Một trong những nguyên nhân được Bộ Tài chính đưa ra do nhiều thủ tục về thành lập, kinh doanh, tạm dừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản doanh nghiệp...đã được đơn giản và giảm thiểu. Điều này tuy đã cải thiện và tạo thuận lợi đáng kể cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, song, ở khía cạnh khác cũng tạo cơ hội cho một số đối tượng lợi dụng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan về doanh nghiệp XNK trong năm 2015 và 2016 cho thấy: có 49 doanh nghiệp có thời gian hoạt động XNK dưới 1 năm kể từ ngày thành lập và có thông báo tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản; 1.043 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh và không còn hoạt động XNK trong thời hạn 6 tháng trở lên tính từ thời điểm hoạt động XNK lần cuối; 15.379 doanh nghiệp không có hoạt động XNK từ 6 tháng trở lên nhưng không thông báo với cơ quan chức năng về việc tạm ngừng, ngừng hoạt động mà thông tin của doanh nghiệp trên hệ thống là "đang hoạt động".
Đặc biệt, 24 doanh nghiệp vi phạm bị cơ quan Hải quan phát hiện, ban hành quyết định ấn định thuế, yêu cầu doanh nghiệp nộp hồ sơ bổ sung tiền thuế. Tuy nhiên, để trốn tránh nghĩa vụ thuế, các doanh nghiệp này đã bỏ địa chỉ kinh doanh, thông báo giải thể, phá sản hoặc đăng ký tạm ngừng, ngừng hoạt động.
Danh tính các doanh nghiệp này cũng được thống kê khá rõ gồm: Chi nhánh Công ty TNHH Trí Phúc 2; Công ty TNHH Thương mại và Chế biến gỗ Tiến Phát; Công ty TNHH Phát triển thương mại dịch vụ XNK Sao Việt; Công ty TNHH thương mại Bảo An... Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi 24 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, đăng ký tạm ngừng, ngừng hoạt động nhưng vẫn còn nợ thuế XNK.
Bên cạnh đó, có 8 doanh nghiệp còn đang nợ 12,566 tỷ đồng tiền thuế XNK và không có thông tin xác nhận nợ thuế tại cơ quan Hải quan nhưng có thông tin đã giải thể trên hệ thống dữ liệu quốc gia. Đó là các Công ty TNHH: Xương Ngọc; Dân Thái; Thực phẩm Thái Bình Dương; Văn Tư; Chế biến nông lâm sản và thực phẩm Tân Hải Minh; An An Gia; An Thịnh An. Bộ Tài chính đề nghị kiểm tra, xác minh, làm rõ về thủ tục hồ sơ giải thể đối với 8 doanh nghiệp này.
Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phản ánh tình trạng này, Bộ Tài chính có nhấn mạnh: Các đối tượng thường sử dụng phương thức thủ đoạn đứng tên hoặc thuê người đứng tên thành lập nhiều doanh nghiệp cùng tham gia hoạt động XNK, sau thời gian hoạt động nếu thấy có nguy cơ bị phát hiện gian lận thì tạm ngừng hoạt động và chuyển sang hoạt động doanh nghiệp khác, hoặc sử dụng đồng thời hoặc luân phiên các doanh nghiệp hoạt động XNK nhằm né tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan Hải quan; hoặc khi bị cơ quan chức năng phát hiện vi phạm thì ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh để trốn tránh nghĩa vụ thuế hoặc trách nhiệm pháp lý,…
Trước thực trạng trên, để tạo thuận lợi đồng thời tăng cường quản lý việc tuân thủ pháp luật đối với doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hoàn thiện cơ chế thành lập, quản lý doanh nghiệp để khắc phục tình trạng doanh nghiệp lợi dụng gian lận.