Ít được hỗ trợ
Nhận xét về khó khăn của các DN tại địa phương, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho rằng, phần lớn DN vẫn ở quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh kém, sử dụng thiết bị lạc hậu, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng thấp. Khối DN này cũng thường xuyên phải đối mặt với việc thiếu vốn, thiếu nhân lực, thiếu mặt bằng phù hợp, khó tiếp cận các nguồn lực phục vụ phát triển. Không chỉ DN tại các tỉnh vừa và nhỏ, ngay tại địa bàn Hà Nội, vị này cho biết, phần lớn DN nhỏ chưa có chiến lược kinh doanh cụ thể, chưa xác định được khách hàng mục tiêu và chưa có tài sản thế chấp để thiết phục khách hàng hoặc nhà đầu tư.
Các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ thời gian gần đây luôn có phần yêu cầu các địa phương phải tìm cách tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc cho DN, tăng cường công tác tiếp xúc giữa DN với địa phương… nhằm giúp các DN nâng cao năng lực, thêm cơ hội và điều kiện mở rộng đầu tư kinh doanh. Vì thế, nhiều địa phương đã triển khai nhiều hình thức, sáng kiến, mô hình nhằm hỗ trợ DN. Tiêu biểu như mô hình “Cà phê Doanh nhân” đã được nhân rộng triển khai tại nhiều địa phương, giúp vướng mắc, khó khăn của DN được giải quyết nhanh chóng; giúp lãnh đạo địa phương hiểu về thị trường, hoạt động của DN để từ đó có những chính sách điều hành phù hợp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của không ít DN, các hoạt động hỗ trợ vẫn chưa nhiều, chưa đa dạng đến từng loại hình DN, chưa đúng và chưa trúng với nhu cầu của DN. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, đâu đó vẫn còn chuyện chính quyền địa phương dành nhiều ưu đãi về hợp đồng và nguồn lực cho DN thân hữu.
Nói về vấn đề này, ông Lê Văn Dũng, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ ABSoft cho hay, hiện DN vẫn đang phải “tự lực” trong mọi hoạt động, hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào từ địa phương. Các chính sách ưu đãi thuế, miễn giảm thuế chỉ dành cho DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao của Nhà nước. Trong khi DN đang gặp nhiều khó khăn hơn về kinh nghiệm quản trị, nguồn vốn, nhân lực, vận chuyển…
Đặc biệt, với khó khăn lớn về vốn, sự hỗ trợ tại địa phương vẫn chưa có nhiều, các DN cho rằng chủ yếu vẫn dừng ở việc kết nối cho DN đến ngân hàng và ngược lại. Ông Hà Ngọc Hoa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Bắc Giang cho hay, tại địa phương, DN có nhu cầu về vốn thì hiệp hội, địa phương sẽ giúp liên kết với ngân hàng, nhờ vậy, thủ tục vay vốn sẽ thuận lợi hơn. Nhưng sự hỗ trợ DN cần hơn là hạ lãi suất cho vay, tiếp cận nguồn vốn rẻ thì vẫn chưa được thực hiện.
"Tự thân vận động"
Theo các chuyên gia, để tạo điều kiện cho DN tư nhân, DN vừa và nhỏ phát triển, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu thành lập các trung tâm hỗ trợ DN thành một hệ thống toàn quốc từ Trung ương đến địa phương. Hơn nữa, các địa phương cũng cần nhanh chóng xây dựng trung tâm hành chính công để mọi công việc được tập trung, thực hiện các thủ tục một cách nhanh nhất, rút ngắn thời gian và giảm chi phí không cần thiết cho DN… Ngoài ra, DN cũng mong muốn, cơ quan tại địa phương nên là đầu mối tổ chức các chương trình hội thảo, giao thương, xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng… giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh.
Từ những khó khăn nêu trên, một mặt các DN mong muốn nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, mặt khác, các DN cho rằng, tự bản thân DN phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo dựng niềm tin cho khách hàng.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Hoa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Antourist, DN mới thành lập nên thương hiệu chưa có. Vì thế, DN phải tự đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng để dần dần lấy được tín nhiệm của khách hàng. Đây là những vấn đề mà địa phương và các cơ quan quản lý không thể hỗ trợ, chỉ có thể là DN “tự thân vận động”.
Có thể thấy rằng, sự phát triển của DN không chỉ phụ thuộc vào tính chủ động, nỗ lực của từng DN mà còn cần sự giúp sức hợp lý của các cơ quan quản lý. Điều này càng cần thiết với các DN tại các địa phương chưa có nhiều điều kiện phát triển. Thực tế cho thấy, đội ngũ DN tư nhân đang đóng góp lớn vào sự phát triển chung của nền kinh tế, vì thế, chính sách phát triển khối DN này hợp lý sẽ là động lực quan trọng cho sự tiến lên của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.