Thu nhập giảm nhiều
Anh Nguyễn Hữu Trinh (34 tuổi,độngViệtNamtạinướcngoàigặpkhódodịbảng xếp hạng duc Hoằng Hóa, Thanh Hóa) hiện đang làm nông nghiệp cho một trang trại nông nghiệp ở Nhật Bản. Anh Trinh cho biết, anh đã sang đây được 2 năm. Năm 2019 kinh tế ổn định, nhưng từ đầu năm 2020 tới nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên kinh tế Nhật Bản cũng chịu tác động. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và cả người lao động.
"Lúc dịch bệnh lên cao điểm, Nhật Bản áp dụng các biện pháp giãn cách, hàng hóa tiêu thụ chậm. Việc vận chuyển nông sản gặp khó khăn nên công việc của lao động ở nông trại cũng ít đi. Chính bởi vậy thu nhập của các lao động cũng giảm một chút" – anh Trinh nói.
Theo anh Trinh, tiền lương một tháng của anh trung bình khoảng 35 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thời điểm này do khó khăn chung, mức lương có giảm nhẹ. "Lương giảm thì lao động ai cũng buồn, nhưng do tình hình chung nên chúng tôi cũng rất thông cảm với chủ sử dụng. Anh em cũng động viên nhau cố gắng vì biết được dù ít dù nhiều thời điểm này có công việc là tốt rồi" - anh Trinh chia sẻ.
Không riêng tại Nhật Bản, các lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc cũng đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Anh Nguyễn Nhật Cường (27 tuổi, Đông Sơn, Thanh Hóa, hiện đang làm cho công ty gia công nhựa ở Kiengnam, phía Nam Hàn Quốc) đang phải sống chật vật vì đợt này thiếu việc làm, giảm lương. Trước đây cả công ty có hơn 500 công nhân nhưng giờ đã giảm 1/3. Lao động Việt Nam hết hợp đồng về nước từ cuối năm 2019 hiện chỉ còn mình anh Cường làm việc.
Anh Cường cho biết: "Trước đây anh em còn làm tăng ca ngày 12 tiếng, giờ chỉ làm 8 tiếng cơ bản. Có đợt công ty còn cho công nhân nghỉ luân phiên. Hôm nào công ty cho nghỉ chúng tôi lại xin việc làm thêm ở các trang trại nông nghiệp. Đó là cách để lao động nước ngoài bên này duy trì cuộc sống".
Anh Cường cho biết, so với làm nhà máy, công việc làm nông nghiệp vất vả hơn rất nhiều. Lao động phải bê, vác, làm việc dưới thời tiết nắng nóng, mưa dầm. Mức lương lại thấp hơn lương làm cho công xưởng và nhà máy. Thế nhưng trong hoàn cảnh khó khăn như thế này không làm không được. Làm nông nghiệp thì lao động sẽ được trả lương trực tiếp, làm ngày nào tính tiền ngày đó.
Hợp đồng của anh Cường cũng gần hết hạn, trong thời gian chờ đợi về nước, anh tiếp tục làm thêm kiếm sống. Bởi vì ở bên Hàn Quốc, tiền ăn và tiền thuê nhà anh cũng mất 15 triệu. Nếu không làm thêm, với mức lương được tầm 20 triệu công xưởng thì rất khó trụ nổi.
Nhiều lao động không may mắn như anh Cường, hết hạn hợp đồng mà vẫn chưa về nước, xin đi làm thêm mà không xin được việc. Trước tình cảnh khó khăn ấy, nhiều lao động đã phải đi ở nhờ nhà người quen, bạn bè, hoặc nhận làm đủ các công việc chỉ với mong muốn có tiền lo cho cuộc sống hàng ngày bên Hàn Quốc.
Các nước đưa nhiều giải pháp hỗ trợ lao động
Trước những tác động nghiêm trọng từ dịch bệnh, Hàn Quốc cũng đã có những chính sách hỗ trợ lao động nước ngoài đang làm việc tại nước này.
Đầu tiên là chính sách gia hạn làm việc cho lao động đã hết hạn hợp đồng từ tháng 4/2020. Gần đây nhất, trong tháng 9, phía Hàn Quốc cũng cho biết, nước này vừa thông qua các chính sách cho phép lao động nước ngoài đang chờ về nước ở tại nước này được vay tiền từ nguồn bảo hiểm mãn hạn hợp đồng về nước mà người lao động tích lũy được. Các lao động vay tiền phải trả nợ lãi và sau ngày hết hạn hợp đồng vay mà người lao động không trả nợ vay, số tiền này sẽ tự động trừ vào khoản tiền bảo hiểm đã tích lũy được. Khi xuất cảnh về nước, người lao động chỉ còn được nhận số tiền còn lại sau khi đã trừ tiền vay và lãi vay.
Còn tại Nhật Bản, từ tháng 5/2020 nước này đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ. Theo đó, các lao động bị mất việc, tạm nghỉ việc được hỗ trợ một khoản tiền tương đương từ 1,5-1,8 triệu đồng/1 người/1 ngày. Thời gian hưởng trợ cấp trong khoảng từ 90-150 ngày tùy thuộc vào tính chất và độ tuổi. Không chỉ vậy, nước này còn có chính sách hỗ trợ chuyển đổi tư cách lưu trú cho lao động bị tác động, mất việc làm. Lao động được chuyển đổi sang visa "đặc định" có thể nới rộng thời gian lưu trú tới 1 năm và được làm việc ở 14 lĩnh vực.
Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đánh giá cao các chính sách hỗ trợ từ phía các đối tác tiếp nhận lao động. Ông Liêm cũng cho biết, ngoài chính sách của các nước, Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho các lao động. Thông qua ban quản lý lao động ở các nước, Việt Nam đã tăng cường công tác hỗ trợ, tư vấn, giúp lao động yên tâm làm việc, thực hiện cho lao động hết hạn về nước đăng ký các chuyến bay để về nước.
Ông Lê Thanh Hà - Trưởng phòng Hàn Quốc - Tây Á - Châu Phi (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết, theo thông tin từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc thì thời gian cao điểm có khoảng 2.000 lao động Việt Nam hết hạn không về nước được. Con số này luôn biến động, tới nay thì có khoảng 1.000 lao động trong số này đã đăng ký về nước. Đây là số lao động gặp khó khăn nhất, còn về cơ bản lao động còn hợp đồng thì vẫn có công việc ổn định.
Hiện tại, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cũng đã thực hiện chính sách tư vấn, hỗ trợ lao động làm visa chuyển đổi tư cách lưu trú để có thể xin việc làm thời vụ trong ngành nông nghiệp. Trong trường hợp lao động gặp khó khăn sẽ được ban quản lý, đại sứ quán hỗ trợ kịp thời./.
Bùi Tư