【ty so bong đá】Bài cuối: Nơi kết tinh, tỏa sáng hồn sông núi ngàn năm
Trong câu chuyện với chúng tôi, Phó Cục trưởng Lương Đức Thắng luôn nhấn mạnh: Văn minh, thanh lịch, nghĩa tình- những hệ giá trị nền tảng của văn hóa, con người Hà Nội chính là thông điệp nhắc nhở mỗi chúng ta về trách nhiệm bảo vệ, phát huy những giá trị hồn cốt mà trong hơn ngàn năm lịch sử, người Hà Nội đã cùng nhau xây dựng, giữ gìn, bồi đắp.
.P.V: Trải qua những thăng trầm, chất thanh lịch, văn minh vẫn mãi là những giá trị hồn cốt riêng có của Người Hà Nội. Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua mới đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa văn hóa- con người trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững.
Để Hà Nội- trái tim của cả nước mãi là “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”, việc gìn giữ, phát huy những hệ giá trị văn hóa- con người có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Ông Lương Đức Thắng:Luật Thủ đô (sửa đổi) đã xác định nội dung trọng tâm về xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Hà Nội, đây là nội dung rất trúng và đúng. Bởi trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, Hà Nội- “chốn kinh sư muôn đời” luôn luôn kiêu hãnh, tự hào là một trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế lớn. Đặc biệt, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt dân tộc”, Hà Nội chính là nơi kết tinh, lan tỏa các giá trị hồn cốt đó.
Nhưng có lẽ, trong nhịp đập hối hả của cuộc sống hôm nay, Thủ đô của chúng ta cũng giống như nhiều trung tâm đô thị lớn khác trên thế giới, luôn đối diện những thời cơ và cũng nhiều thách thức. Trong đặc thù của văn hóa Hà Nội qua từng giai đoạn, có những hệ giá trị văn hóa được hình thành từ nhiều miền quê khác, từ những con người tứ xứ cùng hội tụ, vì tình yêu Hà Nội mà gắn bó với mảnh đất này. Đặc biệt, sau sáp nhập địa giới hành chính, văn hóa Hà Nội càng có nhiều thay đổi, với nhiều giá trị đan xen, va đập, tạo nên bản sắc văn hóa của Hà Nội, thống nhất trong đa dạng.
Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2014 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong tổng thể, hệ giá trị văn hóa, con người qua các giai đoạn lịch sử đã tạo nên “sức mạnh mềm”, đưa dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Với vị thế, vai trò là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, trong suốt nhiều năm qua, Hà Nội luôn khẳng định định hướng, chủ trương phát triển văn hóa, con người. Bằng những cách làm sáng tạo và độc đáo, mảnh đất ngàn năm tự hào đã hun đúc nên những giá trị văn hóa đặc sắc, là chuẩn mực về lối sống văn minh, thanh lịch, nghĩa tình; là nơi lan tỏa truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Kế thừa, phát huy truyền thống, thế hệ người Hà Nội hôm nay đang gìn giữ, bồi đắp thêm những hệ giá trị mới về văn hóa, con người phù hợp với bối cảnh cuộc sống đương đại. Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ là nền tảng vô cùng quan trọng để công cuộc xây dựng văn hóa Thủ đô chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về tư duy, hình thành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai cụ thể.
Dù ở bất cứ giai đoạn nào, trải qua thách thức ra sao thì chất kinh kỳ và hệ giá trị văn hóa thanh lịch, văn minh vẫn luôn là sức mạnh, là niềm tự hào riêng có của người Hà Nội.
P.V: Trong dòng chảy của văn hóa Thăng Long- Hà Nội, có một thực tế là sự pha trộn giữa các yếu tố văn hóa vùng miền. Điều này đã tạo nên đặc thù riêng, nhưng cũng là thách thức với việc xây dựng, giữ gìn và phát huy các hệ giá trị truyền thống. Ông có suy nghĩ gì về điều này?
- Ông Lương Đức Thắng: Ở hầu hết các đô thị lớn, người dân di cư từ nhiều địa phương khác đến Thủ đô là một dòng chảy tự nhiên. Hà Nội cũng vậy, hội tụ bản sắc văn hóa các vùng miền vừa thuận lợi, vừa thách thức.
Là trung tâm hành chính, nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa biểu tượng, người dân các địa phương phần lớn đều mong muốn được sống, được cống hiến cho Thủ đô. Thực tế đó đã tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng sắc màu. Là trái tim cả nước, Hà Nội cũng là điển hình trong xây dựng các hệ giá trị thống nhất trong đa dạng, khi mỗi người con ở các vùng quê đã “gánh cả tên làng” trong những chuyến di dân. Những phong tục tập quán, thói quen, nếp sống của các miền quê dần hòa trộn trong dòng chảy chung của văn hóa đô thành.
