Ngay từ lúc này, khi còn một tháng nữa mới về đích, một số “giải nhất” cũng đã được trao. Trước tiên phải kể đến GDP. Tháng 8/2020, Tạp chí The Economist đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế duy trì được tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào suy thoái sâu nhất kể từ Đại khủng hoảng 1929 - 1933.
Đều trông ở nội lực
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm ước đạt 2 - 3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Theo Thủ tướng, có được kết quả như vậy là nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hóa, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế. Nhờ nội lực, để bất luận trong trường hợp nào, vẫn giữ được sự chủ động chiến lược và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội tốt nhất.
Nhờ nội lực để có “giải nhất” về GDP, cũng là câu chuyện ly kỳ nhất của nhiệm kỳ 2016 - 2020. Trong hai năm đầu nhiệm kỳ, 2016, 2017, đại biểu Quốc hội (QH) thường chất vấn gay gắt Chính phủ câu hỏi đâu là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế? Cứ xúc múc tài nguyên đem đi bán là có tăng trưởng, tài nguyên hết, lấy gì mà tăng? Tăng GDP của cả quốc gia chỉ vì biến động sản phẩm của một vài doanh nghiệp FDI, cứ lấy động lực tăng trưởng ở Samsung thì khi doanh nghiệp này hắt hơi sổ mũi là tăng trưởng ngay lập tức ốm yếu.
Chính phủ nêu rõ trước QH mọi kết quả của tăng trưởng đều phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới đạt được. Kết quả tăng trưởng đạt được không phải chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực, chẳng hạn như phụ thuộc vào Samsung hay phụ thuộc vào một vài sản phẩm thép... mà tăng trưởng đồng đều ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm của nền kinh tế. Năm 2017, lần đầu tiên nền kinh tế tăng trưởng không phụ thuộc vào sự tăng trưởng của ngành khai khoáng…
Nội lực cho nền kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ngay trong lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu QH ở cương vị Thủ tướng, ngày 17/11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến vấn đề về nội lực. “Với ý chí quật cường, niềm tự hào dân tộc Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn để tích lũy quốc lực, nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế và thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực”, Thủ tướng nêu rõ, “Chính phủ xác định những cải cách, đổi mới, phát huy nội lực trong nước là quan trọng nhất cho sự phát triển thịnh vượng của quốc gia”.
Cho rằng đất nước phải tiến xa, tiến nhanh hơn nữa, nền kinh tế phải độc lập, tự chủ, tự cường hơn nữa, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, “không ai tôn trọng chúng ta nếu chúng ta phải phụ thuộc, không có khát vọng, không có quyết tâm, không có bản lĩnh để vươn lên bằng chính nội lực”. Sau một nhiệm kỳ, đến nay, ở nghị trường, không còn ý kiến nào bắt bẻ Chính phủ về nội lực của nền kinh tế.
Một câu hỏi lớn
Nền kinh tế vừa trải qua 4 năm, với bội thu các giải nhất như, năm 2019, năm thứ hai liên tiếp có 12/12 chỉ tiêu hoàn thành, trong đó 7 chỉ tiêu vượt; GDP ở mức cao hàng đầu thế giới, cả hai năm 2018, 2019 đều tăng vượt ngưỡng 7% bất chấp bối cảnh tăng trưởng ảm đạm trên toàn cầu. Tính chung trong gần nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 145%...
Thủ tướng nói, “những con số thống kê, dù phong phú cũng không thể lột tả hết được những thành tựu kinh tế và những tiến bộ trong đời sống xã hội”. Nhưng ông vẫn luôn phải nhắc đi nhắc lại “một câu hỏi lớn”. Đó là, “tại sao một đất nước Việt Nam anh hùng mà chưa vươn lên được để trở thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Đến giờ, thu nhập người dân còn dưới 3.000 USD/người? Đó là câu hỏi lớn cho tất cả chúng ta. Việt Nam tự hào về các kỳ tích trong phát triển kinh tế, nhưng chúng ta vẫn chưa phải là một quốc gia khá giả, chưa đứng đầu ASEAN về thu nhập”.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Bởi vậy, mục tiêu trước sau như một mà Chính phủ cả nhiệm kỳ qua dốc sức đeo bám là phải tăng trưởng nhanh. Trong quá trình bàn thảo cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng XIII nêu rõ quan điểm của ông là, nhìn trên bản đồ thế giới và khu vực, chỉ có tăng trưởng cao, Việt Nam mới có thể thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước, mới góp phần tạo nền tảng ổn định vĩ mô, có thêm nhiều nguồn lực, có "chiếc bánh" lớn hơn để phân phối lại cho các mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Cả yêu cầu nội tại và yêu cầu từ bên ngoài để tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đưa đất nước ta phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn. Đó mới chính là thể hiện rõ ràng, cụ thể tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, sự quyết tâm, ý thức tinh thần trách nhiệm cao của thế hệ hôm nay trước vận mệnh của đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ mong muốn, cố gắng để vào dịp 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, đất nước có sự chuyển biến căn bản, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, mới là nước thu nhập trung bình thấp, còn kém so với nhiều nước, thời cơ đến không nhiều, do đó, yêu cầu đặt ra là có khát vọng phát triển. Nếu không, Việt Nam sẽ tiếp tục tụt hậu xa hơn.
Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XIII đề ra mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, phấn đấu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đoàn Trần