Đồng chủ trì Toạ đàm là TS Vũ Hoài Nam,ạđàmquotĐổimớitưduyxâydựngphápluậttrongKỷnguyênmớketquanongda Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; Ông Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật.
Toạ đàm có sự tham gia của GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; GS.TS Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển; GS.TS Phan Trung Lý - nguyên chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội; GS. TS Hoàng Thị Kim Quế - Trường Đại học luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Nhà báo Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Ông Phạm Tuấn Khải, nguyên vụ trưởng vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ…; cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, Luật sư, doanh nghiệp.
Toàn cảnh Toạ đàm |
Xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” nêu rõ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế đạt nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật nước ta ngày càng hoàn thiện, tập trung thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kìm hãm sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên công tác xây dựng pháp luật cũng còn một số tồn tại, hạn chế.
Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu: Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Trong bối cảnh đó, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cách làm mới trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Đại hội Đảng, mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu khai mạc Toạ đàm. |
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnhnhiệt liệt chào mừng và cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu Bộ, ngành, doanh nghiệp đã quan tâm, dự và phát biểu tại Tọa đàm.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có các bài viết, bài phát biểu quan trọng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và công tác xây dựng pháp luật, trong đó có những thông điệp, tư duy, tư tưởng mới cần nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn như: Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10, Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV của Tổng Bí thư Tô Lâm; các bài viết của Tổng Bí thư: "Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”, và đặc biệt là bài viết "Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam".
Để kịp thời tổ chức triển khai quan điểm, chỉ đạo của Tổng Bí thư về công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã giao Báo Pháp luật Việt Nam xây dựng Chuyên mục "Thể chế trong Kỷ nguyên mới" và tổ chức Tọa đàm hôm nay với Chủ đề: "Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong Kỷ nguyên mới". Tọa đàm có ý nghĩa rất lớn trong việc định hướng nội dung cho Chuyên mục quan trọng này.
Đổi mới tư duy, quan điểm, quy trình xây dựng luật là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách thời gian tới nhằm tạo đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Các ý kiến đại biểu chia sẻ tại Toạ đàm sẽ góp phần nhận diện những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật; đặc biệt vai trò của đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Các ý kiến tham luận tại Tọa đàm sẽ là nguồn cứ liệu quý báu để Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để triển khai ý kiến chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
TS. Nhị Lê - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại Toạ đàm. |
Tại Toạ đàm, TS. Nhị Lê - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong Kỷ nguyên mới là chủ đề mới trong bối cảnh mới. Sau 40 năm đổi mới, cùng với những kết quả đạt được thì đất nước ta cũng phát hiện điểm nghẽn trong thể chế pháp luật. "Để đạt được mục tiêu 21 năm tới trở thành nước phát triển, vấn đề thể chế là then chốt", TS. Nhị Lê khẳng định.
Theo nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, thể chế được xây dựng từ hai nhân tố Pháp trị và Đức trị. Nghĩa là, thể chế được xây dựng từ luật pháp thống nhất với truyền thống xã hội, dư luận xã hội, pháp lý quốc tế và thông lệ quốc tế, nhằm định hướng và bảo đảm mọi sự phát triển kinh tế xã hội một cách thống nhất và cân bằng.
Hơn lúc nào hết, Đảng ta phải tiếp tục chủ động, chủ động hơn và kiên định "nắm chắc" luật pháp để cầm quyền, bảo đảm thống nhất vai trò lãnh đạo, trách nhiệm lịch sử; Bảo đảm thượng tôn pháp luật nhằm nâng cao vị thế, vai trò và sức mạnh lãnh đạo của Đảng đối với đất nước thông qua Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
TS.Nhị Lê cũng mong muốn hệ thống pháp luật nước ta ngày càng đồng bộ, thống nhất hơn. Ông đồng thời gợi mở một số giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Liên quan đến chủ đề hội thảo, GS.TS. Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật (Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam), nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội nêu những ý kiến tâm huyết về vấn đề chủ quyền của Nhân dân. Theo GS.TS. Trần Ngọc Cường, đây là giá trị cốt lõi của Nhà nước Pháp quyền nói chung và Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam nói riêng.