Trong vô số thách thức, chúng ta nhận thấy có những pha trộn, va đập bởi nếp sống văn hóa giữa làng quê và thành thị luôn tồn tại khoảng cách. Để hòa quyện và không đánh mất bản sắc văn hóa trong một dòng mạch chung, để giữ gìn nét thanh lịch, văn minh của đất Hà Thành, rõ ràng là một quá trình lâu dài, thậm chí là giằng xé.
Ở đó, người dân cần phải hiểu được rằng họ đang sống trên một mảnh đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa của quê mình, họ cần có trách nhiệm bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa mà trong hàng ngàn năm, người Hà Nội đã rất nỗ lực, bền bỉ để xây dựng, gìn giữ, bồi đắp nên.
Hệ giá trị bao trùm này có ý nghĩa rất đặc biệt, tạo nên một bức tranh tổng thể về phát triển văn hóa, con người Hà Nội; kết tinh và lan tỏa ra cả nước. Chính vì thế mà mỗi du khách khi đến với Thủ đô, nhìn vào người Hà Nội lại có thể thấy được bản sắc văn hóa của người Việt Nam.
.P.V: Cuộc sống mới đôi khi khiến người Hà Nội không còn giữ được phong thái thanh lịch, văn minh như vốn có. Đây cũng là một hạn chế được nêu rõ trong Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội. Theo ông, nét thanh lịch, văn minh trong hệ giá trị văn hóa Hà Nội đang thay đổi theo chiều hướng nào?
- Ông Lương Đức Thắng:Như tôi đã nói, những hệ giá trị trong văn hóa truyền thống của người Hà Nội như văn minh, thanh lịch, nghĩa tình đã được hun đúc từ ngàn năm nay. Qua quá trình lao động, sản xuất và sáng tạo, người Hà Nội đặc biệt chú trọng gìn giữ, phát huy, giáo dục các thế hệ về truyền thống văn hóa, đặc biệt có sự trao truyền rõ nét qua các thế hệ.
Chúng ta nhìn thấy những hệ giá trị văn hóa đó luôn hiển hiện qua những phong tục tập quán, dưới mỗi nếp nhà, nếp làng, trong từng dòng họ. Thương hiệu văn minh, thanh lịch vì thế chỉ có thể được “khoe” một cách kiêu hãnh từ chính người Hà Nội.
Văn minh, thanh lịch có thể có ở những vùng đất khác, nhưng chắc chắn không hình thành được thương hiệu như Hà Nội. Hệ giá trị đó là kết quả của một quá trình lâu dài, bền bỉ, xuất phát từ nhận thức rằng chỉ có bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa thì người Hà Nội mới làm nên bản sắc, tạo nên một thương hiệu văn hóa riêng như vậy.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trong hội nhập quốc tế, rõ ràng đang có sự dịch chuyển, có những thay đổi không nhỏ về các hệ giá trị. Tác động của mặt trái kinh tế thị trường, lối sống và nếp tư duy thực dụng, sự khác biệt về văn hóa vùng miền… dẫn đến thực trạng đâu đó vẫn có những cá nhân, gia đình ứng xử tùy tiện, lộn xộn, xô bồ, thậm chí là phản cảm.
Những hiện tượng nhức nhối như “bún mắng, cháo chửi”, buôn bán chộp giật, không tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông, ứng xử thiếu văn minh tại di tích, cơ sở thờ tự…, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, văn hóa Hà Nội.
Tôi cho rằng, dù cá biệt nhưng nếu không quyết liệt chấn chỉnh thì sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Điều quan trọng là mỗi người dân khi đến Thủ đô sinh sống đều cần thấy được trách nhiệm của mình để hòa vào dòng chảy cuộc sống, văn hóa Thủ đô.
- P.V: Mang trong mình những giá trị riêng có, nhịp đập của văn hóa Hà Nội cũng chính là nhịp đập, là sự tỏa lan những hệ giá trị chung của đất nước. Theo ông, cần những giải pháp nào để Hà Nội vừa phát huy hệ giá trị truyền thống, vừa lan tỏa hồn cốt văn hóa dân tộc?
