Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lao Bảo khởi sắc ngày đầu năm | |
Gần 500 lô hàng xuất khẩu qua cảng Cát Lái trong những ngày đầu năm | |
Tận dụng lợi thế thương mại điện tử xuất khẩu hàng hóa |
Công chức Hải quan TPHCM làm thủ tục cho hàng xuất khẩu qua đường hàng không. Ảnh: T.H |
Mở rộng quy mô sản xuất, xuất khẩu
Ngay trong những ngày đầu tháng 1/2022, Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta - doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn của tỉnh Sóc Trăng- đã đăng thông tin tuyển dụng trên 1.000 công nhân lao động. Theo lãnh đạo công ty này, số lượng công nhân tuyển dụng đợt này nhằm tăng cường cho các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu của doanh nghiệp. Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng thành quả chế biến, xuất khẩu tôm của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta trong năm 2021 đạt cao nhất trong lịch sử 26 năm hình thành của doanh nghiệp này, với doanh số đạt 213 triệu USD, tăng hơn 12%; lợi nhuận đạt trên 280 tỷ đồng, tăng trên 15% so với cùng kỳ. Với đà tăng trưởng này, ngay từ đầu năm Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta đã mở rộng quy mô, tăng công nhân cho khâu chế biến, xuất khẩu.
Tương tự, trong tháng 1/2022, Công ty Cổ phần Nam Việt dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 8.000 tấn thành phẩm cá tra các loại, với tổng giá trị 20 triệu USD, tăng từ 60-70% so cùng kỳ năm 2021. Cùng với việc gia tăng mạnh về sản lượng xuất khẩu, giá cá tra xuất khẩu đợt này cũng tăng lên mức bình quân từ 2,6 -2,7 USD/kg, cao hơn giá bình quân của năm 2021 là 2,3 - 2,4 USD/kg.
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Nam Việt, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá tra trên thế giới đang tăng, bởi thời gian qua, các doanh nghiệp chưa thể xuất khẩu nhiều được do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, cộng với việc vận chuyển khó khăn… Hiện nay, nguồn nguyên liệu sản xuất khá ổn định nhờ vùng nuôi rộng tới 1.000 ha; cùng với lực lượng công nhân trở lại làm việc đầy đủ, tất cả đều được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, nên tập đoàn đẩy mạnh chế biến xuất khẩu. Đơn hàng xuất khẩu của công ty đã lấp đầy công suất đến quý 1/2022 và tất cả đơn hàng đều được ký với giá cao.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản năm 2021 phục hồi ngoạn mục trong những tháng cuối năm đã đưa kết quả xuất khẩu của cả năm cán đích 8,9 tỷ USD. Dự đoán, năm 2022, xuất khẩu thủy sản của cả nước sẽ đạt vượt kết quả năm 2021.
Tăng tốc từ đầu năm
Ngoài doanh nghiệp thủy sản, nhiều mặt hàng xuất khẩu cũng được các doanh nghiệp tranh thủ tăng tốc xuất khẩu ngay từ đầu năm. Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành ghi nhận tổng doanh thu năm 2021 tăng 4% so với kế hoạch, đạt 338,6 tỷ đồng. Trong đó, xuất khẩu tiếp tục là kênh mang về lượng lớn doanh thu cho công ty khi chiếm tới 85%. Khoảng 76% tổng sản phẩm xuất khẩu của Đức Thành trong năm vừa qua được vận chuyển đến các quốc gia châu Á.
Hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu cảng biển, sân bay trong những ngày đầu năm mới 2022 cũng khá tấp nập. Chỉ tính riêng trong 3 ngày đầu năm, mặc dù là những ngày nghỉ lễ, nhưng đã có gần 500 lô hàng xuất khẩu qua cảng Cát Lái đã được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 làm thủ tục thông quan, với tổng kim ngạch trên 54 triệu USD. Trong đó, trong ngày đầu năm có 160 lô hàng xuất khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã làm thủ tục thông quan gần 160 tờ khai xuất khẩu hàng hóa, với tổng kim ngạch trên 15 triệu USD. Ngoài ra, trong ngày cuối cùng của năm 2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn 1 đã làm thủ tục cho hàng xuất khẩu tăng đột biến, với gần 1.200 lô hàng, với tổng kim ngạch xuất khẩu trên 82 triệu USD. Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng nông, thủy sản, trái cây tươi...
Theo kết quả khảo sát của UBND TPHCM, các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý 1/2022 khả quan hơn, với 74,3% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý 4/2021; 25,7% doanh nghiệp dự báo giảm.
Tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn bị tác động do dịch Covid-19. Dự báo số lượng lao động trong quý 1/2022 so với quý 4/2021 sẽ tăng hoặc giữ nguyên, với 75,7% số doanh nghiệp lựa chọn; chỉ có 24,3% doanh nghiệp dự kiến quy mô lao động giảm. Dự báo quý 1/2022 so với quý 3/2021 có 84,9% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất cho một đơn vị sản phẩm chính tăng và giữ nguyên (33,3% tăng và 51,6% giữ nguyên); 15,1% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất giảm.
Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng, số lượng lao động đang được các doanh nghiệp bổ sung là dấu hiệu cho thấy nhu cầu của khách hàng ở nước ngoài đang dần cải thiện, các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng tốc xuất khẩu trong những tháng đầu năm mới.