Xa quê hương đã lâu, nay mới có dịp được cùng cán bộ và nhân dân tỉnh nhà đóng góp công sức xây dựng quê hương ngay sau ngày tỉnh Quảng Bình mới lập lại. Trong lòng tôi và anh em vô cùng phấn khởi và tự hào. Ai cũng mong muốn đóng góp thật nhiều công sức để xây dựng quê hương mau chóng trở thành một tỉnh giàu đẹp.
Ngày ấy, trạm trả hàng Đồng Hới có biên chế khoảng 10 người, sau đó bổ sung dần, có lúc biên chế lên đến 18 người. Anh Lê Quê được giao đảm nhiệm chức vụ trạm trưởng, anh Đinh Phú Hòa là trạm phó. Nhiệm vụ của trạm là làm thủ tục nhập khẩu cho hàng hóa của người hợp tác lao động tại các nước thuộc khối Xã hội chủ nghĩa gửi về Việt Nam cho người thân trên địa bàn các tỉnh Bình Trị Thiên (gọi là hàng hóa 156) và làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu mậu dịch cho hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Được trở về quê, bất chấp mọi khó khăn, vất vả, gian nan trong điều kiện ăn, ở, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng thiếu thốn đủ điều nhưng mọi người đều hào hứng, yêu Ngành, yêu nghề, yên tâm công tác. Nhớ lại thủa ban đầu khi mới từ Quảng Trị khăn gói về quê nhận nhiệm vụ, tất cả cán bộ nhân viên Hải quan đều hai bàn tay trắng, khó khăn chồng chất khó khăn. Nói là về quê, nhưng ai cũng ở xa nhà, gia đình nào cũng phải nương nhờ ở tạm nhà dân hoặc anh em, bạn bè. Tôi cũng trong hoàn cảnh ấy, gửi vợ con ở lại quê nhà cách thị xã Đồng Hới hơn 20 km, may mắn được anh bạn, cán bộ ở Huế khi chia tỉnh mới ra, làm việc tại Công ty Điện ảnh Quảng Bình cho ở nhờ tại phòng tập thể. Hai anh em nằm chung một giường, báo cơm ăn hai bữa tại bếp tập thể Công ty Điện ảnh. Có anh trong đơn vị, cả gia đình có đến 7 người, được một trường học cho ở nhờ 1 phòng chừng 20 m2, tất cả đồ đạc và sinh hoạt hàng ngày đều quây quần dưới tán cây bàng ở trước sân…
Thị xã Đồng Hới sau 15 năm thống nhất đất nước (từ 1975- 1990) không được đầu tư xây dựng, vẫn còn nguyên vẹn một đống hoang tàn, bị máy bay Mỹ oanh tạc san phẳng trong chiến tranh, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì. Hệ thống giao thông trong thị xã xuống cấp nghiêm trọng, toàn thị xã không có được một mét đường nhựa trọn vẹn, chỉ toàn đường đất nhỏ gồ ghề, đi lại rất khó khăn. Cán bộ nhân viên đi làm từ nhà đến nhiệm sở, có khi chỉ vài trăm mét mà mang trên mình một màu đất đỏ. Nhiều người đi làm phải mặc áo nylon giữa trời nắng gắt để tránh bụi đỏ khi đến cơ quan…
Những năm đầu tái lập tỉnh, Quảng Bình như một đại công trường, bắt đầu triển khai xây dựng lại từ con số không. Các con đường bắt đầu được mở, nới rộng ra, rải đá, trải nhựa đường; các trụ sở cơ quan và khu dân cư dần dần được mọc lên.
Trụ sở làm việc lúc đầu của trạm trả hàng Đồng Hới đặt tại nhà bác Hoạch, phường Đồng Phú. Nhờ sự cưu mang, đùm bọc của người dân, đơn vị mượn được một phòng nhỏ khoảng 20m2 để đặt một cái bàn và 10 cái ghế. Các phương tiện, thiết bị khác không được trang bị. Cứ như thế, làm việc tại nhà bác Hoạch trong vòng 5 tháng. Khoảng đầu năm 1991, đơn vị được Công ty Thương mại Tổng hợp Quảng Bình - đơn vị làm dịch vụ chuyển hàng phi mậu dịch 156 bố trí cho 03 phòng, thuộc dãy nhà cấp 4 cũ nát tại xóm Dược, xã Lý Ninh cũ (nay là phường Bắc Lý) để làm trụ sở làm việc. Đơn vị được trang bị thêm 1 cái máy đánh chữ, 1 cái tủ sắt và mượn được 3 bộ bàn, ghế, tủ để làm việc. Cũng trong năm đó, trạm trả hàng Đồng Hới mới chính thức có hoạt động nghiệp vụ.