GS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật (Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam), nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội nêu những ý kiến tâm huyết. |
Trong Hiến pháp 2023 và từ Đại hội Đảng 13 đến nay, chủ quyền Nhân dân được đề cao. Nhân dân là chủ thể, quyền chủ quyền của nhân dân…, những khái niệm này cho thấy chủ quyền của nhân dân cao hơn quyền lực nhà nước. Nhân dân thực hiện quyền, giao quyền lập pháp cho Quốc hội… Quyền lực nhà nước phải được kiểm soát chặt chẽ, Nhân dân góp phần tích cực kiểm soát quyền lực Nhà nước.
"Trong điều kiện mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền trong kỷ nguyên mới, tôi nghĩ một mặt phải đảm bảo quyền lập pháp của Quốc hội, và Quốc hội xem xét ủy quyền cho Chính phủ, Quốc hội có thể ủy quyền nhiều hơn cho Chính phủ. Nhưng sự ủy quyền này phải rất chặt chẽ. Quốc hội chỉ uỷ quyền cho Chính phủ, không uỷ quyền cho Bộ và chính quyền địa phương", nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói. "Hoạt động lập pháp phải đổi mới, phải đảm bảo quyền của Nhân dân, phải đảm bảo giá trị cốt lõi, không thể ban hành luật một cách tùy tiện, cần liên tục đề cao chủ quyền của Nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền".
GS.TS Phan Trung Lý - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. |
Tại Toạ đàm, GS.TS Phan Trung Lý - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề đang đặt ra là đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong Kỷ nguyên mới thế nào để tránh bị lạc hậu và có thể theo kịp phát triển chung.
Theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cần bước đột phá trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật nói chung và trong từng bộ phận hợp thành công tác xây dựng pháp luật.
"Cần xác định tư duy lập pháp, lập quy, tư duy pháp luật nói chung. Trước hết phải tư duy về hệ thống pháp luật hiện nay ra sao, mối quan hệ giữa pháp luật Việt Nam với quốc tế như thế nào, cách làm luật như hiện nay đã giải quyết được vấn đề thực tiễn chưa, điểm nghẽn trong thể chế là gì, quan hệ giữa hệ thống pháp luật với các quy phạm khác ra sao…", GS.TS Phan Trung Lý nêu. "Lập pháp phải thể hiện quyền và ý chí của Nhân dân, nguyên tắc không ủy quyền, đề nghị không tiếp tục ủy quyền trong lập pháp đồng thời làm rõ phạm vi, thẩm quyền lập pháp. Pháp luật phải thống nhất nhưng cần làm rõ hơn vấn đề phân quyền, phân cấp".
PGS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng trung ương. |
Bày tỏ tán thành đề dẫn của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh và và các ý kiến các đại biểu đã phát biểu, PGS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng trung ươngđồng thời cho rằng, có lẽ cần phải nghiên cứu thêm các vấn đề toạ đàm gợi mở.
Cho rằng cần làm rõ “kỷ nguyên mới” là gì, nội hàm thế nào, điều kiện thực hiện ra sao..., PGS Vũ Văn Phúc cho rằng cần chú ý 8 vấn đề: Đảng lãnh đạo thể chế, chủ trương thành Hiến pháp, pháp luật. Theo ý kiến của Tổng Bí thư, cần phân tích rõ vai trò lãnh đạo và quản lý của Đảng, không bao biện làm thay và không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng; Đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc; Đảm bảo Nhân dân là gốc, Nhân dân là chủ, là mục tiêu, đảm bảo lợi ích hợp pháp của Nhân dân;
Đảm bảo nguyên tắc xây dựng pháp luật chặt chẽ, khoa học, dân chủ. Luật phải tiếp tục khơi thông sự phát triển, thu hút nguồn lực phát triển, bảo vệ được cán bộ, linh hoạt phản ứng chính sách…; Luật phải là luật khung; Phải đẩy mạnh phân cấp phân quyền...