- Ông Lương Đức Thắng: Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội thảo quốc gia bàn về “Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hóa, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Đây là một bước cụ thể hóa trong triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Hà Nội có những hệ giá trị riêng có. Trong bức tranh tổng thể chung, những hệ giá trị chuẩn mực của dân tộc như: tình làng nghĩa xóm, truyền thống học hành, chất văn minh, thanh lịch, tình yêu nước nồng nàn, lối sống nghĩa tình, thủy chung…, cũng đã bao trùm những hệ giá trị của Hà Nội. Ngược lại, Hà Nội luôn là địa phương tiêu biểu, đi đầu và dẫn dắt, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trong hội nhập, những hệ giá trị văn hóa Hà Nội ngày càng được bồi đắp thêm, tích cực xây dựng hình ảnh đẹp của con người Hà Nội, tạo điểm nhấn để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Rõ ràng, là trung tâm của đất nước, Hà Nội luôn phải đi đầu, để không chỉ lan tỏa những giá trị tích cực mà còn góp phần chấn chỉnh tiêu cực, từ đó phát huy, củng cố nền tảng hệ giá trị truyền thống văn hóa, con người Hà Nội.
.P.V: Nhưng rõ ràng không phải các giá trị truyền thống sẽ luôn bất biến. Thời cuộc cũng khiến cho không ít điều xưa cũ dần mai một và sự thay thế đôi khi là tất yếu?
- Ông Lương Đức Thắng:Năm 1947, Bác Hồ với bút danh Tân Sinh đã viết trong cuốn Đời sống mới, thể hiện cái nhìn xa và hợp lý đối với việc “xóa và xây”. Người viết: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”.
Dựng xây và phát triển trong dòng chảy văn hóa Hà Nội cũng vậy. Những gì là hủ tục, không còn phù hợp với đời sống văn minh thì phải thay đổi. Chẳng hạn, những thói quen lạc hậu trong việc cưới, tang đã được Hà Nội tích cực vận động người dân thay đổi trong nhiều năm qua, kết quả là những chuyển biến tích cực về xây dựng nếp sống văn minh.
Ứng xử văn minh tại các lễ hội, di tích cũng thường xuyên được đẩy mạnh. Trước đây, tại các đình, đền, chùa rất phổ biến tình trạng đốt tràn lan vàng mã, đồ mã; thắp hương khói nghi ngút… Nhưng hiện nay, tình trạng này đã có nhiều thay đổi tích cực, đảm bảo an ninh an toàn, phòng chống cháy nổ.
Những thay đổi theo chiều hướng tích cực, bồi đắp những hệ giá trị mới vì thế cũng là một tư duy phù hợp với xu thế thời đại. Ở đó, những giá trị hồn cốt ngàn năm vẫn được lưu giữ, những lạc hậu được loại bỏ, thay đổi cho phù hợp hơn, văn minh hơn.
.P.V: Nhìn từ một khía cạnh cụ thể là các hương ước, quy ước gắn với xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh, chúng ta cũng nhận thấy những thayđổi tư duy nhằm phát huy mạnh hơn vai trò những quy ước, hương ước này. Đây có phải là một giải pháp hữu hiệu, thưa ông?
- Ông Lương Đức Thắng:Quy ước, hương ước làng xã từ xưa đến nay vẫn được duy trì và có tính ràng buộc trong cộng đồng dân cư tương đối cao. Người Hà Nội trọng nghĩa tình, trọng danh dự, cho nên những quy định trong hương ước, quy ước luôn được thực hiện nghiêm túc.
Thời gian qua trên địa bàn Hà Nội, chính quyền các phường, xã, các Tổ dân phố đã tính toán đưa những nội dung cụ thể về xây dựng nếp sống văn hóa vào các hương ước, quy ước như: vận động tháo dỡ chuồng cọp, mở lối thoát hiểm tránh nguy cơ hỏa hoạn; tuyên truyền không đốt vàng mã tại các chiếu nghỉ, lối đi ở các khu tập thể cũ; thiết lập lại văn hóa vỉa hè…
Đó là những nội dung quan trọng, thiết thực, làm thay đổi nhận thức, hành vi, lối sống của người dân. Bởi, xây dựng nếp sống văn hóa, đặc biệt là văn hóa đô thị như Hà Nội hiện nay không chỉ đơn thuần là văn hóa ứng xử, là lời ăn tiếng nói… mà rộng hơn, chính là các yếu tố thuộc về tiện nghi cuộc sống, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân.
Điều này được triển khai khá tốt thông qua một số cách làm sáng tạo, điển hình như các mô hình Tổ dân phố 5 không, Nhà văn hóa kiểu mẫu… mà Báo Văn Hóa đã đề cập ở Bài 1 của loạt bài này.
