【ac milan vs salernitana】Bội chi và nợ công: Những con số đẹp trong “bức tranh” tài chính
Đến nay, công tác điều hành đã đảm bảo giữ bội chi ngân sách ổn định trong khi nhu cầu chi rất lớn, với nhiều nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách phát sinh.
Bội chi và vay của địa phương trong phạm vi dự toán
Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, dự toán bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 được Quốc hội quyết định đầu năm là 234,8 nghìn tỷ đồng (3,44% GDP), trong đó bội chi ngân sách trung ương (NSTW) là 217,8 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) là 17 nghìn tỷ đồng. Tại Nghị quyết số 128/2020/QH14, Quốc hội đã cho phép tăng bội chi NSTW tối đa là 133,5 nghìn tỷ đồng để đảm bảo cân đối chi NSNN năm 2020, thực hiện vay bù đắp bội chi phù hợp với tiến độ thu và dự kiến giải ngân NSTW năm 2020.
Kết quả năm 2020, bội chi NSNN là 251,35 nghìn tỷ đồng, tăng 16,55 nghìn tỷ đồng so với dự toán, bằng 3,99% GDP thực hiện. Tính chung 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,45% GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP theo nghị quyết của Quốc hội.
Đối với tình hình nợ công, theo đánh giá mới đây của Bộ Tài chính, đến ngày 31/12/2020, dư nợ công bằng khoảng 55,3% GDP, nợ chính phủ khoảng 49,1% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,3% GDP, thấp hơn mức trần quy định tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội (tương ứng là 65% GDP, 54% GDP và 50% GDP).
|
Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động trong điều hành phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc phù hợp với khả năng ngân quỹ nhà nước, chủ yếu là huy động vốn trung, dài hạn và không vay thêm từ các tổ chức tài chính quốc tế, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ năm 2020 đã dài gấp trên 3,5 lần năm 2011, từ mức 3,9 năm lên bình quân khoảng 13,94 năm, nâng kỳ hạn nợ bình quân danh mục trái phiếu chính phủ thời điểm cuối năm 2020 lên 8,42 năm, dài gấp gần 5 lần so với thời điểm cuối năm 2011 (1,84 năm); lãi suất huy động bình quân cũng giảm mạnh, từ mức 12,01% bình quân năm 2011, xuống còn khoảng 2,86% năm 2020.
Bên cạnh đó, thực hiện các quy định của Luật Quản lý nợ công, bám sát các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính đã tổ chức tái cơ cấu danh mục nợ, hoán đổi trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài. Qua đó kéo dài kỳ hạn còn lại, giảm áp lực trả nợ. Công tác quản lý, giám sát nợ chính phủ bảo lãnh được tăng cường; bội chi và vay của NSĐP được kiểm soát trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.
Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, sự phối hợp và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, công tác thu - chi ngân sách đã được điều hành quyết liệt, triệt để tiết kiệm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính – ngân sách, do đó nhiệm vụ NSNN năm 2020 đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra, trong đó có mục tiêu về bội chi và nợ công.
Sử dụng hiệu quả nợ vay sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách
Nhận định về kết quả đạt được nêu trên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, bội chi NSNN năm 2020 thực hiện tăng 16,55 nghìn tỷ đồng so với dự toán, bằng 3,99% GDP, thấp hơn mức đã báo cáo Quốc hội (4,99 - 5,59% GDP) và cao hơn dự toán (3,44% GDP); bội chi NSTW tăng 27,85 nghìn tỷ đồng so với dự toán; bội chi NSĐP giảm 11,3 nghìn tỷ đồng so với dự toán.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ và cho rằng, trong bối cảnh thu NSNN năm 2020 giảm do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, kết quả bội chi NSNN năm 2020 đã thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ trong việc quản lý, điều hành cân đối NSNN, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia.
Việc đảm bảo giữ bội chi ngân sách trong khi nhu cầu chi rất lớn, với nhiều nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách phát sinh (trong đó có phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt) có ý nghĩa rất lớn.
Về mức dư nợ công, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc quản lý, kiểm soát nợ công.
Bên cạnh những kết quả khả quan nêu trên, Bộ Tài chính cũng nhận thấy còn nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện mục tiêu về bội chi ngân sách. Theo đó, chi ngân sách gắn với các nghĩa vụ chưa được tính toán đầy đủ, chưa lường hết được như chi dự phòng lớn, chi thiên tai, dịch bệnh, vấn đề ô nhiễm môi trường, quá trình phát triển sản xuất kinh doanh theo chiều rộng... Bội chi NSNN không đạt kế hoạch trong trường hợp rủi ro về thu ngân sách, hoặc rủi ro về chi gắn với các nghĩa vụ dự phòng lớn, chi thiên tai, dịch bệnh...
Trên thực tế vẫn còn tình trạng chi tiêu sai chế độ ở một số đơn vị. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định. Bên cạnh đó, việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nên chuyển nguồn sang năm sau thực hiện tiếp theo chế độ quy định.
Do đó, việc tiếp tục kiểm soát chi chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN để giúp giảm bội chi ngân sách vẫn là mục tiêu ưu tiên trong trước mắt cũng như lâu dài của Bộ Tài chính. Cùng với đó, một nguyên tắc nhất quán được quán triệt đó là: Chính phủ chỉ vay trong khả năng trả nợ của NSNN; chỉ vay trong tổng hạn mức Quốc hội đã phê duyệt; nợ vay phải được sử dụng hiệu quả. Nợ vay sử dụng hiệu quả sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách, từ đó gia tăng nguồn trả nợ.
Nền kinh tế mới nổi về “sức khỏe” tài chính Những nỗ lực kiểm soát nợ công của Việt Nam thời gian qua đã được các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao. Việc trả nợ luôn đảm bảo đúng hạn, không để xảy ra nợ quá hạn làm ảnh hưởng tới các cam kết, góp phần tăng cường hệ số tín nhiệm quốc gia. Việt Nam đã được Tạp chí The Economist xếp hạng thứ 12 trong số 66 nền kinh tế mới nổi về “sức khỏe” tài chính, thuộc nhóm an toàn sau đại dịch Covid-19. Các đánh giá của The Economist dựa trên 4 nhân tố, bao gồm: nợ công, nợ quốc gia, chi phí vay và dự trữ ngoại hối. Còn nhớ ở thời điểm đầu nhiệm kỳ 2016 - 2020, gánh nặng nợ công lên đến 63,7% GDP, cả nền kinh tế “oằn lưng” trả nợ. Với những “con số đẹp” chốt của năm 2020, có thể nói, bội chi ngân sách, nợ công đã được “ghìm cương”; dư địa tài khóa được củng cố đủ để ứng phó và vượt qua rủi ro bất ngờ như dịch Covid-19. Tại Quyết định số 1130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2020 - 2022 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2020, Thủ tướng đặt mục tiêu kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong từng thời kỳ; phấn đấu đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 51,4% GDP, nợ chính phủ khoảng 46,2% GDP, cơ cấu nợ nước ngoài trong tổng nợ công ở mức 40 - 45%. Về vay, trả nợ của Chính phủ, quyết định nêu rõ: “Chủ động bố trí nguồn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ; đảm bảo chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25%”. |
Minh Anh