Ông Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ nêu ý kiến tại Toạ đàm. |
Ông Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ tâm đắc với những tư tưởng, định hướng được chỉ ra tại bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, thể chế.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đồng thời nêu lên khó khăn trong công tác xây dựng luật, văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là một số luật gần đây như Luật Phòng, chống tham nhũng liên quan tới quy định kiểm soát tài sản. Theo ông, còn quy định khác nhau giữa quy định pháp luật với quy định của Đảng về vấn đề này.
Tuy nhiên, ông vui mừng khi hiện nay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang được nghiên cứu sửa đổi. Chỉ ra thực tế hiện nay quy trình làm luật gần như 100% do Chính phủ trình và một số vấn đề trong việc quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, ông Đinh Văn Minh nhấn mạnh, xây dựng Luật chỉ mang tính nguyên tắc, phải phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm soát. Trong đó cần nêu cao vai trò của cơ quan tư pháp trong công tác này.
Ông Phạm Tuấn Khải - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ. |
Ông Phạm Tuấn Khải - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủchia sẻ, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua tài liệu, ông thấy Tổng Bí thư nói rất nhiều đến "điểm nghẽn" là thể chế.
Theo vị nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật là một quá trình. Trước những năm 1990, Luật rất ít, chủ yếu là Nghị định. Quá trình hội nhập cho thấy sự phát triển mạnh của chức năng lập pháp.
Ông Phạm Tuấn Khải cho rằng, việc xây dựng luật phải có ý kiến của đối tượng tác động và phải đề cao quyền lợi của người dân. Trong đổi mới duy xây dựng pháp luật, cần "gỡ vướng" quan hệ giữa chính sách và pháp luật để tránh luật và chính sách có sự vênh nhau.
"Tôi đồng ý quan điểm luật chỉ mang tính nguyên tắc, nhưng sau đó Quốc hội vẫn phải giám sát việc triển khai luật. Phải tăng cường chất lượng của đại biểu Quốc hội. Tôi đề nghị Bộ Tư pháp cũng tăng cường vai trò trong vấn đề này", vị nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến. "Bộ máy Chính phủ cũng phải hoàn thiện trong vấn đề phân cấp, phân quyền. Thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng cần khác nhau trong hệ thống hành chính hiện nay".
GS.TS Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam |
Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật không phải là vấn đề mới nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có căn cứ để thực hiện việc đổi mới tư duy, khi đang chứng kiến sự phát triển không lường trước của nền kinh tế số, thương mại hoá toàn cầu. Tuy nhiên, thực sự bứt phá và đổi mới được, chúng ta phải xác định những vấn đề còn "vướng".
"Tư duy đầu tiên phải nói là tư duy về chính sách và tư duy về lập pháp. Tư duy này đòi hỏi chúng ta phải "biến" chủ trương, chính sách của Đảng thành những quy định pháp luật, nêu rõ quyền và nghĩa vụ đến đâu. Bên cạnh đó, chúng ta cần thay đổi tư duy cơ quan quản lý lĩnh vực nào thì xây dựng luật cho lĩnh vực đó bởi nếu vẫn theo tư duy này thì không tránh được tư duy ngành, tư duy cục bộ", GS.TS Hạnh nêu ý kiến.
Về tư duy hành pháp, Chính phủ là cơ quan thực thi pháp luật, được quyền ban hành các quy định. Tuy nhiên, GS Hạnh nhận thấy, Chính phủ "đang phải làm công tác xây dựng pháp luật quá nhiều", nên đưa Chính phủ về đúng vị trị là cơ quan hành pháp, ban hành quy định "nhắm" vào thực hiện các luật của Quốc hội.
Về tư duy đạo đức, GS Hạnh nhấn mạnh, đạo đức là dân chủ, phát huy các giá trị tự điều chỉnh trong xã hội. Với tư duy về cán bộ, thời gian tới, chúng ta cần phát huy hơn nữa yếu tố dân chủ trong nguyên tắc dân chủ tập trung.