Trong đó, tôm đông lạnh chiếm trên 14.670 tấn, còn lại là các loại thủy sản khác. Sự tăng thêm này chỉ là đột biến từ tăng giá tôm xuất khẩu trong tháng 5 và tháng 6-2013 từ 10,85 USD/kg lên 13,44 USD/kg. Ngoài ra, một số nước xuất khẩu thủy sản lớn do diện tích tôm nuôi bị thiệt hại nên tác động đến sức mua và doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh cũng tranh thủ được cơ hội này để xuất thêm hàng.
So với cùng kỳ năm 2012, năm nay, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến thủy sản gặp nhiều khó khăn, thiếu bền vững và chưa đạt kế hoạch đề ra. Ngoài khó khăn chính là thiếu nguyên liệu phục vụ cho chế biến, doanh nghiệp còn phải đối đầu về thị trường, lãi suất ngân hàng và hàng loạt chi phí phát sinh. Do đó, có nhà máy phải hoạt động cầm chừng để giữ chân lao động.
Ông Lê Hiền, Giám đốc Sở Công Thương Bạc Liêu đánh giá: “Tuy giá xuất khẩu thủy sản tăng, nhưng thị trường xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thu hẹp nên hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh chỉ tập trung xuất khẩu vào 3 thị trường truyền thống là Nhật, Mỹ, Trung Quốc và một số nước châu Âu. Hầu hết các doanh nghiệp tập trung vào chế biến tôm sú loại nhỏ, tôm thẻ, tôm bạc và tôm thẻ chân trắng nên giá trị xuất khẩu mang lại cũng chưa cao”.
Khó khăn thật sự của doanh nghiệp chính là cuộc chạy đua về giá thu mua nguyên liệu và dẫn đến việc cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Do thiếu tôm sú nên doanh nghiệp phải chuyển sang chế biến tôm thẻ chân trắng, điều đó đã kéo theo sự tăng giá thu mua và doanh nghiệp dù biết giá cao vẫn phải mua để tạo thu nhập, giữ chân lao động.
Trong bối cảnh trên, các doanh nghiệp tăng cường công tác quảng bá tiếp thị sản phẩm; không ngừng mở rộng thị trường, đa dạng hóa quan hệ, sản phẩm và lấy thương hiệu để tạo lợi thế cạnh tranh riêng của từng doanh nghiệp.
Điển hình như Công ty TNHH thực phẩm thủy sản Minh Bạch (huyện Giá Rai), ông Hồ Minh Bạch Tổng giám đốc Cty cho biết: “Tình hình xuất khẩu năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn, nên cùng với việc giữ vững các thị trường truyền thống, công ty không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều thị trường khác và coi thương hiệu, chất lượng hàng hóa là tiêu chuẩn hàng đầu để tạo lợi thế cạnh tranh”. Với cách làm trên,từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH thực phẩm thủy sản Minh Bạch đã xuất khẩu thủy sản đạt hơn 10 triệu USD, tăng trên 4 triệu USD so với năm 2012.
Để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu giảm bớt khó khăn, trong tháng 7-2013, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ban ngành, các doanh nghiệp xuất khẩu thành lập Hiệp hội xuất khẩu để giúp các doanh nghiệp tạo được tiếng nói chung, nhằm giữ vững ổn định chất lượng, giá cả nguồn nguyên liệu, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lao động, tạo việc làm. Đồng thời, hỗ trợ nhau trong đầu tư đổi mới công nghệ, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin…
Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản kiến nghị là cần tổ chức lại sản xuất, nhất là nhanh chóng hình thành các khu nuôi tôm công nghiệp lớn để cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo sản xuất, không phải luôn trong tình trạng thiếu hụt nguyên liệu như lâu nay./.
Cao Thăng