Xuất khống hàng gia công
Theo Chi cục KTSTQ, trong số 2.000 DN hoạt động trong lĩnh vực gia công, SXXK trên địa bàn TP HCM, có những DN làm thủ tục trên 10.000 tờ khai XNK/năm. Chính vì thế, việc xác định các lô hàng xuất khống, DN xuất khống là vấn đề khó nếu không có những tiêu chí hoặc dấu hiệu để truy tìm.
Từ cuối năm 2011 đến nay, thông qua việc xác minh đăng ký hàng xuất khẩu tại các đội giám sát kho bãi tàu tại các chi cục hải quan cửa khẩu cảng biển và kiểm tra hồ sơ thanh khoản hợp đồng gia công, Chi cục KTSTQ phát hiện Công ty TNHH May mặc TL xuất khống 8 lô hàng loại hình gia công, với khoảng 665.000 yard vải, truy thu thuế trên 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Chi cục KTSTQ còn phát hiện một số lô hàng có dấu hiệu vi phạm đang tiếp tục xác minh hồ sơ để có kết luận cuối cùng.
Hành vi của DN là lợi dụng chính sách hàng xuất khẩu được miễn kiểm tra thực tế hàng hoá, nên DN sử dụng thủ đoạn đóng ghép hàng để trốn tránh sự giám sát, kiểm soát của cơ quan Hải quan. Bên cạnh đó, trong cùng 1 khoảng thời gian DN đăng ký nhiều tờ khai xuất khẩu hàng gia công, sau đó dùng vận đơn không phải do đơn vị vận tải phát hành để chứng nhận thực xuất và lập hồ sơ thanh khoản nguyên phụ liệu nhập khẩu với cơ quan Hải quan. Để chứng minh được những hành vi vi phạm của DN cơ quan Hải quan phải thực hiện kiểm tra, thu thập thông tin từ rất nhiều nguồn từ hãng vận tải, ngân hàng, các đầu mối gia công…
Những dấu hiệu vi phạm
Từ việc phát hiện vụ xuất khống hàng gia công nêu trên, Chi cục KTSTQ đã rút ra một số tiêu chí trong việc chọn thông tin để KTSTQ đối với loại hình gia công. Theo đó, chọn DN có độ rủi ro cao về xuất khống, như: chủ DN là người Việt Nam nhưng chồng người nước ngoài; chủ DN thực sự là người nước ngoài nhưng quản lý DN do người Việt Nam; Nguyên liệu gia công có thuế suất thuế nhập khẩu cao, đơn giá nguyên liệu thấp; Có hủy tờ khai xuất khẩu luồng đỏ; DN đã vi phạm hay có dấu hiệu vi phạm hành chính về hải quan; Năng lực sản xuất thấp nhưng nhập khẩu nhiều nguyên liệu; Kinh doanh nhiều loại hình XNK.
Đặc biệt, qua công tác kiểm tra hồ sơ xuất khẩu, Chi cục KTSTQ phát hiện dấu hiệu tại tờ khai xuất khẩu đó là trọng lượng 1 sản phẩm rất thấp, ví dụ 1 chiếc áo Jaket chỉ nặng có 99 gram, trong khi đó định mức DN đăng kí nguyên liệu cho 1 chiếc áo Jaket tới 4 yard vải. Bên cạnh đó, trong một khoảng thời gian ngắn, số lượng sản phẩm xuất khẩu lớn hơn rất nhiều so với quy mô sản xuất của doanh nghiệp, chẳng hạn, ngày 28-1, DN xuất khẩu gần 142.000 sản phẩm áo Jacket, áo thun, nhưng chỉ sau đó 2 ngày DN tiếp tục làm thủ tục xuất khẩu gần 90.000 áo thun
Dấu hiệu tại hồ sơ thanh khoản, nguyên liệu chính âm, hoặc nhãn chính âm tại một thời điểm thực hiện hợp đồng hoặc khi thanh khoản hợp đồng; việc tự cung ứng nguyên phụ liệu không chặt chẽ, hợp đồng, phụ lục hợp đồng thường ký không rõ ràng; hóa đơn tự cung ứng không đúng mẫu quy định của Bộ Tài chính; Chứng từ thanh toán thiếu và DN thường nêu các lý do thất lạc, mất mát; DN thường xuyên chuyển tiếp nguyên phụ liệu;
Đặc biệt, khi kiểm tra vận đơn phát hiện số và ngày cấp vận đơn lộn xộn không phù hợp với thông lệ; thể tích hàng hóa lớn hơn dung tích container. Một container được đóng ghép rất nhiều tờ khai mở trong 1 ngày hoặc khác ngày nhưng gần nhau. Trên tờ khai ghi đóng ghép ở đầu container, đóng giữa container, đóng cuối conainer, nhưng số lượng sản phẩm đóng vào container đó rất lớn…/.
Lê Thu