Lần đầu tiên, tôi và một đồng nghiệp được cử đi đến cảng Hải Phòng, cùng với cán bộ làm dịch vụ giao nhận hàng để áp tải lô hàng phi mậu dịch từ Hải Phòng về Đồng Hới. Lần đầu tiên được làm một nhiệm vụ mới, được đến đất cảng, cảng biển lớn nhất nhì đất nước, tôi vô cùng phấn chấn, vừa mừng vừa lo. Tôi tự nhủ mình, phải cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phải giám sát hàng về đến nơi đảm bảo an toàn, trọn vẹn.
Chúng tôi đến Hải Phòng, làm việc với Đại lý hàng hải, Kho hàng, Hải quan và nhận lô hàng đầu tiên gồm 30 thùng hàng Liên Xô, áp tải về Quảng Bình an toàn tuyệt đối. Và cứ như thế, chúng tôi lại tiếp tục lên đường, đến Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn nhận nhiều lô hàng của người lao động tại Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức, Tiệp Khắc… đưa về trạm trả hàng Đồng Hới. Tại trạm trả hàng Đồng Hới, chúng tôi làm thủ tục hải quan để trả những kiện hàng về cho người thân của người gửi hàng trên địa bàn 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên. Một công việc bình dị, hết lòng phục vụ nhân dân, được thấy người dân vui vẻ, phấn khởi, tin tưởng là niềm vui của cán bộ Hải quan trạm trả hàng Đồng Hới.
Kỷ niệm của những lần đi áp tải hàng đầy ắp trong tôi và đồng nghiệp của tôi. Thời kỳ rong ruổi trên đường, chiều nay đang ở Quảng Bình, sáng mai đã ở Thủ đô, chiều đi đến thành phố Cảng, làm việc với các cơ quan chức năng, ngủ lại nhà khách Hải quan Hải Phòng vài đêm, lại ngồi trên xe cùng với lô hàng mới nhận, đi xuyên ngày đêm, cùng nhau cất cao lời ca tiếng hát suốt dọc đường từ Hải Phòng về đến Quảng Bình; có khi đến các góc cùng ngỏ hẻm trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế. Có nhiều kỷ niệm vui vì mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, được phục vụ, được đem lại niềm vui cho nhiều gia đình, cho nhiều người. Cũng có lúc căng thẳng, hiểm nguy khi đối đầu với các phần tử, băng nhóm côn đồ, đại ca (nhất là các đại ca đất cảng). Tất cả khó khăn, vất vả, hiểm nguy chúng tôi đều vượt qua, vì chúng tôi luôn có lòng nhiệt tình, tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm và trên hết vì chúng tôi là chiến sỹ Hải quan Việt Nam.
Và rất nhiều kỷ niệm vui, buồn khác của một thời khoảng hơn 3 năm được công tác tại Trạm trả hàng Đồng Hới -Quảng Bình…
Song song với việc làm thủ tục cho hàng hóa phi mậu dịch 156, trạm trả hàng Đồng Hới cũng làm thủ tục XNK hàng hóa mậu dịch cho các doanh nghiệp, công ty đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Gần 4 năm tồn tại, trạm trả hàng Đồng Hới đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp một phần trong nhỏ bé trong tiến trình xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp.
Nhớ lại trạm trả hàng Đồng Hới năm xưa, một thời vô cùng gian nan, khó khăn nhưng cũng đầy tự hào, một nốt son không thể nào quên. Có thể nói, trạm trả hàng Đồng Hới là tiền thân của Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình hôm nay. Chúng ta trân trọng quá khứ, biết được quê hương ta đã từng có một đơn vị Hải quan như thế để càng nỗ lực phấn đấu, xây dựng Cục Hải quan Quảng Bình phát triển, vững mạnh cho hôm nay và ngày mai.
(*) Bài đạt giải Khuyến khích cuộc thi “Viết bài về Hải quan Việt Nam 70 năm xây dựng và phát triển”