Bên cạnh các cuộc vận động, tuyên truyền, chúng ta cũng cần có những quy hoạch bài bản. Hà Nội có đặc thù là nhiều tập thể cũ, ngõ nhỏ phố nhỏ…, vì vậy càng cần có phương án quy hoạch đảm bảo an toàn. Nhiều vụ việc cháy nổ đau lòng thời gian qua càng cho thấy đây là vấn đề thiết thực, là nếp sống văn hóa mới mà chúng ta cần chung tay xây dựng, để đảm bảo an toàn cho mình và cho cộng đồng.
Tuy nhiên, để vận động người dân từ bỏ thói quen cũ, hình thành nếp sống mới, trách nhiệm của chính quyền các địa phương là phải rà soát hệ thống các quy định pháp luật, hương ước, quy ước. Điều quan trọng là phải tuyên truyền đúng, đủ để người dân thấy được rằng thay đổi là để giúp cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật rất quan trọng. Những đối tượng không thực hiện nghiêm túc cần có chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Chẳng hạn, trường hợp gần đây được báo chí đề cập là việc có người dân tùy tiện đốt vàng mã ở chiếu nghỉ của nhà tập thể, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, tôi cho rằng hành vi như vậy cần phải xử phạt thật nghiêm.
. P.V: Để Hà Nội thực sự phát huy vai trò tiên phong, là trung tâm hội tụ, kết tinh và lan tỏa các hệ giá trị văn hóa của cả nước, theo ông, công cuộc xây dựng các hệ giá trị văn hóa, con người Hà Nội cần tiếp tục được phát huy cũng như khắc phục bất cập như thế nào trong thời gian tới?
- Ông Lương Đức Thắng:Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hôm nay, chúng ta thấy rằng vẫn còn có những khoảng lặng để mỗi người đều nhận thấy Hà Nội có rất nhiều địa danh, góc phố, con đường rất đẹp và thơ mộng. Trong đó, không ít nơi đã trở thành biểu trưng của văn hóa Thủ đô. Nếu không có quy hoạch sắc nét, rõ ràng thì rất có thể, Hà Nội sẽ dần mất đi những nét đẹp bản sắc, biểu tượng đó.
Luật Thủ đô (sửa đổi) hay các Nghị quyết, Chỉ thị về phát triển văn hóa của Thành ủy đều xác định rất rõ tầm quan trọng cũng như quyết tâm tạo đột phá trong xây dựng văn hóa, con người Thủ đô, hạt nhân là tiêu chí văn minh, thanh lịch. Đây là định hướng xuyên suốt để toàn Thành phố triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Tuy nhiên, trong quá trình đó, cần quan tâm nhiều hơn về các giá trị văn hóa, con người Hà Nội với các yếu tố bản sắc đã được hun đúc qua cả ngàn năm. Dẫu biến thiên thời cuộc thì đó vẫn là những hệ giá trị rất riêng của Hà Nội. Vì thế, trong các quy hoạch phát triển đô thị nói chung, văn hóa đô thị nói riêng cần quy định cụ thể, sao cho vẫn giữ được giá trị hồn cốt, bao gồm cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong quá trình phát triển Thủ đô.
Chúng ta thấy rằng Hà Nội rất đẹp nhưng cũng rất nhạy cảm. Chỉ cần một chút thiếu tinh tế có thể sẽ khiến cho những dấu ấn hồn cốt lâu năm trở nên mai một. Dấu vết rêu phong thời gian trên những mảng tường cũ, ở cửa ngõ Thủ đô, hay trên các di tích ngàn năm cổ kính…, nếu vô cảm thì dáng vẻ đó sẽ dễ dàng bị đánh mất. Vì thế, khi bảo tồn và phát huy các hệ giá trị văn hóa Hà Nội, từng lát cắt đều cần được bảo tồn, giữ gìn bằng nhiều cách.
Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là trái tim của cả nước. Thủ đô cũng là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế. Vì thế, Hà Nội còn phải là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị văn hóa tiêu biểu của đất nước, con người Việt Nam.
Xây dựng, bồi đắp các hệ giá trị văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng đưa Hà Nội trở thành hình mẫu tiêu biểu, xứng đáng để các địa phương trong cả nước học tập. Hơn thế, việc bồi đắp cũng là để các giá trị văn hóa ứng xử, nét văn minh, thanh lịch của người Hà Nội sẽ mãi là biểu tượng của văn hóa Thủ đô, là niềm tự hào, kết tinh và lan tỏa.
Xin trân trọng cảm ơn ông!