Thông tin này được công bố tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và chương trình công tác năm 2019, do Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN), Bộ Tài chính tổ chức vào chiều ngày 20/12/2018. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Hoàn thiện xuất sắc các mặt công tác
Báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục QLN&TCĐN Nguyễn Xuân Thảo cho biết, với 410 đầu việc trên toàn bộ các mặt công tác của năm 2018 đã được đơn vị thực hiện hiệu quả.
Năm 2018, Cục QLN&TCĐN đã triển khai đồng bộ các hoạt động về xây dựng chính sách, thể chế. Cụ thể như: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Quản lý nợ công; tổ chức tốt công tác phổ biến quy định của pháp luật về nợ công theo luật mới và các văn bản hướng dẫn đến các đối tượng có liên quan, công chúng nói chung.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã tổ chức tốt việc tiếp nhận và triển khai các nhiệm vụ mới của Bộ Tài chính theo quy định của Luật Quản lý nợ công; chủ động chuẩn bị các điều kiện về tổ chức bộ máy, củng cố hệ thống số liệu về nợ công, xây dựng và chuẩn hóa để đưa vào áp dụng các quy trình quản lý tại cục.
Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Xuân Thảo đã báo cáo về việc huy động vốn vay cho bù đắp bội chi ngân sách, cho vay lại, tăng cường quản lý, sử dụng vốn, đảm bảo trả nợ công đầy đủ, đúng hạn.
Trong đó, đề cập tới công tác đàm phán ký kết hiệp định vay nước ngoài, bà Thảo cho biết, từ đầu năm đến nay, Cục QLN&TCĐN đã chủ trì đàm phán ký kết 14 hiệp định vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, với tổng trị giá 1,25 tỷ USD.
Cũng trong năm 2018, Cục QLN&TCĐN đã tham gia góp ý cho 134 đề xuất và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho các dự án vay vốn ODA, vay vốn ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, với tổng số vốn tài trợ dự kiến khoảng 4,148 tỷ USD, trong nhiều lĩnh vực như: giao thông; các dự án cơ sở hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu; y tế; cải tạo đô thị.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh |
Đánh giá về việc cho vay lại chính quyền địa phương (CVL CQĐP), bà Nguyễn Xuân Thảo khẳng định, với sự ra đời của Luật Quản lý nợ công năm 2017, hành lang pháp lý cho công tác quản lý nợ và CVL CQĐP trở nên cụ thể và rõ ràng hơn, nhất là với Nghị định số 97/2017/NĐ-CP và Nghị định số 93/2017/NĐ-CP.
Các quy định công khai, minh bạch về tỷ lệ, điều kiện vay lại đã góp phần đẩy nhanh quá trình xác định cơ chế tài chính trong nước cũng như thẩm định cho vay lại để sàng lọc các dự án của địa phương không đảm bảo điều kiện được vay lại ngay từ giai đoạn đề xuất dự án.
Thông tin về công tác quản lý viện trợ, đại diện Cục QLN&TCĐN cho biết, trong năm 2018, tổng trị giá đã thực hiện xác nhận viện trợ là 3.290 tỷ đồng. Trong đó, giá trị viện trợ thực hiện hạch toán ngân sách nhà nước là 3.263 tỷ đồng; đã chuyển số tiền ngoại tệ, tương đương 1.049 tỷ đồng viện trợ vào hỗ trợ trực tiếp ngân sách.
Báo cáo khẳng định, công tác huy động vốn vay, trả nợ chính phủ, công tác cho vay lại, cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ đã bám sát kế hoạch vay trả nợ năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến đến cuối năm 2018, các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội cho phép và thấp hơn dự kiến trong kế hoạch tài chính trung hạn.
Tích cực tham mưu để quản lý nợ công an toàn, bền vững
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã ghi nhận và biểu dương những kết quả, nỗ lực của Cục QLN&TCĐN đạt được trong năm 2018. Thứ trưởng cho rằng, tập thể cán bộ, công chức của Cục QLN&TCĐN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng điểm lại những điểm nhấn nổi bật mà Cục QLN&TCĐN đạt được trong năm 2018, như: tham mưu giúp Bộ Tài chính hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý nợ công năm 2017; tham mưu giúp lãnh đạo bộ trong việc tiếp nhận công tác đàm phán, ký kết các nghị định khung, các nghị định vay ODA cụ thể.
Đồng thời, Cục QLN&TCĐN cũng tham mưu giúp Bộ Tài chính quản lý nợ công bền vững, góp phần tái cơ cấu ngân sách, đúng với tinh thần kết luận của Bộ Chính trị. Báo cáo cho thấy, nợ công, nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh cũng đã giảm xuống. Đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế nói chung, cho công tác quản lý tài chính nói riêng.
Cùng với đó, Cục QLN&TCĐN đã phối hợp với bộ, ngành, địa phương hoàn thành nhiệm vụ vay nợ, trả nợ vốn nước ngoài, trong đó có cấu phần quan trọng do cục trực tiếp quản lý là huy động vốn nước ngoài.
Cục trưởng Cục QLN&TCĐN Trương Hùng Long phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính. Ảnh: Đức Minh |
Cũng theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, Cục QLN&TCĐN đã giúp Bộ Tài chính có sự chuyển biến tích cực hơn trong công tác bảo lãnh chính phủ, vay về cho vay lại; đặc biệt là quy định về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài đối với địa phương theo Nghị định 52/2017/NĐ-CP, qua đó tạo điều kiện giảm áp lực cho ngân sách trung ương, đồng thời nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vay và trả nợ.
Bên cạnh đó, Cục QLN&TCĐN có sự điều chỉnh trong công tác quản lý nội bộ, quan tâm nhiều hơn tới công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch số liệu nợ công.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng chỉ ra một số yêu cầu mà Cục QLN&TCĐN cần tiếp tục lưu ý, rà soát, thực hiện trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Thay mặt toàn thể cán bộ công chức của Cục QLN&TCĐN, Cục trưởng Trương Hùng Long đã lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, đồng thời cam kết sẽ triển khai thực hiện ngay các chỉ đạo này./.
Đức Minh