Không được ưu đãi
Kiến nghị gửi đến Bộ Tài chính, bà Đặng Phan Thu Hương, Phó TGĐ Công ty Toyota Việt Nam (TMV) cho biết: Trước ngày 1-1-2012, thực hiện theo quy định tại Thông tư 158/2009/TT-BTC ban hành Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản hàng hóa phụ tùng ô tô của TMV NK từ Nhật Bản được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Tuy nhiên, kể từ khi Thông tư 157/2011/TT-BTC (TT 157) có hiệu lực thi hành (từ 1-1-2012), mã số hàng hóa (HS) của phần lớn các mục hàng trong đó bao gồm phụ tùng ô tô có nhiều thay đổi, dẫn đến sự khác biệt về mã số mặt hàng giữa Thông tư 158/2009/TT-BTC (mã số của mặt hàng được phân loại theo cấp độ 12 số) và TT 157 (mã số mặt hàng được phân loại theo cấp độ 8 số).
Do hệ thống quản lý của cơ quan Hải quan đã được cập nhật để phù hợp với biểu thuế theo Thông tư 157 nên các lô hàng của TMV NK từ Nhật Bản được hưởng thuế ưu đãi và khai báo mã hàng theo Thông tư 158/2009/TT-BTC đều bị hệ thống từ chối. Để tránh bị gián đoạn hoạt động sản xuất, TMV đang phải tạm khai báo cho tất cả các lô hàng từ Nhật Bản theo mức thuế suất thông thường (MFN). Mức thuế chênh lệch mà TMV đã tạm đóng lên tới 4,2 tỷ đồng. Điều này đã gây nhiều khó khăn về hoạt động làm thủ tục hải quan và thiệt hại về tài chính cho DN.
Từ 1-1-2012, thực hiện theo quy định, hàng hoá XK,NK đều sử dụng mã số HS có 8 số. Trong khi đó, hiện danh mục hàng NK phải xin giấy phép tự động (của Bộ Công Thương) có mã HS có 10 số khiến DN NK hàng hóa phải có giấy phép tự động không được hưởng các ưu đãi về thuế. Để giải quyết vướng mắc này Tổng cục Hải quan đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương khi cấp giấy phép nhập khẩu tự động cho DN phải căn cứ tên hàng và mã số (8 số) được quy định tại danh mục và biểu thuế được Bộ Tài chính ban hành ngày 14-11-2011. Đối với trường hợp Bộ Công Thương đã cấp giấy phép theo mã số 10 chữ số (Biểu thuế cũ), thì các cục Hải quan kiểm tra, đối chiếu mã số hàng hoá đã cấp theo biểu thuế cũ với mã số hàng hoá theo biểu thuế mới, nếu phù hợp cấp độ 8 chữ số thì chấp nhận cho DN. Nếu không phù hợp thì hải quan hướng dẫn DN liên hệ với Bộ Công Thương để được xem xét cấp giấy phép có mã số hàng hoá theo biểu thuế hiện hành. |
Mới đây, Đại sứ quán Đan Mạch cũng có văn bản kiến nghị đến Bộ Tài chính với nội dung như sau:
Thực hiện theo TT 157, Việt Nam sẽ tăng hoặc giảm hơn 1.000 dòng thuế NK, do đó một số hàng hóa sẽ phải chịu thuế suất cao hơn và LEGO, mặt hàng đồ chơi giáo dục từ Đan Mạch là một ví dụ. Theo Danh mục thuế NK cũ, đồ chơi LEGO thuộc phân nhóm 9503004900 (đồ chơi lắp ráp) chịu mức thuế 10%. Tuy nhiên phân nhóm này không còn tồn tại trong danh mục thuế NK mới và đồ chơi LEGO được xếp vào phân nhóm 95030099 (các loại đồ chơi khác) với mức thuế 20%. Theo Đại sứ quán Đan Mạch, việc áp dụng mức thuế NK cao đối với mặt hàng đồ chơi giáo dục hữu ích như LEGO sẽ không mang lại nhiều lợi ích.
Gỡ khó
Ngày 13-3-2012, trao đổi với chúng tôi, bà Đặng Phan Thu Hương-Phó TGĐ TMV phấn khởi cho biết, vướng mắc của TMV đã được tháo gỡ. Từ đầu tháng 3 vừa qua các lô hàng phụ tùng ô tô của TMV đã được áp mức thuế ưu đãi đặc biệt như quy định. Bộ Tài chính đã có Công văn 2230/BTC-TCHQ hướng dẫn cho các DN và đơn vị Hải quan trong việc áp dụng Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt.
Cụ thể, trường hợp DN khai báo trên hệ thống hải quan điện tử, yêu cầu DN khai báo chi tiết cấp độ 8 chữ số theo Thông tư 157 ngày 14-11-2011 và áp dụng mức thuế ưu đãi đặc biệt được hưởng đối với hàng hóa cụ thể ở Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Thông tư 158/2009/TT-BTC ngày 6-8-2009 để tính thuế.
Trường hợp khai thủ công, yêu cầu DN khai báo chi tiết cấp độ 12 chữ số theo phân loại tại Thông tư 158/2009/TT-BTC ngày 6-8-2009 để tính thuế.
Cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục NK phải mở sổ theo dõi để thống kê số liệu liên quan đến việc áp dụng Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Nhật Bản từ 1 đến 31-3-2012 đối với cả hai trường hợp khai điện tử và khai thủ công theo mẫu.
Bà Hương cũng cho biết thêm, hiện cơ quan Hải quan đang làm thủ tục hoàn thuế cho DN số tiền 4,2 tỷ đồng chênh lệch từ các lô hàng NK từ Nhật Bản (từ 1-1-2012 đến đầu tháng 3-2012).
Bộ Tài chính cũng cho biết, cách xử lý tại Công văn 2230/BTC-TCHQ cũng áp dụng đối với các trường hợp liên quan đến Thông tư 58/2010/TT-BTC ngày 16-4-2010 về việc ban hành Biểu thuế NK ưu đãi của Việt Nam để thực hiện Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) giai đoạn 2010-2012; Thông tư 217/2009/TT-BTC về việc ban hành Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Úc - New Zealand giai đoạn 2010-2012; Thông tư 83/2009/TT-BTC ngày 28-4-2009 về việc ban hành Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2008-2012.
Liên quan đến vướng mắc của các lô hàng đồ chơi LEGO, Vụ Chính sách thuế-Bộ Tài chính cho biết: Tháng 6-2011, Đại sứ quán Đan Mạch đã có công hàm hỏi về thuế NK mặt hàng đồ chơi LEGO. Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời mặt hàng đồ chơi LEGO thuộc nhóm “các bộ đồ lắp ráp thu nhỏ theo tỉ lệ và mô hình giải trí tương tự, có hoặc không vận hành”, phân nhóm 9503.00.49.00 (Loại khác), thuế suất 10%.
Từ 1-1-2012, do thực hiện theo danh mục AHTN 2012, dòng thuế 9503.00.49.00 (Loại khác) được gộp với dòng thuế 9503.00.41.00 “Bộ đồ lắp ráp mô hình máy bay” thành dòng thuế có mã số 9303.00.40 “các bộ đồ lắp ráp thu nhỏ theo tỉ lệ và mô hình giải trí tương tự, có hoặc không vận hành”. Như vậy về mặt chính sách thuế đối với mặt hàng đồ chơi LEGO vẫn giữ nguyên (10%), không phải như cách hiểu của Đại sứ quán Đan Mạch.
N.H