Bảo hiểm y tế (BHYT) được chuyển đổi từ tự nguyện sang hình thức BHYT hộ gia đình. Ngày 1/1/2015, Luật BHYT sửa đổi chính thức có hiệu lực.
Bảo hiểm y tế (BHYT) được chuyển đổi từ tự nguyện sang hình thức BHYT hộ gia đình. Ngày 1/1/2015, Luật BHYT sửa đổi chính thức có hiệu lực.
Tại Cà Mau cũng như các tỉnh, thành trên cả nước, mặc dù đã được BHXH Việt Nam tổ chức tập huấn về nghiệp vụ cho công tác kê khai, lập danh sách theo từng hộ gia đình, nhưng thực tế trong quá trình thực hiện, việc thu BHYT đã nảy sinh nhiều vướng mắc.
Chị em bà Nguyễn Thị Nguyệt, xã Ðông Thới, huyện Cái Nước chật vật tìm thẻ BHYT của các con bà đi làm ăn xa có để lại nhà không. |
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, ngụ ấp Khánh Tư, xã Đông Thới, huyện Cái Nước, cho biết: “Trước đây, tôi mua BHYT tự nguyện, khi chuyển qua mua BHYT hộ gia đình, nhà có 6 khẩu nhưng chỉ có tôi và ba tụi nó tham gia thôi. 4 đứa con đi làm thuê ngoài tỉnh, cán bộ đến xem sổ hộ khẩu, hỏi ai có thẻ BHYT, tôi cũng không biết hết, điện hỏi mấy đứa đi làm thuê nó nói công ty có mua cho nó rồi nhưng cũng chưa nhận được thẻ".
Bà Nguyệt có thẻ BHYT hết hạn đến xã làm thủ tục mua tiếp BHYT nhưng không được giải quyết. Theo đại lý thu, vì bà có đến 4 khẩu trong hộ chưa tham gia BHYT, nếu chờ đợi giấy tờ chứng minh các con bà đã tham gia gởi về, e rằng sẽ mất quyền lợi vì gián đoạn thời gian BHYT. Bởi bà tham gia BHYT được 5 năm liên tục, sẽ có một số chế độ thanh toán tiền khám, chữa bệnh ưu đãi hơn.
Để hoàn thành việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện cử người trực tiếp xuống từng xã, xã và các tổ kê khai tiến hành thu thập thông tin mẫu đảm bảo tiến độ. Với những xã có tỷ lệ thu thập mẫu thấp, lãnh đạo BHXH huyện phải trực tiếp xuống để phối hợp; nhân viên phụ trách BHYT hộ gia đình phải thường xuyên túc trực tại địa phương được phân công, hằng ngày báo cáo tiến độ thực hiện về giám đốc BHXH huyện; triển khai nhân viên làm ngoài giờ để tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao. |
Tại cuộc họp trực tuyến ngày 4/4 giữa BHXH Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, nhận xét, công tác phối hợp giữa bưu điện và BHXH cùng với các ngành có liên quan để kê khai, lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT tính đến ngày 31/3/2016, trên phạm vi toàn quốc chỉ 6 tỉnh, thành phố đạt trên 80% kế hoạch đề ra, riêng Cà Mau chỉ đạt 46% kết hoạch.
Sau thời gian ngắn thực hiện lập danh sách BHYT hộ gia đình, nhiều vấn đề vướng mắc đã phát sinh từ cơ sở, một số trường hợp người trong gia đình đang đi làm việc ở các doanh nghiệp không biết họ có được chủ cơ sở mua BHYT hay không, nhưng chưa trình thẻ BHYT và giấy xác nhận thì cũng không thể tham gia BHYT cho cả hộ. Việc hộ khẩu, giấy CMND không có ghi ngày, tháng sinh cũng gây khó khăn cho việc kê khai lập dữ liệu. Hiện tại công tác phối hợp giữa BHXH và bưu điện tại một số địa phương vẫn chưa chặt chẽ, thường xuyên.
Theo quy định hiện hành, nếu mua thẻ BHYT theo hộ gia đình, người đầu tiên sẽ mua với giá 621.000 đồng, từ người thứ 2, thứ 3, thứ 4 sẽ được giảm trừ mức đóng với giá lần lượt bằng 70%, 60%, 50% so với mức đóng của người đầu tiên… Như vậy, với hộ gia đình có 4 người, chi phí mua BHYT cả năm hơn 1,7 triệu đồng; hộ có 5 người chi phí gần 2 triệu đồng... đối với nhiều hộ gia đình có nhiều thành viên hơn thì việc bỏ ra một số tiền lớn liền lúc để mua BHYT là chuyện không đơn giản, nhưng rõ ràng là nếu có thẻ BHYT đi điều trị bệnh sẽ giảm được chi phí rất nhiều./.
Bài và ảnh: Minh Sậm