Ngày 23/7, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Dương Thanh Bình có buổi làm việc với Đoàn khảo sát, kiểm tra thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” do Uỷ viên Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý làm Trưởng đoàn.
(CMO-HNP)Ngày 23/7, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Dương Thanh Bình có buổi làm việc với Đoàn khảo sát, kiểm tra thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” do Uỷ viên Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý làm Trưởng đoàn.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã đạt được những kết quả nhất định, tạo cơ sở pháp lý cho việc lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Cơ quan có thẩm quyền các cấp trong tỉnh đã ban hành 2.813 văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004. Trong đó, cấp tỉnh ban hành 382 văn bản (gồm 201 Nghị quyết và 181 quyết định, chỉ thị); cấp huyện ban hành 749 văn bản (gồm 332 Nghị quyết và 417 quyết định, chỉ thị); cấp xã ban hành 1.682 văn bản (gồm 1.581 Nghị quyết và 101 quyết định, chỉ thị).
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn đã tham gia góp ý vào dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư của các cơ quan Trung ương. Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành cơ bản đảm bảo quy định về thể thức, thẩm quyền, sát với thực tiễn quản lý, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; là cơ sở pháp lý để chính quyền các cấp, các ngành tổ chức thực hiện, đồng thời là căn cứ để Nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát và trực tiếp tham gia vào hoạt động của Nhà nước.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh thường xuyên được kiểm tra, rà soát; loại bỏ những văn bản không còn phù hợp, sửa đổi, bổ sung những văn bản có khiếm khuyết; thường xuyên được đánh giá, xác định hiệu lực, đảm bảo tính khả thi, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý Nhà nước trên địa bàn./.