Trung Quốc lùi thời gian thông quan, Bộ Công Thương lập tức lên tiếng | |
Thông quan hơn 60 xe nông sản ở cửa khẩu quốc tế Lào Cai | |
Hàn Quốc hỗ trợ tiêu thụ nông, thủy sản Việt Nam giữa dịch corona |
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì cuộc họp |
Phát biểu tại cuộc họp của Bộ Công Thương về giải quyết khó khăn cho tiêu thụ nông sản do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV) diễn ra chiều nay 11/2, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho hay: Dịch nCoV gây ảnh hưởng khá lớn tới tiêu thụ nông sản trên toàn tỉnh bởi phần lớn sản phẩm nông sản đều tập trung xuất khẩu sang Trung Quốc.
Lượng sản phẩm tồn đọng khá lớn và trong tương lai dự tính ngày một xấu đi. Hiện nay, tồn đọng lớn nhất là mặt hàng khoai lang khoảng 11.000 tấn, ớt khoảng 6.700 tấn, nhãn khoảng 1.200 tấn…
Ngoài ra, xoài là mặt hàng chủ lực của Đồng Tháp, khoảng 30 ngày nữa thu hoạch. Với diện tích gần 11.000 ha xoài cát chu và xoài cát hòa lộc, sản lượng thu hoạch dự kiến khoảng 90.000 tấn.
“Đồng Tháp đề xuất Bộ Công Thương đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ các hợp tác xã và người sản xuất về chi phí sản xuất, tiêu thụ, lãi suất ngân hàng, thu mua tạm trữ, sơ chế hoặc sử dụng kho đông lạnh để bảo quản nông sản kéo dài trong thời gian thu hoạch”, ông Dũng nói.
Cùng nỗi lo tiêu thụ nông sản, bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Đồng Nai) cho hay: Sản phẩm đang vào mùa thu hoạch bị ảnh hưởng khâu tiêu thụ bởi dịch nCoV là chuối và xoài.
Nếu dịch nCoV tiếp tục kéo dài, một số mặt hàng có thể ảnh hưởng là: Mít với sản lượng ước tính 47.200 tấn, thu hoạch từ tháng 4-7; chôm chôm với sản lượng ước tính 155.870 tấn, thời gian thu hoạch từ tháng 5-9; sầu riêng với sản lượng ước tính 39.000 tấn, thời gian thu hoạch từ tháng 4-8. Địa phương kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ kết nối tiêu thụ với các sản phẩm nói trên.
Bình Thuận là một trong những địa phương bị ảnh hưởng khá nặng nề trong khâu tiêu thụ nông sản do dịch nCoV, đặc biệt là mặt hàng thanh long. Theo ông Hà Lê Thanh Chung, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận: Tổng sản lượng thu hoạch thanh long tháng 2 và 3 trên toàn tỉnh dự kiến đạt 96.111 tấn.
Không thực sự tái cơ cấu, sản xuất theo nhu cầu thị trường, nông sản Việt còn tiếp tục đối mặt tình trạng "giải cứu". Ảnh: Nguyễn Thanh |
Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu có kho lạnh vẫn đang tiến hành thu mua thanh long cho bà con. Sở Công Thương đã kiến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm cách thuê thêm kho lạnh để tiêp tục thu mua thanh long cho bà con. Tuy nhiên, địa phương cũng mong muốn sự hỗ trợ của các doanh nghiệp bán lẻ như siêu thị, hệ thống trung tâm thương mại…
Hiện nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu nghiên cứu thị trường Campuchia và Myanmar, tìm cách liên kết với doanh nghiệp nhập khẩu.
Với mức giá thanh long như hiện nay, thanh long Việt có thể vào được 2 thị trường kể trên. Bên cạnh đó, với xuất khẩu chính ngạch mặt hàng thanh long, địa phương kiến nghị Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.
“Hiện nay, doanh nghiệp chưa có đầu ra nhưng vẫn tiến hành thu mua sản phẩm, bảo quản kho lạnh, thậm chí thuê kho của doanh nghiệp logistics để chứa. Bởi vậy, một số doanh nghiệp kiến nghị được hỗ trợ tiền điện”, ông Chung nói.
Có ý kiến tương đồng với ông Chung, ông Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang cho biết: Tỉnh có nhiều mặt hàng trái cây xuất khẩu như sầu riêng, mít, thanh long, bưởi da xanh, xoài… Đáng chú ý, gần 70% được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
“Tôi đề xuất thúc đẩy xúc tiến thương mại; phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ địa phương có nhà máy chế biến… Về chính sách cần hỗ trợ chi phí lưu kho, tiền điện… Ngoài ra, doanh nghiệp còn mong muốn giảm chi phí logistics nói chung bởi hiện nay chi phí logistics của Việt Nam vẫn khá cao, làm ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh hàng nông sản xuất khẩu nói riêng và hàng hóa xuất khẩu nói chung”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tuy đối mặt nhiều khó khăn, song ông Tuấn cũng bày tỏ góc nhìn khả quan: Tình huống hiện tại cũng là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa tái cơ cấu ngành nông nghiệp, để có thể đảm bảo phát triển bền vững ngành hàng cần thực sự sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận: Riêng với mặt hàng thanh long mùa vụ khá ngắn nên trước hết phải tập trung vào thị trường nội địa. Ngoài ra, thị trường thúc đẩy xuất khẩu hướng đến là Campuchia và Myanmar tương đối khả thi, đề nghị Vụ Thị trường châu Á-châu Phi lưu ý vấn đề này.
“Với kiến nghị của Sở Công Thương Tiền Giang, Bình Thuận liên quan tới hỗ trợ chi phí tiền điện, giảm chi phí logistics hay giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…, chúng tôi sẽ tổng hợp lại để kiến nghị với các cơ quan, các cấp có thẩm quyền. Về dài lâu, căn cơ để giải quyết vấn đề, tránh lặp lại tình trạng “giải cứu” nông sản là phải tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.