Cần 15-16 tỷ USD mỗi năm để đầu tư cơ sở hạ tầng
Phát biểu khai mạc,ộTàichílich thi dau liga Thứ trưởng Trương Chí Trung cho biết, Việt Nam là một trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực. Ngay trong giai đoạn khó khăn, khủng hoảng, nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 5%. Với đà tăng trưởng ấy, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng là rất lớn.
Theo Thứ trưởng, ước tính trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 15-16 tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Đây là một nhu cầu rất lớn so với khả năng của nền kinh tế.
Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công hạn chế, việc tăng cường thu hút các nguồn lực tài chính của khu vực tư nhân dành cho phát triển cơ sở hạ tầng là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam.
Thứ trưởng chia sẻ, mô hình đối tác công tư (PPP) được kỳ vọng sẽ huy động được nguồn lực đóng góp đáng kể cho sự phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam trong thời gian tới.
Nhằm hỗ trợ triển khai các dự án PPP tại Việt Nam, các cơ quan quản lý đang nghiên cứu phát triển các công cụ tài chính huy động vốn trên thị trường tài chính trong nước và khu vực. Tuy nhiên, với nền tảng thị trường tài chính trong nước còn chưa phát triển, năng lực huy động vốn thông qua thị trường tài chính trong nước còn thấp, các cơ quan xây dựng chính sách chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng và quản lý các mô hình công cụ tài chính này, việc phát triển các công cụ hỗ trợ huy động vốn cho các dự án PPP trên thị trường tài chính đòi hỏi thời gian và nỗ lực của các cơ quan quản lý.
Nhiều thách thức
Cập nhật việc thực hiện thí điểm PPP tại Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Trương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về tổ chức, Việt Nam đã thành lập Tổ công tác liên ngành về PPP, thành lập và đưa vào hoạt động Văn phòng PPP thuộc Cục Quản lý đấu thầu từ cuối tháng 3-2012. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chấp thuận chủ trương thành lập Ban chỉ đạo về PPP.
Cho đến nay, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã đề xuất hơn 30 dự án và Văn phòng PPP đã đánh giá sơ bộ tính phù hợp của các dự án với Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Thanh Hoá, đồng thời trao đổi về cách thức chuẩn bị dự án, các công cụ phân tích tính khả thi, đánh giá tài chính của dự án.
Ông Trương cũng cho hay, hiện nay, việc hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án chủ yếu đến từ các nhà tài trợ như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Hợp tác quốc tế Anh (DFID),…
Đề cập những thách thức trong việc triển khai PPP tại Việt Nam, ông Trương nhấn mạnh, các cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ, đặc biệt cần sự cam kết từ các lãnh đạo cao cấp nhất của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền - chủ trì các dự án PPP để các đơn vị trực thuộc tham gia có hiệu quả.
Một thách thức khá quan trọng nữa được ông Nguyễn Đăng Trương nhắc tới là việc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa đủ năng lực để lập dự án PPP phù hợp. Các dự án đề xuất lên còn sơ sài, chỉ đơn thuần thể hiện nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương chứ không cung cấp được các thông tin cơ bản về dự án (dự báo nhu cầu, cơ chế thu phí,…). Thiết kế dự án và hoạt động của dự án thiếu tính đồng bộ, chưa phù hợp với quy hoạch phát triển vùng, ngành, đô thị; thiếu nguồn lực tài chính và kỹ thuật để chuẩn bị dự án tốt, nguồn hỗ trợ của các nhà tài trợ rất phân tán và nhiều khi đi kèm điều kiện.
Hỗ trợ tài chính tối đa
Chia sẻ các ưu đãi tài chính, bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Cục trưởng Cục Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, cơ chế tài chính hiện nay có khá nhiều ưu đãi cho các dự án.
Về tín dụng, Chính phủ vay vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) về cho vay lại trực tiếp các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; Chính phủ cấp bảo lãnh vay vốn, phát hành trái phiếu; các định chế cung cấp tín dụng (ngân hàng phát triển, hệ thống các quỹ đầu tư phát triển địa phương) cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Đối với các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BT (xây dựng - chuyển giao), Việt Nam có các chính sách miễn thuế TNDN từ 2-4 năm đầu tiên, giảm 50% từ 5-9 năm tiếp theo; áp dụng mức thuế suất TNDN 10% trong vòng 15 năm; miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với các tài sản nhập khẩu; miễn tiền thuê đất hoặc tiền sử dụng đất.
Các dự án thực hiện theo các mô hình trên được Nhà nước chia sẻ vốn thực hiện dự án tối đa 49%; Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư; cho phép nhà đầu tư được quyết định mức thu phí; bảo lãnh vốn vay, cung cấp nguyên liệu, quyền thế chấp tài sản, quyền mua ngoại tệ,…
Đối với các dự án PPP, ngoài các chính sách ưu đãi thuế; phần tham gia của Nhà nước vào dự án (VGF) chiếm tối đa 30% tổng mức đầu tư bao gồm cả vốn Nhà nước (vốn Nhà nước được dùng để đầu tư dự án, xây dựng công trình phụ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư). Nhà nước cũng thực hiện bảo lãnh cung cấp nguyên liệu, quyền thế chấp tài sản, quyền mua ngoại tệ, bảo đảm cung cấp các dịch vụ công cộng.
Duy trì sự đồng thuận từ cấp cao
Tại phiên đối thoại, đại diện các bộ, ngành của Việt Nam đã thẳng thắn trao đổi với các chuyên gia APIP về những vấn đề vướng mắc trong việc huy động các nguồn tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, đặc biệt là việc triển khai thí điểm các dự án PPP theo Quyết định 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Các chuyên gia APIP cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và vận hành các công cụ tài chính nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho các dự án PPP.
Sau khi thảo luận, hai bên đều thống nhất với nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng từ nay đến năm 2020 dự kiến lên tới 15-16 tỷ USD mỗi năm, nếu chỉ dựa vào nguồn lực từ ngân sách Nhà nước sẽ không thể đáp ứng được. Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình huy động vốn từ khu vực tư nhân nhằm bổ sung nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức.
Các chuyên gia APIP cũng đưa ra những tư vấn và gợi ý chính sách, trên cơ sở kinh nghiệm phát triển các hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu vực và thực tế tại Việt Nam, nhằm giúp các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong việc phát triển các mô hình huy động tài chính cho cơ sở hạ tầng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh, sự đồng thuận từ trên xuống của lãnh đạo các cấp sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết để triển khai thành công mô hình đầu tư này.
Kết quả của phiên đối thoại sẽ được APEC tổng hợp trình lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC vào cuối tháng 8 tại Moscow, Liên bang Nga.
Hồng Vân