mở văn phòng đại diện tại Ấn Độ.
Xin cảm ơn ông!
Nhiều mặt hàng của Việt Nam có tiềm năng XK sang Ấn Độ như nông sản và thực phẩm chế biến. Trong đó, quả thanh long và cá ba sa rất được ưa chuộng tại Ấn Độ. |