Xin ông cho biết cơ chế xử lý nợ xấu đối với các DNNN hiện nay tại Việt Nam?ủngcốti so brazil
Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011-2015" đã nhấn mạnh, việc xử lý nợ xấu của DNNN là một vấn đề quan trọng của tái cơ cấu DNNN. Trong vấn đề này, điều quan trọng nhất là phải xác định được thế nào là nợ xấu?
Hiện tại, ở Việt Nam, Chính phủ đã tiến hành xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro nợ xấu trong nội bộ doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Tài chính đã xây dựng dự phòng đối với nợ xấu, trong đó có cơ chế doanh nghiệp tự xử lý, có nghĩa là doanh nghiệp phải trích lập các khoản phát hiện ra sẽ là nợ xấu làm dự phòng để có nguồn bù đắp. Doanh nghiệp khi phát hiện có nợ xấu mà không trích lập theo đúng quy định dẫn đến không có nguồn xử lý nợ xấu thì đó là trách nhiệm của lãnh đạo các doanh nghiệp.
Ngoài ra, từ phía ngân hàng, Bộ Tài chính đã đưa ra giải pháp tái cơ cấu nợ hay hoán đổi nợ, yêu cầu giãn, giảm, khoanh nợ khi nền kinh tế gặp khó khăn.
Về cơ chế xóa nợ, chúng ta phải xác định dưới góc độ chủ sở hữu của khoản nợ với chủ sở hữu doanh nghiệp ngồi lại với nhau, nếu chủ sở hữu nợ là Nhà nước thì Nhà nước được xóa. Việc xóa nợ xấu cho doanh nghiệp, hay nói cách khác là giảm vốn đầu tư là quyết định hội đồng quản trị, đại hội cổ đông của doanh nghiệp.
Một giải pháp nữa mà Bộ Tài chính đang tập trung triển khai là củng cố nâng cao định chế mua bán nợ (Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp - DATC). Đây là giải pháp xử lý nợ có sự phát triển, coi nợ như hàng hóa, giao cho một doanh nghiệp mua, bán, kinh doanh hàng hóa này. Tất nhiên, mua hàng hóa sẽ có lúc cao lúc thấp, lúc đắt lúc rẻ. Cái cần quan tâm là làm sao những khoản nợ này tận dụng được, xử lý được, quay lại tạo ra một nguồn cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho các nhà đầu tư tiếp tục duy trì, phát triển doanh nghiệp.
Vừa qua, DATC đã xử lý nợ thành công cho một số trường hợp doanh nghiệp. Để định chế này ngày càng hoàn thiện hơn, Bộ Tài chính đã đưa nhiệm vụ nâng cao năng lực cả về con người và nguồn lực cho DATC lên đầu tiên. Bên cạnh đó là hoàn thiện thể chế trong đề án Tái cơ cấu DNNN.
DATC đã đi vào hoạt động được một thời gian nhưng việc xử lý nợ xấu trong quá trình tái cơ cấu DNNN vẫn còn hạn chế. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Nói về hạn chế của DATC, trước hết phải đề cập nhận thức của người dân, của nhà đầu tư, của doanh nghiệp. Phải khẳng định nếu coi nợ là một hàng hóa thì DATC là người đi mua hàng hóa đó, trong những hàng hóa đó có thứ mua được có thứ không thể mua được.
Những hàng hóa không mua được thì ta phải bỏ đi hay nói cách khác có những khoản nợ của doanh nghiệp không thể tái tạo được, không thể cơ cấu lại thì ta phải sử dụng biện pháp mạnh mẽ hơn như giải thể, phá sản.
Những hàng hóa có thể mua được, khoản nợ có thể phục hồi, có thể đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển thì DATC mới xử lý vì suy cho cùng DATC cũng là một doanh nghiệp, cho dù là doanh nghiệp lợi nhuận hay phi lợi nhuận (sắp tới đề án nâng cao năng lực của DATC sẽ làm rõ nội dung này) thì vốn bỏ ra cũng phải được bảo toàn, mới đảm bảo được vai trò hoạt động của DATC.
Vậy làm thế nào để DATC có thể giải quyết nợ xấu có hiệu quả hơn trong thời gian tới, thưa ông?
Quan trọng nhất là chúng ta phải tạo cho DATC những điều kiện hoạt động thuận lợi.
Thứ nhất, năng lực của DATC về con người phải được đổi mới. Năng lực ở đây có nghĩa là những cán bộ mua bán nợ của DATC phải trang bị được một trình độ nhất định để đảm bảo kiểm soát được rủi ro trong mua bán nợ, để đánh giá được các khoản nợ sau khi mua có hiệu quả hay không...
Một vấn đề nữa là nguồn lực của DATC phải được bổ sung. Bổ sung không những bằng nguồn Nhà nước là chủ sở hữu cung cấp mà bằng những cơ chế để DATC có thể huy động nguồn lực trong dân, từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư để chung sức xử lý nợ.
Về mặt thể chế, tới đây, trong quá trình nâng cao năng lực của DATC, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ xây dựng một nghị định riêng cho hoạt động mua bán nợ để DATC đủ khuôn khổ pháp lý hoạt động.
Có ý kiến băn khoăn về hoạt động của DATC khi khối lượng các khoản nợ khó đòi hiện nay rất lớn, lớn hơn cả vốn của DATC. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
DATC là một công ty mới thành lập (từ năm 2003-PV) với vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng. Sau 5 năm, số vốn ấy đã gia tăng lên 2.481 tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ đây là một hoạt động có hiệu quả và bảo toàn được vốn.
Tuy vậy, muốn xử lý nợ xấu của toàn bộ nền kinh tế thì rõ ràng nguồn lực cả về con người và vốn của DATC cần phải được củng cố, tăng cường.
Giải pháp mà chúng tôi hướng đến hiện nay để củng cố nguồn lực cho DATC không phải là từ ngân sách Nhà nước mà tạo cho DATC một cơ chế để có thể huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho việc xử lý nợ này.
Hồng Vân (ghi)